Tại Triển lãm Bản đồ và Trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình tọa đàm về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Câu chuyện của các cán bộ, người dân Nam Định từng công tác, làm việc và ra thăm quần đảo Trường Sa giúp tôi cảm nhận sâu sắc tinh thần toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn hướng về biển, đảo thân yêu. Trong đó, quân và dân Nam Định luôn sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Đoàn công tác của tỉnh chụp ảnh lưu niệm trước cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Xuân Thu |
Thiếu tướng Hoàng Kiền, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) hồi tưởng lại giai đoạn ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83, được giao nhiệm vụ chỉ huy xây dựng các công trình bảo vệ quần đảo Trường Sa. Vị tướng già chia sẻ, “trước sự uy hiếp của tàu chiến Trung Quốc sau sự kiện 14-3-1988, nhiệm vụ xây dựng trên quần đảo Trường Sa rất nặng nề và khẩn trương với khối lượng công việc lớn”. Điều kiện vật chất và môi trường làm việc khó khăn, tàu chiến Trung Quốc luôn uy hiếp nhưng ông luôn quyết tâm vượt khó, tìm biện pháp hiệu quả nhất trong chỉ huy, tổ chức thi công các công trình phòng thủ trọng yếu. Ông đã có nhiều sáng kiến, biện pháp cải thiện điều kiện làm việc an toàn, tiết kiệm chi phí, thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Ban đầu, thường dùng xuồng kéo dây vận chuyển từ tàu vào nên vật liệu bị nước biển làm ướt, hư hỏng; tiến độ vận chuyển rất chậm, ông đã nghiên cứu đóng xuồng máy chuyển tải lớn hơn, vừa quay vòng nhanh vừa giữ vật liệu khô, mở ra cách chuyển tải mới được áp dụng từ năm 1991 đến nay ở Trường Sa. Các đảo ở Trường Sa hẹp, không có cầu cảng, không đưa máy thi công cỡ lớn ra được nên ông phải tìm hiểu, gửi mua hàng trăm máy thi công loại nhỏ của Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình. Do lính của đơn vị không có nghề xây dựng nên ông đã về quê (làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh) động viên, tuyển chọn được 9 người thợ nề đi xây dựng đảo. Ông nhớ lại, trong quá trình xây dựng ở Trường Sa, ông được giao nhiệm vụ làm một con kênh lớn để tàu vào được đảo Đá Lớn. Bằng tinh thần sáng tạo, quyết đoán trong thi công và chỉ huy, trong ba tháng ông cùng đồng đội đã thông được con kênh nối hồ Đá Lớn với biển, giúp luồng thông sớm, kịp đưa 2 tàu Hải quân vào hồ trực chiến đêm 1-5-1990, tránh được nguy hiểm do cơn bão số 1 vào đêm 3-5-1990. Thấy chiến sĩ chỉ ăn đồ hộp mà không có rau xanh, ông đã nghĩ cách đưa đất trộn với phân hữu cơ ra đảo để trồng rau, giúp bộ đội có rau xanh ăn quanh năm... Từ năm 1991 đến nay, năm nào làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) cũng có người dân ra Trường Sa xây dựng công trình bảo vệ Tổ quốc. Ông Đỗ Ngọc Quyển, làng Bỉnh Di là người đã hai lần tham gia xây dựng tại các đảo Sinh Tồn, Nam Yết. Theo ông Quyển, năm 1994, tàu hải giám Trung Quốc thường xuyên bao vây, ngăn cản việc xây dựng của ta. Vì vậy, cuộc sống của người thợ và các chiến sĩ trên đảo rất thiếu thốn về lương thực, rau xanh, đặc biệt là thiếu nước ngọt; chưa kể đến những khó khăn khác. Xây công trình nhà cấp 1 ở trên đảo phải mất 6 đến 7 tháng nhưng do thường xuyên có giông bão nên thời gian thuận lợi để xây dựng ở đảo là từ tháng 3 đến tháng 10 dương lịch. Do vậy, đội thợ đã phải dốc sức, bất kể sớm, tối để hoàn tất thi công công trình trước mùa mưa bão.
Thiếu tướng Hoàng Kiền giới thiệu mô hình Nhà giàn DK1 do ông chỉ đạo thiết kế, thi công tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: Thanh Thúy |
Thượng tá Lê Xuân Thanh, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Quân và dân Nam Định đã có nhiều hoạt động góp phần cùng quân, dân cả nước bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo Trường Sa. Ngoài việc tích cực tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ biển, đảo quê hương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập và duy trì hiệu quả Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” để thăm hỏi, tặng quà cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa, các gia đình có con em tham gia công tác ở Trường Sa. Phối hợp chặt chẽ với Tỉnh Đoàn thực hiện thành công chương trình “Góp đá vì Trường Sa thân yêu”. Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức 4 đoàn công tác đi thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa. Hằng năm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều hoàn thành tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, bàn giao từ 300 đến 500 tân binh cho Quân chủng Hải quân. Trong đợt đi thăm hỏi, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa tháng 5-2018, Thượng tá Thanh đã gặp gỡ 65/72 cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Nam Định đang công tác trên quần đảo Trường Sa. Theo báo cáo của cán bộ chỉ huy đảo với Đoàn công tác, có 29 chiến sĩ trong số đó được khen thưởng; trong đó 11/29 đồng chí đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua năm 2017, góp phần tô đậm thêm truyền thống và đóng góp của quê hương Nam Định anh hùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Trường Sa của Tổ quốc.
Một cảm xúc mà Thượng tá Lê Xuân Thanh không thể quên trong chuyến đi Trường Sa là vào thời khắc chia tay tại đảo Trường Sa Lớn. Khi tàu nhổ neo tiếp tục hành trình đến các đảo khác, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã xếp thành hàng dài trên cầu cảng, cùng nắm chặt tay nhau hát vang những ca khúc cách mạng và hô vang: “Xin chào đất liền; đất liền hãy tin tưởng chúng tôi; ở đảo đã có chúng tôi”. Rất nhiều đại biểu trên tàu đã không kìm được nước mắt, xúc động cảm phục trước tinh thần dũng cảm, không nề hà khó khăn, khắc nghiệt, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những điều chia sẻ ấy càng thôi thúc chúng ta hành động nhiều hơn nữa để xứng đáng với tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thiêng liêng./.
Thanh Thúy