Gần sát Tết, có dịp về các làng hoa, cây cảnh như: Nam Phong (Thành phố Nam Định), Điền Xá (Nam Trực), Mỹ Tân (Mỹ Lộc)... chỉ thấy bát ngát những vườn hoa khoe sắc rực rỡ. Dưới chân đê, vườn cúc đang bung cánh đón gió, luống hoa hồng chạy dài khoe vẻ thanh tân. Và đây đó, những cành đào phai, đào bích cũng chỉ chờ đúng tiết để bung nở. Xen lẫn giữa muôn bông nghìn tía, những chậu bưởi cảnh khỏe mạnh, lá xanh mướt, quả vàng óng thả là là, đều đặn chạy khắp thân cây. Tại các nhà vườn đã lác đác có người đến đặt mua bưởi về chơi Tết. Mấy năm trở lại đây, ngoài các loại hoa, cây cảnh truyền thống được nhà nhà, người người lựa chọn để chơi Tết, giới chơi cây “sành sỏi” còn hay tìm mua các chậu bưởi cảnh bày trong nhà cho sang, độc, lạ để đón Tết.
Anh Đoàn Xuân Thiệp, xóm Tân Thành, xã Nam Phong (Thành phố Nam Định) chăm sóc vườn bưởi cảnh. |
Quãng 5, 6 năm trước, anh Đoàn Xuân Thiệp, xóm Tân Thành, xã Nam Phong (Thành phố Nam Định) chuyển hẳn sang trồng bưởi cảnh để bán Tết. Trước khi gắn bó với cây trồng mới, anh vốn là chủ một nhà vườn trồng quất có tiếng ở đất Nam Phong. Anh Thiệp cũng đã từng trồng các loại hoa thời vụ như cúc, hồng... Nghề trồng, chăm sóc cây bưởi cảnh theo anh Thiệp không phải quá khó nhưng đòi hỏi nhiều công phu, dụng công chăm sóc. Theo đó, để có được một vườn bưởi với số lượng lên đến hơn trăm gốc như bây giờ, anh Thiệp phải mất khá nhiều thời gian, tâm sức. Ban đầu, để tạo vườn, anh đến các tỉnh, thành phố như Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương mua gốc cây bưởi Diễn về trồng. Chọn mua cây “theo mớ” ở những nhà vườn có nhiều cây “chẹt” do trồng dày cần phải bỏ, anh Thiệp cắt cụt hết ngọn thuê người vận chuyển về vườn. Chi phí cho một gốc bưởi mua tại vườn vào khoảng 900 nghìn đồng bao gồm cả công vận chuyển. Ăn Tết xong xuôi, khi Giêng, Hai nông nhàn là lúc anh Thiệp bắt đầu mùa vụ “săn cây” mới. Mua được những gốc cây ưng ý, nhanh chóng anh bắt tay đào hốc trồng cây. Quy trình trồng, chăm sóc cây, giai đoạn này, theo anh không có gì đặc biệt, như trồng các loại cây ăn quả khác. Khi thấy gốc cây phát triển tốt, lá đẹp, đủ cành, anh Thiệp tính toán cho cây lên chậu. Cây vào chậu ổn định được chừng 4 tháng, anh bắt đầu ghép quả cho cây. “Đây là công đoạn tương đối khó, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận và có kinh nghiệm của người thợ làm vườn. Gắn bó với cây bưởi đã lâu, tôi cũng nếm không ít “ngọt, bùi” từ những mùa ghép quả này”, anh Thiệp cho biết. Để ghép quả lên cây, anh tiếp tục tìm đến những vùng trồng bưởi Diễn nức tiếng trong nước chọn mua quả ghép. Anh Thiệp cẩn thận chọn các quả đều, đẹp, không sâu bệnh, còn nguyên cuống, cuống phải có độ dài từ 10-15cm để ghép. Chọn được quả ghép, anh tiến hành cắt đầu cành rồi ghép vào thân cây. Lựa trên thế của từng gốc, anh ghép quả nhằm tạo ra các dáng cây phù hợp, đẹp. Có thế cây chùm, có thế huyền, thế hoành… “Quá trình ghép không quá khó, kỹ thuật ghép như ghép cây bình thường. Hậu ghép mới là công đoạn nan giải nhất. Bởi khi đó cây đòi hỏi chế độ chăm sóc, dinh dưỡng rất đặc biệt. Chưa kể thời tiết đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến mức độ thành công của việc đậu quả”, anh Thiệp chia sẻ. Theo đó, để cành bưởi ghép có thể sinh trưởng, phát triển tốt trên thân cây, đặc biệt mẫu mã, dáng phải đẹp, anh Thiệp chú ý chăm sóc cây rất cẩn thận. Ở từng thời điểm khác nhau, anh có chế độ bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh khác nhau. Ví dụ như giai đoạn bưởi còn non, muốn quả bưởi nhanh to, anh bón thêm các loại phân chuồng, phân lân, đạm cho cây. Đến tháng 9, tháng 10, anh có thể bón thêm kali, ngoài ra có thể dùng thêm phụ phẩm như ngô và đậu tương giúp quả bưởi chắc mẩy, căng bóng, chất lượng quả tốt hơn. Mặc dù lão luyện trong nghề, xong theo anh Thiệp, tỷ lệ ghép thành công cũng chỉ đạt khoảng 60-70%. Đó là chưa kể những năm thời tiết bất thường, mưa nhiều, cây bị thối gốc dẫn đến quả rụng. Phải mất khoảng 2 năm trồng, chăm sóc, những gốc bưởi ở nhà anh Thiệp mới cho thu về “quả ngọt”.
Cuối tháng 11, đầu tháng 12 nhà vườn của anh Đoàn Xuân Thiệp đã bắt đầu có khách đến hỏi mua. Càng về cuối năm, bưởi cảnh càng đắt khách. Khách hàng của anh đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nội… Theo tính toán của anh Thiệp, từ khi trồng bưởi, chưa bao giờ nhà vườn bị tình trạng “hàng tồn”. Với các mức giá 6-7 triệu đồng/gốc đối với những cây cao từ 2,5-3m, số lượng quả khoảng 100 quả/gốc; 3-4 triệu đồng/gốc cây có số lượng quả từ 60-70 quả. “Nếu đào hoặc quất chỉ chơi được trong một khoảng thời gian nhất định, chưa kể những rủi ro như cây bị héo, bị chết thì bưởi chơi được rất lâu, có thể ra đến tận tháng 3”, anh Thiệp chia sẻ. Ngoài làm các gốc bưởi cảnh Tết cỡ bự, anh cũng chiết, ghép các cây loại nhỏ, thích hợp với việc bài trí trong nhiều không gian khác nhau. Mức giá của loại cây này tương đối “mềm” từ 800 nghìn - 1 triệu đồng/gốc. “Đối với loại cây nhỏ, ưu điểm của cây là rất dễ bán, phù hợp túi tiền nhiều người. Tuy nhiên, nhược điểm là cây càng nhỏ càng khó ghép quả. Có những cây, tôi ghép mà không đậu được quả nào”, anh Thiệp cho biết thêm. Với trên 100 gốc bưởi gối vụ hằng năm, theo tính toán của anh Đoàn Xuân Thiệp, mỗi mùa bưởi Tết anh thu về hơn 100 triệu đồng. So sánh với làm quất, trồng hoa, trồng bưởi cho giá trị kinh tế hơn vì không tốn quá nhiều công chăm sóc như trồng quất, ít phải phân tro, phun thuốc trừ sâu. Do đó, người trồng đỡ chịu ảnh hưởng bởi các loại thuốc kích thích. Trồng bưởi cảnh lại không tốn quá nhiều diện tích đất đai. Sau khi cây lên chậu, anh Thiệp còn “tranh thủ” diện tích đất vườn trồng thêm quất, các loại hoa. Tại vườn, anh đang có thêm vài chục cây quất xen canh. Anh Thiệp hiện có khá nhiều hình thức bán cây. Anh có thể bán đứt các gốc cây cho khách, cũng có thể cho thuê các gốc cây đẹp. Tuy nhiên số lượng khách thuê cây ít hơn nhiều so với những người mua cây. Đối với các khách hàng mua cây, ai có nhu cầu sau Tết nhờ nhà vườn chăm sóc, anh vẫn nhận lời với mức giá rất phải chăng. Hết mùa, anh còn liên hệ với người mua bán lại gốc nếu họ có nhu cầu… Với các ưu điểm lạ, đẹp mắt, sang, “bền cây”, bưởi cảnh đang dần trở thành xu hướng chơi cây mới của nhiều người “sành chơi’ trong dịp Tết. Khi nhu cầu chơi trong dân tăng lên, nghề trồng bưởi cảnh cũng tạo ra những chủ nhà vườn mới, nhanh nhạy, đam mê nghề. Tuy nhiên, số lượng các nhà vườn trồng bưởi cảnh trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa nhiều. Theo ước tính của anh Thiệp, có thể đếm được trên đầu ngón tay những nhà vườn trồng bưởi cảnh ở trong tỉnh. Vì thế, đa phần số lượng bưởi cảnh được bán trong dịp Tết là nhập ở các tỉnh, thành phố khác về.
Cả khu vườn rộng mênh mông dưới chân đê nhà anh Đoàn Xuân Thiệp sáng bừng trong sắc vàng của bưởi vào chính vụ. Lẫn trong màu vàng của quả, những lá, những cành mạnh khỏe vươn lên. Từ giữa vườn bưởi, mùi thơm thanh tao, nhè nhẹ của những quả chín níu chân, vấn vít người đi. Mùa bưởi cảnh năm nay, hy vọng lại nối tiếp những mùa vụ bội thu cho các nhà vườn, bõ công người trồng cấy sớm hôm lam lũ, vất vả, cũng là để làm phong phú thêm những thú chơi lành mạnh, đẹp đẽ trong ngày Tết cổ truyền của bao gia đình./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân