“Khác với những người làm sư phạm khác, chúng tôi không có một giáo án cố định cho bất cứ một học sinh, lớp học nào. Mỗi học sinh có một đặc điểm riêng đòi hỏi người giáo viên phải có cách dạy thích hợp, có sự “nhạy cảm” và tình yêu thương lớn lao mới có thể giúp đỡ học trò, duy trì nghề lâu dài”. Cô giáo Đặng Thị Thủy, giáo viên Trung tâm Bình An, 112 Hoàng Văn Thụ (Thành phố Nam Định) chia sẻ. Là giáo viên dạy các đối tượng trẻ tự kỷ, chậm phát triển, mắc các chứng bệnh như down, rối loạn hành vi, cảm xúc…, những thầy, cô giáo ở đây cũng có một lịch làm việc tương đối đặc biệt, một sự kiên trì nhẫn nại đến mức… tuyệt vời.
Một ngày của Thủy
Đặng Thị Thủy, tốt nghiệp khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội năm 2015. Mất một năm ở nhà chờ việc, năm 2016, trong lần tình cờ lên mạng đọc thông tin tuyển lao động, Thủy nộp hồ sơ vào Trung tâm Bình An và được chị Trần Thị Quyên quản lý trung tâm nhận ngay. Thủy bảo, em đến với công việc mới không hoàn toàn do sự tình cờ. Khi còn là sinh viên đại học, Thủy thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện do hội sinh viên nhà trường tổ chức. Trong đó, những buổi đến thăm trẻ em ở các làng trẻ SOS trên địa bàn thành phố để lại cho cô sinh viên trẻ nhiều kỷ niệm hơn cả. Tại đây, Thủy bắt gặp vô vàn những cảnh đời, mảnh đời bất hạnh, không may mắn của các em nhỏ. Có em mồ côi, có em bị bỏ rơi, có em bị tự kỷ, có em bị rối loạn hành vi. Nhìn vào những ánh mắt trong veo, Thủy cảm thấy trái tim mình có lúc tưởng như đau thắt lại. Những ngày tháng đó cho Thủy thêm quyết tâm nhận công việc mới. Một ngày làm việc của Thủy bắt đầu từ 7h30 phút, đều đặn “cô giáo trẻ” trong gần 2 năm “đứng lớp” nhận dạy cho 4-6 học sinh. Mỗi trẻ sẽ học với Thủy 1h đồng hồ ở một phòng học riêng biệt. Cũng có em bị nặng hoặc do gia đình yêu cầu có thể học lâu hơn. Với các trẻ nhận kèm Thủy sẽ theo trẻ cho đến khi “tốt nghiệp”, tức học sinh “tái hòa nhập” với bạn bè, trường lớp. Học trò của cô giáo Thủy chủ yếu ở lứa tuổi từ 2 đến 8 tuổi. Hiện tại Thủy đảm nhận 5 học sinh, tuổi từ 2-6. Học sinh của Thủy rất đa dạng, có trẻ chậm nói, có trẻ chậm phát triển trí tuệ, có em bị phổ tự kỷ, rối loạn cảm xúc, không điều khiển được hành vi, có hành vi ngược đãi bản thân như đập đầu vào tường, đấm vào bàn… Với mỗi học sinh đòi hỏi cô giáo Thủy phải có cách dạy riêng biệt, giáo án, kỹ năng sư phạm khác nhau. Để kèm cặp học sinh, điều kiện tiên quyết theo Thủy là phải yêu trẻ, có tình thương với trẻ. Câu “thần chú” hay được Thủy niệm là kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn hơn nữa. Sau đó phải có phương pháp dạy phù hợp. Để có giáo án tốt nhất, cô giáo trẻ lên mạng, tìm hiểu các video dạy trẻ tự kỷ, đọc sách chuyên ngành. Và không có phương pháp nào tuyệt vời hơn chính là sự gần gũi với trẻ, hiểu trẻ để biết cái gì tốt nhất cho học sinh. Mối liên hệ khó nhất giữa cô giáo với học sinh, theo Thủy cảm nhận chính là giao tiếp ban đầu, cô nói trò không hiểu, trò nói, cô không hiểu. Vì vậy, phương pháp giao tiếp được đưa ra là khi cô giáo muốn truyền đạt điều gì phải nói thật chậm, to và kéo dài từng chữ. Thứ hai nữa, để có thể thu hút sự chú ý của trẻ, giáo viên hướng dẫn nên ngồi dưới tầm mắt của trẻ. Ngoài ra, giáo viên còn phải có kỹ năng quản lý hành vi, không để cho trẻ bùng phát, có những hành động làm hại đến bản thân… Năm đầu tiên về dạy học ở Trung tâm, Thủy nhận đứng lớp cho Quang Minh (Thành phố Nam Định) 3 tuổi bị mắc bệnh tự kỷ. Mới gặp Minh, Thủy khá lo lắng khi thấy học trò cứ khóc ngằn ngặt, không có giao tiếp gì với cô giáo. Để dậy Minh, cô giáo trẻ trước hết xác định phải lấy được “niềm tin” của học trò, làm bạn với em, kiên nhẫn chịu đựng sự “ghẻ lạnh”, thờ ơ, phá phách của Minh. Thủy kể, không hiếm những lần học trò phản ứng bằng cách đánh lại cả cô giáo. Xác định, nếu nổi nóng, nếu bản thân cũng không kiểm soát được cảm xúc mà tỏ ra buồn rầu, thất vọng, chán nản thì mình cũng bằng… học trò, Thủy lại gắng gượng. Cùng học, cùng kiên nhẫn, đến nay Minh đã bước sang giai đoạn tiền tiểu học, đọc thông, viết thạo, biết đặt câu hỏi, biết trêu đùa cả cô giáo. Minh còn cộng trừ thông thạo trong phạm vi từ 1 đến 10. Ánh mắt cô giáo trẻ, vì thế thêm lấp lánh khi nhắc đến Minh.
“Mài sắt” mỗi ngày
Chị Lê Thị Minh Chiên tốt nghiệp Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2006. Vốn là “dân” tâm lý, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, chị Chiên đã tiếp xúc với đối tượng trẻ đặc biệt thông qua việc đi gia sư dạy thêm. Năm 2010, cùng với một vài người bạn thân, chị mở một trung tâm dạy trẻ đặc biệt ở Hà Nội. Năm 2015, khi sinh đứa con đầu lòng, chị về quê, mở Trung tâm Mặt trời nhỏ, giấy phép kinh doanh mang tên Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục hòa nhập Mặt trời nhỏ ở số 100 đường Trần Bích San (Thành phố Nam Định). Trung tâm hiện nhận dạy 30 trẻ trong độ tuổi từ 2-10, theo học ở 5 nhóm lớp cá nhân, 2 nhóm học tập trung, 1 nhóm học kỹ năng, 1 nhóm dạy tiền kỹ năng lớp 1. Trung tâm thường xuyên có 6 giáo viên, riêng chị Chiên trực tiếp đứng lớp cho 8 học sinh gồm: trẻ bị tự kỷ, bệnh down, chậm phát triển, tăng động, giảm chú ý… Cái khó nhất đối với giáo viên dạy trẻ đặc biệt theo chị Chiên chính là “không có phương pháp nào là tối ưu để có thể áp dụng cho trường hợp khác”. Nghĩa là “ca” này thành công không có nghĩa là “ca” khác cũng thành công với cùng một phương pháp dạy. Theo chị, trẻ tự kỷ có khó khăn lớn nhất là trong giao tiếp. Đối với các đối tượng trẻ bị down, chậm phát triển sự giao tiếp qua lại với thầy, cô giáo còn có ít nhiều. Vì vậy, để tiếp cận với từng trẻ, chị Chiên phải có kế hoạch, giáo án giảng dạy khác nhau. Giáo án của chị được thay đổi theo tháng, từng tuần tùy vào mức độ tiếp nhận, tình trạng bệnh của trẻ. Trước khi tiếp nhận học sinh, chị Chiên trao đổi cụ thể với phụ huynh tình trạng thực tế của trẻ cộng với những quan sát, đánh giá trong quá trình giảng dạy để đưa ra phương pháp dạy, hỗ trợ hợp lý nhất. Chị luôn tự hỏi mình, bằng sự nhạy cảm của một giáo viên, người mẹ, trước hết phải biết trẻ cần gì rồi mới tính đến việc hỗ trợ như thế nào. Không chỉ dạy trẻ nhận biết, kiến thức, mỗi thầy, cô giáo như chị Chiên còn là một “chuyên gia” về sức khỏe, một “y tá” tận tụy với học trò. Trẻ bị các bệnh đặc biệt thường có sức khoẻ không tốt, sức đề kháng rất yếu, vì thế thường xuyên ốm đau. Ngoài ra trẻ còn rất khó khăn trong việc ăn uống, ngủ nghỉ, đặc biệt nhạy cảm với các loại, mùi vị thức ăn không quen thuộc, đòi hỏi nhiều tâm sức chăm sóc của gia đình, thầy, cô giáo. Đối với các trường hợp nặng, theo chị Chiên, rèn luyện cho trẻ biết tự phục vụ nhu cầu bản thân đã là một thành công tuyệt vời. Một ánh nhìn trực tiếp từ mắt học trò vào cô giáo đã là sự khích lệ, nỗ lực lớn lao trong công “mài sắt”. Chị Chiên nhớ mãi kỷ niệm về một “cậu bạn” mà chị dạy, kèm cặp từ khi mới 3 tuổi. “Khi mới vào học, bạn ấy không nói được, không biết giao tiếp. Để dạy bạn, tôi mất 5 năm dạy học nói, đọc, viết, tính toán… Bao nhiêu kỳ công, tâm huyết, bao nhiêu kiên trì nhẫn nại tôi dồn vào cậu cả”, chị Chiên kể về một trong những học trò mà mình ấn tượng nhất.
Có rất nhiều những khó khăn cho giáo viên dạy trẻ đặc biệt như Thủy, như chị Chiên. Khó khăn lớn nhất chính là bởi các em là đối tượng đặc biệt. Nhưng cũng có những khó khăn đến từ yếu tố khách quan như nhận thức của gia đình, phụ huynh học sinh về bệnh lý của các em; xã hội chưa có nhiều mối quan tâm, thiếu môi trường giáo dục để đối tượng trẻ em này có thể được hỗ trợ, học tập trong điều kiện tốt hơn; chế độ đãi ngộ với những người làm công việc giáo dục đặc biệt chưa tương xứng… Vượt qua nhiều nhọc nhằn của nghiệp nghề, những giáo viên dạy trẻ đặc biệt vẫn ngày ngày miệt mài lên lớp, dù rằng họ chưa có ngôi trường cụ thể, chức danh được công nhận cụ thể, thậm chí đa phần không được đóng bảo hiểm. Nhưng họ luôn cảm thấy công việc của mình có ích. Bởi hơn ai hết, họ nhận ra học sinh cần mình, bản thân họ có thể giúp các em tốt hơn, tiến bộ hơn mỗi ngày./.
Hoa Xuân