“Sống dầu đèn, chết kèn trống”, dân gian đã có câu thành ngữ chỉ mức độ quan trọng của chiếc đèn dầu trong đời sống hằng ngày. Nhiều thập kỷ trước văn hóa “dầu đèn” đã ăn sâu vào đời sống người dân và trở thành vật sưu tầm quý giá của những người đam mê đèn dầu cổ thời hiện đại. Đây là nét đẹp trong đời sống tinh thần nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của nhân dân ta một thời khó khăn gian khổ.
Khách hàng tham quan lựa chọn đèn dầu cổ tại cửa hàng số 70 Hàng Cấp (Thành phố Nam Định). |
I. Dấu ấn thời gian
Đèn dầu cổ lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta là khi những nhà truyền giáo Pháp đến Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX. Đèn gồm có một bầu đựng dầu làm bằng đồng và một sợi bấc. Đoạn dưới sợi bấc nhúng trong bầu để dẫn dầu, đoạn trên nhô lên khỏi bầu đèn để châm lửa đốt thắp sáng. Ban đầu đèn dầu được dùng trang trí trong những nhà thờ Thiên chúa Giáo, ngoài ra chỉ những nhà chức sắc, giàu có mới được dùng đèn dầu. Ít năm sau đó, hãng dầu “Con sò” (Shell) của Hoa Kỳ mang dầu hỏa sang bán ở nước ta, đèn dầu mới phổ biến từ ngày ấy và cái tên đèn Hoa Kỳ cũng ra đời từ nguyên cớ này. Từ đó, đèn dầu thay thế cho đèn đốt bằng dầu thực vật, nến sáp và gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và tâm linh của người dân. Ngày rạng thì thôi, nhưng hễ đêm sập xuống hay tinh mơ, nhập nhoạng là nhà nào, nhà ấy chong đèn; việc làng, việc xã, sinh hoạt, học hành của con trẻ đều quanh ngọn đèn đó. Bên ngọn đèn dầu, mẹ khi thì đan lát, thêu thùa, may vá, lúc bóc lạc, lựa đậu đỗ, cha thức khuya đọc sách, sửa vật dụng trong nhà… Quanh ánh sáng mờ ảo của chiếc đèn bé tẹo, ông bà, cha, mẹ dạy cho những thế hệ cháu con của mình bao điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Ngoài giá trị hiện thực, đèn dầu còn mang đậm yếu tố tâm linh. Đèn dầu thường được dùng thắp sáng trên ban thờ gia tiên, nơi thờ tự các bậc thánh nhân, phật pháp. Đến đầu thập niên 1990, những chiếc đèn dầu vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân. Ngày nay, ngọn lửa đèn dầu vẫn được trân trọng đặt trên ban thờ trong mỗi gia đình, đền, chùa, miếu mạo như biểu tượng của ánh sáng tâm linh làm ấm thêm không gian sinh sống, thờ tự. Thăng trầm cùng bao biến thiên của lịch sử, từ chiếc đèn Hoa Kỳ ban đầu, chiếc đèn dầu được cải tiến về hình dáng, chất liệu từ đồng đến gốm, sứ, gỗ, sắt tây và cả chai lọ thủy tinh cũ cho phù hợp với tín ngưỡng văn hóa và tập quán, sinh hoạt của người dân Việt.
II. Nghề chơi cũng lắm công phu
Từ 2 thập niên trở lại đây, với sự hoàn thiện của mạng lưới điện cũng như sự xuất hiện của nhiều loại thiết bị chiếu sáng dự phòng, những chiếc đèn dầu dần biến mất khỏi các gia đình, đặc biệt là tại những thành phố lớn. Khi trở thành “của hiếm”, những chiếc đèn dầu của một thời xa vắng bỗng trở thành một món đồ cổ được nhiều nhà sưu tầm săn lùng ráo riết... Theo kinh nghiệm của những người chơi đèn dầu cổ thì đèn quý phải còn nguyên vẹn, rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như ý nghĩa của từng chiếc và định vị chúng trong những khoảng thời gian ra đời của chúng. Dân sành chơi đèn cổ vẫn truyền tai nhau cách chơi đèn phong lưu nhất, là: Chơi đèn cổ cái quan trọng nhất là phải có “tâm”, rồi đến “tầm”, đến “tài”, cuối cùng mới là tiền. Cái “tâm” sáng để giữ cái duyên chơi, cái “tầm” để hiểu biết dấu ấn văn hóa của cây đèn, cái “tài” để không bị nhầm lẫn, rồi mới đến tiền để duy trì thú chơi. Họ cũng không quên truyền nhau kinh nghiệm muốn tìm đèn quý, phải về các tỉnh ven biển vì các nhà truyền giáo ngày ấy thường vào Việt Nam bằng đường biển. Thêm vào đó là tìm về nơi có nhiều người đam mê đồ cổ thường tổ chức được những phiên chợ đồ xưa. Điều này đã một phần lý giải tại sao trên địa bàn Thành phố Nam Định có tới gần 20 cửa hàng, câu lạc bộ kinh doanh, giao lưu đèn dầu cổ và còn là điểm thu hút những người sành chơi đồ cổ nói chung và đèn dầu nói riêng trong cả nước về mua bán, trao đổi, thưởng thức thú vui này vào mỗi dịp lễ Hội chợ Viềng đầu xuân. Trong không gian tấp nập buôn bán giao thương của khu chợ Rồng cũng có một vài gian hàng đèn dầu trưng bày ở vị trí đẹp nhất.
Tại cửa hàng kinh doanh đèn dầu cổ số 70 Hàng Cấp (Thành phố Nam Định), anh Trần Văn Nam cho biết, mình sinh ra ở vùng đất trũng Ý Yên. Xưa kia, ngoài công việc đồng áng ban ngày, mọi việc đêm hôm sớm tối của cả gia đình tôi và bà con trong xóm ngoài làng đều gắn với các loại đèn dầu. Gian chính giữa của nhà anh hồi đó, ông nội treo chiếc đèn chùm ba dây quả tạ, có chóa đèn lớn soi sáng không gian chung; “chị em tôi học bài dùng đèn Hoa Kỳ đặt trên phản, trên giường; bước xuống gian bếp, mẹ tôi sớm tối làm hàng, nấu cơm cho cả gia đình; lúc lo cám bã lợn gà thường dùng cây đèn Măng-xông và chiếc đèn ấy lại được treo lên đôi quang gánh kẽo kẹt cùng mẹ tôi đi chợ sớm. Vào những đêm đông lạnh giá, chiếc đèn bão được thiết kế ống thông gió to, chắc chắn, sáng quắc lại cùng cha tôi đi bắt cá ngủ suốt đêm”. Dưới ánh sáng cây đèn ấy, cha dò đường đi trước, con bước theo sau khắp cánh đồng đến khi giỏ đầy cá mới về. Những đêm rét quá, không được bắt cá cùng cha, anh em tôi nằm trong chăn ấm hồi hộp ngóng ánh đèn leo lét từ đằng xa biết cha sắp về để vùng dậy xem chiến lợi phẩm. Rồi mỗi khi xóm làng có hội họp, liên hoan, bao nhiêu người đi dự là bằng ấy cây đèn đủ loại xếp choán một góc sân đình… Năm giặc tràn về làng, cả nhà gồng gánh chạy loạn bỏ lại tất cả đồ đạc, 3 gian nhà gỗ ông nội tôi không tiếc mà chỉ tiếc chiếc đèn chùm ba dây ông mua được từ một nhà thờ xứ mãi tận Bạc Liêu. Sống trong không gian “đặc quánh hơi dầu đèn” nên tôi yêu thích đèn dầu tự lúc nào không hay, đến nay còn nghiện cả mùi dầu đèn nữa. Vậy nên ngoài việc sưu tầm đèn, làm đẹp cho những chiếc đèn, lúc nào trong nhà tôi bất kể là phòng thờ, phòng khách hay phòng đọc sách tôi cũng đều để một ngọn đèn dầu làm ấm thêm không gian sống của gia đình mình. Cũng như anh Nam, hầu hết người chơi đèn dầu cổ đều đam mê đèn từ những ký ức đã qua, trân trọng từng cây đèn dầu và tìm hiểu về chúng. Anh Nguyễn Văn Hưởng, phường Cửa Nam đã chơi đèn dầu từ hàng chục năm nay, không chỉ đèn trong nước mà còn nhiều loại đèn của nước ngoài với chất liệu quý như đá cẩm thạch, pha lê, đồng thau… được trang trí tinh xảo. Đam mê đèn đến độ, anh lang thang tìm đèn trên mạng qua các trang mua bán, chọn được cây đèn ưng ý, anh đến tận nơi, khi thì Giao Thủy, Hải Hậu, lúc vào Thanh Hóa, Nghệ An, nhiều khi vào tận An Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa… để tận mắt xem đèn trước khi quyết định mua. Vừa đi vừa thấp thỏm sợ đèn đã bị bán mất.
Đèn dầu không chỉ đơn giản là vật dụng thắp sáng mà còn thể hiện rất rõ nét văn hóa truyền thống, kiến trúc, trình độ kỹ thuật chế tác qua các thời kỳ lịch sử. Nhìn cách dùng đèn, người chơi biết được phong thái, kiến thức và công việc của chủ nhân nên khiến người chơi càng tò mò tìm kiếm. Ngày nay, đèn dầu xuất hiện trở lại với những cách dùng thú vị như lưu giữ ký ức, làm đồ trang trí nội thất, tạo không gian độc đáo trong những quán ăn đêm, quán café. Vậy nên, nhiều người vẫn giữ thú vui sưu tầm đèn ở bất cứ đâu hay đợi chờ tới chợ Viềng “năm có một phiên” để săn lùng đèn cổ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương