Độc đáo quất cảnh bonsai

08:01, 18/01/2019

“Làm quất cảnh bonsai, khó nhất là công đoạn đưa cây vào bình để chăm sóc, tạo thế. Bởi lúc đó chúng tôi vừa phải “căn” thế cây, vừa phải lựa kiểu bình vừa phải nghĩ chế độ chăm sóc dinh dưỡng riêng để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt”, ông Vũ Đình Khoa, thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (Thành phố Nam Định) chia sẻ. 64 tuổi đời, trên 10 năm gắn bó với cây quất, trong đó có 5 năm trồng quất cảnh bonsai, chủ nhà vườn Sinh Hiệu có rất nhiều kỷ niệm buồn vui với nghề. Tuy nhiên, như nhiều nhà vườn thành công khác, chính nghề làm cây cảnh đã nuôi sống ông. Nhìn cơ ngơi khang trang, rộng rãi của ông Khoa với những khu vườn được thiết kế riêng, công phu, bề thế, chúng tôi hiểu, tình yêu với nghề làm vườn, với cây cối đã mang lại quả ngọt cho những nông phu cần mẫn, dám nghĩ, dám làm.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Đến nhà vườn của ông Vũ Đình Khoa những ngày này, phải “tranh thủ” lắm, ông mới có thể tiếp chúng tôi bởi câu chuyện thường xuyên bị gián đoạn với những cuộc gọi điện thoại đặt cây, người mua đến vườn ngắm cây, chọn cây. Mùa vụ cây Tết năm nay chắc chắn sẽ tiếp nối những vụ mùa bội thu khác đối với ông Khoa. Quãng 10 năm trước, như nhiều nông dân khác ở Nam Phong, ông bắt đầu làm quen với cây quất. Để trồng quất, ông quy hoạch lại vườn tược, đồng ruộng, tìm hiểu thêm về quy trình trồng, dinh dưỡng cho cây. “Thời gian đó cũng là những năm tương đối thịnh vượng của nghề trồng quất. Vườn nhà tôi ước tính mỗi năm có hàng nghìn cây quất chờ xuất bán mỗi dịp Tết đến. Vài năm trở lại đây, nhận thấy xu thế người dân chuyển sang chơi dòng quất bonsai, hay còn gọi là quất bình ngày càng nhiều, tôi chuyển hẳn sang trồng quất nghệ thuật”, ông Khoa chia sẻ thêm về quyết định chuyển hướng kinh doanh. Theo đó, ông lựa chọn trong vườn quất cảnh những cây có các thế “độc”, quy hoạch thành vườn riêng để phát triển dòng bonsai. Để lên được những chậu quất nghệ thuật đẹp, ông Khoa phải mất khoảng 2 năm chăm sóc và làm “không công”. Năm đầu tiên trồng dưới vườn, ông Khoa đã bắt đầu uốn, tạo dáng, thế cho cây theo kiểu long giáng, phụng chầu, thác đổ, trực, huyền, hoành... Khâu khó nhất và cũng cần nhiều thời gian nhất cho quất bonsai, theo ông Khoa là tạo dáng cây. Do đó, người nghệ nhân phải thực sự vất vả nếu muốn quất cảnh bonsai phát triển theo ý muốn. Để giữ dáng cây, ông thường xuyên uốn, cắt, tỉa cành, sửa tán. Những lứa đầu, cây ra hoa và quả non, ông Khoa vặt bỏ hết hoa, quả để các chất dinh dưỡng tập trung nuôi thân và cành. Trung bình 1 năm trồng dưới đất, ông sửa tán cây 3-4 lần. Mục đích là làm cho tán phát triển đều, không “phá” thế cây. Sau khi sửa tán xong, ông Khoa còn thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là sâu vẽ bùa hại lá, nhện đỏ và sâu xanh... Sau khi trồng dưới đất 1 năm, trước Tết, lựa ngày nắng ấm ông Khoa đưa cây vào bình. Đây là thời điểm rất quan trọng đối với vườn quất bonsai, đòi hỏi ông phải chuẩn bị rất kỹ các điều kiện trước khi đón cây về “nhà mới”. Các công đoạn được ông chú trọng chuẩn bị gồm đất, bình. Theo đó, ông cẩn trọng lựa chọn loại đất ải tơi xốp được lấy từ các bờ sông cho vào bình. Chọn được đất, ông Khoa cẩn thận xử lý sâu bệnh, bón thêm phân hữu cơ nhằm tăng dinh dưỡng cho đất. Để cung cấp độ ẩm cho đất, cây, ngày 2 lần ông Khoa tưới nước, 15 ngày/lần ông bón các loại phân đạm, kali, lân cho cây. Hoàn thiện vẻ ngoài cho quất bonsai, ông Khoa còn cất công lên tận các lò gốm có tiếng của Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng, Quế Võ (Bắc Ninh) chọn những chiếc bình gốm bắt mắt, họa tiết đẹp, lời chúc ý nghĩa mang về để lên chậu cho cây. Tùy vào thế và độ tuổi của cây mà ông chọn kích cỡ bình to nhỏ khác nhau sao cho hợp lý, đẹp mắt. “Đưa cây vào bình rồi, giữ cho cây sinh trưởng, phát triển trong môi trường mới đã là điều rất khó, hơn nữa giữ được thế cây trên chậu, điều tiết cây ra hoa, quả đúng tiết còn khó hơn nhiều. Tất cả đều đòi hỏi kinh nghiệm của người thợ làm vườn. Trồng 10 cây hỏng 3 tới 4 cây là chuyện bình thường”, ông Khoa nói. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng quất cảnh, dưới bàn tay của ông Khoa, mỗi bình quất là một tác phẩm nghệ thuật, cắt tỉa theo nhiều tên gọi, các thế khác nhau. Một cây quất bonsai đẹp, cũng theo ông Khoa phải hội tụ đủ các yếu tố: dáng đẹp tự nhiên, không bị bó buộc cũng không bị gò bó theo một khuôn mẫu nào, lá xanh, lộc hoa, quả vàng, quả ương, quả xanh, quả non. Có nghĩa là phải tụ đủ “tinh hoa của trời đất”.

Năm nay thời tiết ủng hộ, còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết âm lịch nhưng nhiều cây quất bonsai tại các nhà vườn vẫn giữ được quả xanh. Ông Khoa dự đoán nếu thời tiết từ giờ đến Tết thuận nữa thì quất sẽ đẹp nhất vào khoảng 25 Tết âm lịch. Hiện với 6 sào đất, ông Khoa dành 4 sào trồng quất bonsai. Theo tính toán của ông, nhà vườn Sinh Hiệu đang có 300 gốc quất bonsai. Từ giữa tháng 11, vườn đã có khách đến đặt mua. Thời điểm hiện tại, nhà vườn đã bán được hơn một nửa số lượng cây. Khách hàng của ông Khoa đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng đông hơn cả theo ông vẫn là những người sành chơi cây trong tỉnh. Với mức giá dao động trong khoảng trên dưới 1 triệu đồng/cây, ông Khoa nhẩm tính mùa Tết năm nay, trừ chi phí ông thu về khoảng 200 triệu đồng. Ngoài trồng quất bonsai, ông Khoa còn xen kẽ trồng thêm quất cảnh, các loại cây cảnh như sanh, si, tùng la hán, hoa hải đường… Vườn nhà ông hiện cũng có hơn 100 gốc quất cảnh, 50 gốc sanh, 60 gốc tùng la hán, 50-60 cây hải đường loại to… Để có thể chăm sóc được khu vườn rộng lớn, hằng ngày ông thuê thêm 4-5 thợ làm vườn với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng. Từ cây quất truyền thống, qua bàn tay khéo léo của những người thợ làm vườn lâu năm uốn, tỉa, quất bình bonsai đã phát triển thành dòng cây nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ cao. Chính vì vậy, giá cả, hiệu quả kinh tế của cây cũng được nâng tầm. “Trồng quất thường vất vả hơn nhưng tính ra lợi nhuận không cao bằng quất nghệ thuật. Do đó, xu hướng của nhiều nhà vườn hiện nay là trồng xen canh với nhau để tăng thêm thu nhập. Ở Nam Phong cũng như nhiều vùng trồng quất khác trên địa bàn tỉnh, các nhà vườn hiện đều chuyển hướng theo xu thế này”, ông Khoa nói thêm. Chính vì vậy, quất bonsai đang trở thành xu thế được nhiều người đón nhận, tìm mua trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Mặc dù quất nghệ thuật có giá tương đối cao so với quất cảnh, đòi hỏi người trồng dụng công chăm sóc và phải có khiếu thẩm mỹ trong tạo dáng, thế. Tuy nhiên với các ưu điểm: tính thẩm mỹ, thích hợp trong việc bài trí ở nhiều không gian khác nhau, cây chơi được lâu… vì thế cây vẫn được thị trường đón nhận. Những ngày cận Tết ngoài tìm đến đào, quất cảnh, bưởi… nhiều người chơi cây còn tìm mua quất bonsai. Theo một số chủ nhà vườn, mẫu quất này rất dễ tiêu thụ, có lượng khách hàng ổn định. Cùng với quất vườn truyền thống, cùng với danh tiếng của những làng hoa, làng cây cảnh nức tiếng, quất bonsai, quất nghệ thuật ở các nhà vườn trên địa bàn tỉnh đang góp phần đưa nghề trồng hoa, trồng cây cảnh vùng đất trấn Sơn Nam Hạ xưa trở nên nổi danh trên cả nước, mang sắc xuân đến mọi nhà./.

Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com