Những làng hoa đón Tết

02:01, 22/01/2019

Trước Tết Nguyên đán, không khí ở các làng hoa trong tỉnh nhộn nhịp từ sáng sớm đến chiều tối. Đi dọc theo các con đường nhựa hoặc đường bê tông ngoằn ngoèo chạy xuyên qua làng hoa, thấy nơi đâu cũng rực rỡ sắc màu. Hoa tràn ngập từ hai bên đường, dưới ruộng, sân nhà, được trồng hoặc treo trên giàn trông rất đẹp mắt.

Đến làng hoa Phù Long, xã Nam Phong (Thành phố Nam Định) sẽ cảm nhận được mùa xuân đang đến thật gần. Sắc xuân không chỉ ở những loại hoa rực rỡ mà còn trong cảnh nhộn nhịp bán, mua hối hả. Làng Phù Long có 4 xóm là Mỹ Tiến 1, Mỹ Tiến 2, Mỹ Lợi 1, Mỹ Lợi 2, với 95% số hộ dân trồng hoa. Tổng diện tích trồng hoa của làng Phù Long gần 100 mẫu, trong đó xóm Mỹ Tiến 1 gần 30 mẫu, xóm Mỹ Tiến 2 trên 30 mẫu, Mỹ Lợi 1 và Mỹ Lợi 2, mỗi xóm khoảng 15-20 mẫu. Nhà nào ít cũng trồng từ 3-4 sào, nhiều thì từ một mẫu trở lên. Loài hoa được trồng ở Phù Long chủ yếu là cúc, chiếm khoảng 80% diện tích trồng hoa. Cúc có nhiều loại như cúc vàng, cúc trắng, cúc xinh; ngoài ra người dân còn trồng các loại hoa khác như phăng xê, đồng tiền, thược dược xen kẽ; hoặc dơn, ly… Anh Đặng Xuân Tuyên, trưởng xóm Mỹ Tiến 1 là người có thâm niên trồng hoa cho biết: Hoa ở Phù Long không chỉ bán vào dịp Tết mà bán quanh năm, cứ 4 tháng một lần, hoa lại cho lứa mới chờ thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào hoa cúc vụ Tết cho người trồng thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa gấp khoảng 10-15 lần. Tuy nhiên, theo anh Tuyên, nghề trồng hoa đòi hỏi chăm bón công phu, từ công đoạn làm đất, chăm bón đến bắc giàn, vẽ nụ; nếu thời tiết rét thì phải quây ni lông và thắp điện để cây đủ nhiệt độ sinh trưởng, phát triển; còn thời tiết ấm thì phải che lưới đen để giảm nhiệt độ cho cây phát triển chậm, đúng thời vụ. Trước đó, để trồng hoa, người dân Phù Long đã chuẩn bị giống, phân bón, cày bừa đất, thuốc trừ sâu, nước tưới, dàn che, điện thắp sáng để kích thích cây sinh trưởng. Vụ hoa Tết thường bắt đầu từ ngày 15 tháng Chạp. Từ khoảng 23 tháng Chạp, thương lái đã mang xe đến tận nơi mua hoa rồi tỏa đi các nơi. Năm nay, theo người trồng hoa thôn Phù Long, giá các loại hoa có giảm đôi chút so với năm ngoái nhưng thị trường có phần sôi động hơn vì cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. 

Người dân xóm Minh Khai, thôn Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) chăm sóc hoa hồng cổ Sapa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2019.
Người dân xóm Minh Khai, thôn Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) chăm sóc hoa hồng cổ Sapa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2019.

Tại làng hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), không khí chuẩn bị cho vụ hoa Tết cũng không kém phần rộn ràng, náo nức. Hàng trăm năm hình thành và phát triển hoa, cây cảnh, Vị Khê luôn trở thành “điểm đến” yêu thích của nhiều người mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Sắp vào Xuân, những cánh đồng hoa ở nơi đây đang bạt ngàn khoe sắc. Nghệ nhân Vũ Viết Hoa cho biết, làng Vị Khê có 5 xóm trồng hoa, cây cảnh là Minh Khai, Trần Phú, Hoàng Thụ, Lê Thăng, Hoàng Ngân, thì 3 xóm trồng nhiều hoa Tết nhất là Minh Khai, Trần Phú và Hoàng Thụ, chủ yếu trồng hai loại hoa hồng quý là hồng vân khôi và hồng ngọc lộ. Mỗi chậu hoa hồng dịp Tết có giá dao động từ 200 nghìn đồng đến 10 triệu đồng, tuỳ dáng cây, nhất là cây lâu năm, gốc to, thế đẹp, tròn đều. Để có được hoa nở đúng vụ, bông đẹp, người trồng chủ yếu vận dụng kinh nghiệm dùng thuốc kích thích phát triển và nắm được các đặc điểm sinh trưởng để “thúc” hay “hãm” cây ra hoa đúng thời vụ. Gia đình anh Nguyễn Mậu Thái ở xóm Minh Khai trồng khoảng 2.000-3.000 cây hoa hồng; gia đình các anh: Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Dũng, xóm Minh Khai trồng khoảng 1.000 cây hoa hồng. Chị Hoàng Thị Thắm, xóm Minh Khai cho biết: “Vụ Tết năm nay gia đình tôi dự kiến cung ứng ra thị trường trên 3.000 cây hồng Sapa cổ, 500-600 cây hồng vân khôi và trên 3.000 cây hoa hồng bạch, với mức thu nhập khoảng 400-450 triệu đồng”.

Làng hoa xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).
Làng hoa xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Đến với các làng hoa xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), sẽ cảm nhận nơi đây như một bức tranh rực rỡ sắc màu. Trên khắp các cánh đồng hoa thôn Hồng Hà 1, Hồng Hà 2, Bình Dân, những luống hoa cúc, dơn, ly, cát tường, đồng tiền, hồng, thược dược... đang chuẩn bị được thu hoạch đón Tết Nguyên đán. Những ngày này, người trồng hoa thường xuyên có mặt ở vườn để tưới nước, tỉa lá, phun thuốc kích thích sinh trưởng đảm bảo cho hoa phát triển tốt. Theo các hộ dân trồng hoa ở Mỹ Tân, cây hoa rất “nhạy cảm”, nếu không được chăm sóc cẩn thận, hoa có thể nở không đúng dịp Tết. Ông Trần Văn Trung, thôn Bình Dân cho biết, bình quân mỗi 1 sào hoa dơn vụ Tết, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 40-50 triệu đồng. Còn 1 sào hoa cúc nếu được giá sẽ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Có nhiều gia đình trồng hoa với số lượng lớn thu nhập từ 200-250 triệu đồng/vụ hoa Tết… Những ngày này, người dân các làng nghề trồng đào, quất xã Nam Mỹ (Nam Trực) cũng đang tất bật vào vụ. Theo các hộ trồng đào ở Nam Mỹ, thời tiết năm nay cơ bản thuận lợi cho trồng, chăm sóc cây đào, tuy nhiên do năm nay thời tiết không hanh, độ ẩm trong không khí cao dẫn đến khó điều chỉnh dăm hoa… Nhiều hộ trồng đào thế, đào gốc to cho thu nhập cao như anh Nguyễn Văn Hào xóm Đồng Ích; các anh Đặng Văn Việt, Đặng Văn Nam, Tạ Văn Thuân, Nguyễn Văn Hồng, Đào Văn Huân… xóm Tiền Phong 2; các anh Trần Phát Tước, Trần Phát Duy, Trần Phát Tứ xóm Tân Dân thu nhập trên 150 triệu đồng/năm từ trồng đào. Cây quất cảnh trồng chủ yếu ở xóm Quyết Tiến với diện tích khoảng 5 mẫu; giá trị thu nhập 1 sào quất loại 3 năm khoảng 60-70 triệu đồng; loại 1 năm, quất thần tài thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng...

Trên các cánh đồng hoa bạt ngàn hương sắc, không khí Tết đang tràn ngập. Trên các triền đê lộng gió dẫn vào các làng hoa, các bà, các chị với những gánh hoa tươi đầy ắp, rực rỡ sắc màu chuẩn bị đem vào phố bán trong những tiếng nói cười râm ran không dứt. Những vùng đất bãi ven sông được phù sa màu mỡ bồi đắp đang bừng thắm muôn sắc hoa, báo hiệu một mùa xuân mới yên vui, đầm ấm đang đến gần./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com