Theo chân chị Vũ Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Trực, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Hợi ở thôn Đô Đò, xã Nam Lợi. Con đường nhỏ dẫn vào thôn hai bờ ngút ngát màu hoa chiều tím. Chị Hợi đang tranh thủ ngày nắng, mang các sản phẩm cói đã hoàn thiện ra phơi lần cuối trước khi đóng hàng chuyển đi. Dưới cái nắng hanh hao của mùa đông, khoảng sân rộng trước nhà chị rực rỡ sắc màu của những bị cói, ró cói. Vừa ngừng tay phơi, chị vừa thoăn thoắt cân cói nguyên liệu và nhận hàng, kiểm hàng đã làm xong của chị em trong thôn mang đến. Ánh mắt chị lấp lánh niềm vui vì sau những khó khăn ban đầu, nghề đan cói đang ngày càng mở rộng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho phụ nữ vùng.
Cơ sở đan cói của chị Nguyễn Thị Hợi tạo việc làm, thu nhập cho hội viên phụ nữ. |
Cơ duyên của chị Hợi đến với nghề đan cói thật tình cờ. Một lần xuống huyện Nghĩa Hưng chơi, thấy người dân vừa đan cói, vừa tranh thủ làm được việc gia đình, công việc lại phù hợp với sức khỏe phụ nữ trung tuổi, chị Hợi nảy sinh ý tưởng mang nghề về xã. Bởi bên cạnh lực lượng phụ nữ trẻ tuổi đi làm ở các công ty, xã Nam Lợi vẫn còn rất đông phụ nữ trung tuổi, cao tuổi thiếu việc làm thêm lúc nông nhàn. Nghề đan cói ở Nam Lợi vốn có truyền thống từ xưa, qua thời gian dù đã bị mai một nhưng trong xã vẫn còn nhiều cụ cao tuổi biết nghề, thạo nghề. Chị Hợi mua mấy tạ cói về làm thử, chị em thấy công việc làm tại nhà, cho thu nhập ổn định lại vẫn có điều kiện chăm lo cho gia đình nên hào hứng tham gia. Nghề đan cói ban đầu mới đưa về cũng gặp không ít khó khăn. Trước đây, bà con vốn chỉ quen làm hàng chợ nên dù xấu hay đẹp đều bán được. Nay hàng cói xuất khẩu yêu cầu kích thước chuẩn, kỹ thuật cao, có nhiều mẫu mới khó, phải dạy hàng tuần mới làm được. Có lần, gia đình chị đã bị trả lại 50% sản phẩm của đơn hàng vì không đạt yêu cầu. Lần khác, chỉ vì làm sai kích thước, vợ chồng chị Hợi phải thức cả đêm, tháo 300 sản phẩm ra sửa lại. Không chỉ yêu cầu tính kiên trì, sự khéo léo, tỉ mỉ, nghề đan cói xuất khẩu còn đòi hỏi về mặt thời gian. Nhiều khi có đơn hàng lớn phải giao gấp trong thời gian ngắn, chị Hợi không kể trưa, tối, đến tận nhà các chị em để hướng dẫn, kiểm tra chất lượng sản phẩm và cầm tay chỉ việc cho từng người để làm ra sản phẩm nhanh, đảm bảo kỹ, mỹ thuật. Thêm vào đó, mỗi lần thay mẫu mới, chị Hợi lại phải tự mày mò tìm hiểu cách đan. Nghề đan cói tuy đơn giản, ai cũng có thể làm được song cũng trải qua nhiều công đoạn và khá vất vả. Sau khi mua cói về, tốt nhất là cói vụ chiêm (vào khoảng tháng 5, 6 âm lịch), chị Hợi phải rút sợi dài ngắn, to nhỏ phân ra từng loại, mang dãi 5-7 nắng, ngâm một đêm dưới ao cho hết nước mặn, dãi thêm 2 nắng nữa cho thật khô rồi mới cất vào kho có che chắn ni lông xung quanh để bảo quản. Làm như vậy để sợi cói không bị trương. Sợi cói mềm, trơn, dễ đan, cho ra sản phẩm đẹp hơn. Với cói dùng cải hoa văn hoặc đan đường díc dắc còn thêm khâu nhuộm màu. Với mong muốn mọi chị em đều có việc làm, tăng thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, nghề đan cói dần dần được phát triển. Đầu ra cho sản phẩm theo đơn đặt hàng luôn ổn định, doanh nghiệp về thu mua tận nơi hoặc gia đình chị chở hàng đi giao cho các doanh nghiệp lớn tại các tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa. Bắt đầu đưa nghề về xã Nam Lợi từ năm 2016, đến nay, nghề đan cói đã phát triển rộng ra các xã Nam Hoa, Nam Hùng, Nam Hồng, Nam Thanh. Trung bình mỗi năm, chị Hợi mua 50 tấn cói ở Thanh Hóa để đáp ứng các đơn hàng với khoảng 20 nghìn sản phẩm, thu nhập 300 triệu đồng/năm. Các mẫu sản phẩm chủ yếu là lọ hoa, bị, ró trơn, ró díc dắc các màu, hoa văn thổ cẩm… Gia đình chị Hợi hiện tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động với thu nhập ổn định từ 100-150 nghìn đồng/người/ngày. Nhiều người lành nghề có thu nhập cao như các bà, các chị: Nguyễn Thị Vui, Đặng Thị Khuy, Nguyễn Thị Đường, Triệu Thị Mừng ở thôn Đô Đò. Hay vợ chồng anh chị Toan - Sừ ở xã Nam Hoa cũng có thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng... Không chỉ mang nghề về xã, gia đình chị Hợi còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương như đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi của xóm và xã, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Chia tay chị Hợi, chúng tôi thầm mong chị có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục duy trì, mở rộng nghề đan cói không chỉ ở trong xã Nam Lợi mà còn ở nhiều xã lân cận, giúp cho ngày càng nhiều phụ nữ nông thôn có việc làm thêm lúc nông nhàn, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống./.
Bài và ảnh: Lam Hồng