Mỗi dịp mùa xuân mới về, trong sâu thẳm lòng người luôn thôi thúc mãnh liệt tìm về cội nguồn để cảm nhận không khí ấm áp nơi quê nhà. Ở xóm 18, 19 xã Trực Hùng (Trực Ninh), không khí Tết dường như đến sớm bởi hàng trăm người con xa xứ trở về sum họp tại quê nhà mỗi dịp Tết. Cả xóm rộn rã tiếng cười nói, trò chuyện râm ran bàn việc làm đường thôn, xóm sửa sang tôn tạo nhà thờ họ.
Cụ Nguyễn Văn Am, xóm 18, xã Trực Hùng (Trực Ninh) chia vui với cán bộ xã hình ảnh các con cụ trong những lần về thăm gia đình. |
Chúng tôi đến thăm nhà cụ Nguyễn Văn Am đúng vào lúc gia đình đang dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới và tổ chức mừng thọ tuổi 85 cho cụ. Đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, nước da đã điểm đồi mồi nhưng cụ Am vẫn khá nhanh nhẹn và nét mặt rạng ngời phúc hậu. Tiếp chúng tôi trong căn biệt thự nhỏ ẩn mình trong khuôn viên ao trước, sân sau, vườn hoa, cây cảnh bao bọc bốn phía, cụ Am hồ hởi khoe: Năm nay nhà tôi cả thảy gần 20 con, cháu trai, gái, dâu, rể đang định cư tại các nước Cộng hòa Séc, Ba Lan, Cộng hòa Liên bang Đức về ăn tết. Đây mới chỉ là 1/3 số các con, cháu, chắt của tôi định cư ở nước ngoài, nhưng như thế là quý lắm rồi, bởi đã rất lâu gia đình mới có dịp đón một cái tết sum vầy đông đủ như vậy. Cụ chậm rãi kể: Tôi có 7 người con, thì 6 đứa định cư ở nước ngoài từ hơn 20 năm trước, rồi lập gia đình, sinh sống ở bên đó cả giờ đã có thế hệ thứ 4. Nhờ làm ăn được nên năm nào cũng vậy, cứ từ Noel đến Tết âm lịch là các con, các cháu của tôi đều sắp xếp thời gian về quê vui tết cùng gia đình, họ tộc, xóm làng. Bên nồi bánh chưng xanh, anh con cả của cụ Am cho biết: Anh em chúng tôi lập nghiệp nơi xa nhưng chưa bao giờ quên truyền thống quê hương, dân tộc, ghi nhớ trách nhiệm với cha mẹ, dòng tộc, quê hương nên năm nào cũng chia nhau sắp xếp công việc đưa con, cháu về quê hương đón Tết. Năm nay, gia đình tôi có việc vui, chúc thọ cụ bà lên lão 80, cụ ông tuổi 85 nên con cháu về đông đủ hơn, cả các cháu nhỏ là thế hệ thứ 4 của cụ cũng về, vừa để cha mẹ tôi thêm vui, phần vì cũng muốn các cháu cảm nhận được không khí Tết truyền thống của quê hương. Các cháu cũng rất háo hức khi được về quê đón Tết cùng với cụ, ông bà, bố mẹ và thỏa sức trải nghiệm, khám phá văn hóa nơi quê cha đất tổ. Ngoài gia đình cụ Am, ở các xóm 18, 19 còn gần 60 gia đình có con cháu ở xa về quê đón Tết. Nhà ít một, hai người, nhà nhiều cả chục người khiến làng quê thêm chộn rộn… Ở Trực Hùng, ngoài số gia đình có người thân định cư lâu dài ở nước ngoài thì còn khoảng hơn 200 người đang là lao động xuất khẩu tại các nước Malaixia, Bờ biển Ngà, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung bình mỗi tháng, nhóm lao động ở nước ngoài này mỗi người cũng gửi về cho gia đình khoảng 40 triệu đồng nên đời sống kinh tế của người dân tương đối ổn định, kinh tế địa phương cũng thêm sôi động. Cũng qua lời kể của con trai cụ Am thì những người đồng hương Trực Hùng ở nước ngoài nếu không thể về quê đón Tết thì cũng họp mặt cùng nhau dịp Tết, quây quần cùng hoa đào, hoa cúc, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành… Những dịp ấy, ngoài bàn chuyện làm ăn, họ cũng không quên chia sẻ trách nhiệm bàn chuyện đóng góp vật chất, trí tuệ về xây dựng quê hương. Đồng chí Lâm Ngọc Hàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ những năm 1990, phong trào xuất khẩu lao động “tràn về” vùng quê thuần nông này đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ cho địa phương. Số người đi lao động ở nước ngoài đã tác động tích cực tới nhiều mặt xã hội, nhận thức của người dân nâng lên, thay đổi tư duy làm kinh tế, tập quán canh tác lạc hậu, đến tiếp nhận công nghệ sản xuất tiên tiến... Nhờ xuất khẩu lao động đã mang lại nguồn thu khá cho nhiều gia đình, không những đời sống của gia đình được cải thiện mà họ còn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xã, thôn, như: ủng hộ xây mới nhà văn hóa, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, diện mạo nông thôn của Trực Hùng có nhiều thay đổi. Dưới bóng tre xanh là những căn biệt thự xinh xắn; các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư khang trang, kinh doanh thương mại dịch vụ cũng nhờ đó mà phát triển mạnh. Trong đó tuyến đường Tống Cố nối từ đường trục chính của xã về đến xóm 18, 19 được nâng cấp đáp ứng yêu cầu giao thông đi lại và phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài ra các công trình nhà văn hóa thôn xóm, nhà thờ xứ, họ đạo, sân thể thao đều được xây bằng nguồn kinh phí đóng góp của các gia đình có con em ở nước ngoài. Ngoài việc đóng góp kiến thiết hạ tầng thôn xóm, từ gần 20 năm nay, mỗi khi Tết đến, Xuân về, các hộ gia đình có người ở nước ngoài đều đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo của xã để hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn.
Tết sum vầy tại quê nhà mỗi năm để tiếp thêm “năng lượng quê hương” tạo động lực phấn đấu cho những người con xa xứ trong năm mới, bù đắp nỗi nhớ của tình thân gia đình, cha mẹ con cháu xa cách, ấm lòng người ở quê nhà, và các thế hệ cháu con tiếp tục góp phần vun đắp, gìn giữ bản sắc Việt./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương