Cách UBND xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) khoảng 2km, “Mái ấm Hồng Ân” tọa lạc yên bình ở xóm 13. Nơi đây từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những mảnh đời có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc không nơi nương tựa.
Những người sống ở “Mái ấm Hồng Ân” xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) luôn đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong sinh hoạt đời thường. |
“Mái ấm Hồng Ân” được xây dựng trên diện tích 2.380m2 với nguồn tài trợ của Hội St.Jacques (Pháp) và các Mạnh Thường Quân. Ngày đầu đi vào hoạt động (năm 2006), “Mái ấm Hồng Ân” đã tiếp nhận 21 người từ nhiều miền quê như Bắc Giang, Hà Nội, Lạng Sơn… Hiện nay, “Mái ấm Hồng Ân” đang cưu mang 36 người, phần lớn là người cao tuổi, người mắc bệnh tâm thần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc neo đơn không nơi nương tựa. Bà Phạm Thị Nhẫn (64 tuổi), bị khuyết tật bẩm sinh, quê xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) có hoàn cảnh éo le. Khi sinh ra, bà không biết bố mình là ai, mẹ phải đi ăn xin nuôi con qua ngày. Sau khi mẹ qua đời, bà Nhẫn được người cháu trai nhận nuôi nhưng thường xuyên mắng chửi bà. Khi biết tin ở xã có ngôi nhà cưu mang những thân phận khó khăn, bà đã xin được vào “Mái ấm Hồng Ân”. Nằm liệt giường đã nhiều năm nay, bà Trần Thị Vóc (74 tuổi) quê ở Hải Hậu là trường hợp mới được “Mái ấm Hồng Ân” tiếp nhận vào cuối năm 2018. Từng là nữ Thanh niên xung phong, ngoài 20 tuổi bà Vóc lập gia đình, sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái. Sau đó, cuộc hôn nhân của bà Vóc đổ vỡ. Vài năm trở lại đây, bà bị tai biến và nằm liệt hoàn toàn. Vì không có khả năng chăm sóc và tiền thuốc thang điều trị cho mẹ nên hai người con đã tìm đến “Mái ấm Hồng Ân” nhờ giúp đỡ và được chấp thuận. Trong số các trường hợp được cưu mang dưới “Mái ấm Hồng Ân”, còn có những người bị mắc bệnh thần kinh, bệnh đao với hoàn cảnh đáng thương như chị Nguyễn Thị Hường (47 tuổi), Phạm Thị Loan (18 tuổi). Chị Nguyễn Thị Hường quê ở Xuân Trường sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cả hai chị em đều bị mắc bệnh đao. Bố mẹ chị Hường làm đủ nghề mưu sinh để trang trải tiền thuốc thang cho hai con. Tuy nhiên, biến cố lớn đã ập đến khi bố chị Hường mất đột ngột, người mẹ sau đó không chịu nổi mất mát đã bị tai biến, không còn khả năng lao động. Năm 2009, các nữ tu đã đến thuyết phục gia đình cho chị Hường đến với “Mái ấm Hồng Ân”…
Có một điều diễn ra thường nhật dưới “Mái ấm Hồng Ân” đó là sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các nữ tu và sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của những người sống chung một mái nhà. Hiện nay, “Mái ấm Hồng Ân” có 9 nữ tu thuộc dòng Trinh Vương tình nguyện chăm sóc những hoàn cảnh éo le, trong đó nữ tu Vũ Thị Hài là người phụ trách. Với đặc thù đối tượng chăm sóc đa dạng về bệnh lý, các nữ tu đã phân công nhau việc cấp dưỡng và cho bệnh nhân uống thuốc. Nữ tu Vũ Thị Hài chia sẻ: Để làm tốt công tác chăm sóc những người bệnh, nhiều nữ tu đã được phân công đi học ở Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình. Khi một nữ tu học xong lại cử nữ tu khác đi học; cứ nối tiếp như thế nên hầu hết các nữ tu ở “Mái ấm Hồng Ân” đều biết cách chăm sóc người bệnh. Các trường hợp đến với “Mái ấm Hồng Ân” ban đầu đều có sức khỏe kém, thể trạng tinh thần chưa ổn định. Chỉ sau một thời gian ngắn, các sinh hoạt của những bệnh nhân dưới “Mái ấm Hồng Ân” đều đi vào nền nếp, đời sống tinh thần được nâng cao. Vào 6h15’ buổi sáng ở trước sân “Mái ấm Hồng Ân” đều có mặt đầy đủ người già, người trẻ để tập các động tác thể dục cùng các nữ tu. Sau bữa ăn sáng, các nữ tu lên danh sách thực đơn thức ăn bữa trưa, bữa tối và phân công nhau đi chợ. Có những bệnh nhân phải làm riêng một thực đơn vì lý do sức khỏe như trường hợp của bà Trần Thị Vóc. Công việc cho các bệnh nhân uống thuốc hoặc “nịnh” các bệnh nhân tâm thần ăn cơm, thuyết phục họ tắm giặt đều được các nữ tu kiên trì thực hiện. Cùng với sự chăm sóc của các nữ tu, những người có sức khỏe và minh mẫn sống ở “Mái ấm Hồng Ân” cũng góp sức như đẩy xe lăn, quét nhà, nhặt rau, đút cơm cho người bệnh nặng… Chứng kiến những sinh hoạt tập thể như cùng nhau tụng kinh ở thánh đường, cùng nhau làm hoa giả, phụ giúp việc bếp núc, đẩy xe lăn đi dạo trong khuôn viên “Mái ấm Hồng Ân” mới cảm nhận rõ sự đoàn kết, niềm vui của mỗi người. Vào các dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, “Mái ấm Hồng Ân” thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ với sự tham gia của các nữ tu và những người đang được cưu mang tại đây. Những người có năng khiếu múa, hát, ngâm thơ đều tự tin trên sân khấu. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, UBND xã Thọ Nghiệp và một số tổ chức từ thiện, cá nhân đã tổ chức tặng quà động viên những hoàn cảnh éo le đang sống ở “Mái ấm Hồng Ân”. Trong số những Mạnh Thường Quân chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh ở “Mái ấm Hồng Ân”, có một gia đình ở xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) cấp 2 bữa ăn sáng miễn phí/tuần. Niềm an ủi với những người sống ở “Mái ấm Hồng Ân” là khi mất, nếu gia đình không đón về an táng thì các nữ tu sẽ tổ chức tang lễ cho các cụ. Từ khi thành lập đến nay, đã có 22 cụ khi mất được các nữ tu tổ chức tang lễ trọng thể và an táng tại khu nghĩa trang 200m2 thuộc “Mái ấm Hồng Ân”. Tâm sự thật lòng với chúng tôi, nữ tu Vũ Thị Hài chia sẻ nhiều khó khăn đang chờ đợi trước mắt với hoạt động của “Mái ấm Hồng Ân”. Thứ nhất về vấn đề kinh phí hoạt động, theo nhẩm tính, trung bình 1 bữa trưa phải tốn 5kg gạo và 2kg thịt, rau; mỗi bữa sáng trung bình 200 nghìn đồng; chưa kể tiền thuốc, tiền điện; riêng tiền ăn ở “Mái ấm Hồng Ân” trung bình 1 tháng chi phí từ 15 đến 20 triệu đồng. Trong khi đó hiện nay nhu cầu của nhiều gia đình khó khăn muốn gửi người thân vào “Mái ấm Hồng Ân” nhưng đành phải khất lần lượt vì “lực bất tòng tâm”.
“Mái ấm Hồng Ân” ở xã Thọ Nghiệp đã và đang góp sức bù đắp những mất mát cho những số phận kém may mắn, thể hiện tình người và tình đoàn kết “lương - giáo” vốn là đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Hy vọng chính quyền cùng các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm sẽ tiếp tục chung tay giúp sức cùng “Mái ấm Hồng Ân” đón nhận những mảnh đời bất hạnh để họ có cuộc sống đủ đầy./.
Bài và ảnh: Viết Dư