Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và cực kỳ tâm huyết là phẩm chất của những “đầu tàu” khởi nghiệp, những người mang về nghề về làng. Họ sẵn sàng đánh đổi công sức, tiền của, thời gian không chỉ để dựng nghiệp cho bản thân mà còn để chia sẻ bà con để cùng xây dựng và phát triển nghề mới.
Bác Nguyễn Văn Thành (ngoài cùng, bên phải), xóm Bắc Giang, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) hướng dẫn người dân trong xóm cắt tỉa hoa hồng. |
Sống ở vùng đồng đất phì nhiêu giáp sông Ninh Cơ, đã bao đời người dân xóm Bắc Giang, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) chỉ quen với việc cấy lúa, chăn nuôi và trồng rau, màu bán quanh chợ. Trong vườn nhà vài hộ có trồng dăm cây hoa cũng chỉ để cắt cành, tỉa bông để bán cho người dân trong vùng thắp hương dâng cúng ngày tuần. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, cả xóm Bắc Giang với hơn 300 hộ dân chuyển hẳn sang nghề trồng hoa hồng cổ Sa Pa. Nhà ít thì vài chục gốc, nhà nhiều cả trăm gốc hồng được chăm tỉa tỉ mỉ. Đặc biệt, hầu hết “chủ vườn” đều là phụ nữ, khác hẳn với những làng nghề hoa cây cảnh khác đều do các “đấng mày râu” phụ trách. Nghề trồng hoa hồng đã mở ra hướng làm giàu mới cho người dân nơi đây với mức thu nhập bình quân vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ gia đình có thu nhập 500-600 triệu đồng mỗi năm từ trồng hoa hồng mà không phải vất vả như trồng rau màu. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiển, trưởng xóm Bắc Giang kể: Từ những năm 1970 gia đình ông Nguyễn Văn Thành được người thân tặng cây hoa hồng. Lúc đó chẳng ai biết đó là giống hồng quý, chỉ thấy cây sai nụ, sai hoa, màu hồng cánh sen rất đẹp, hương thơm đượm. Đằng đẵng nhiều năm nhà ông Thành chỉ hái hoa mang ra chợ bán khi tuần rằm vì mọi người thích hoa có hương thơm. Trong xóm, ai thích trồng, ông bà đều cắt chiết cành cho, chẳng ai nghĩ có lúc giống hoa này lại thành cây làm giàu cho bà con. Mãi đến năm 2014, trong một lần xem ti vi, anh Đỗ Văn Sinh, người cũng được ông Thành cho giống hoa hồng thấy nhu cầu thị trường hoa hồng rất tốt, nhất là giống hồng cổ Sa Pa quý hiếm đang được trồng phổ biến trong xóm. Tìm hiểu thêm qua sách báo, mạng internet anh Sinh học được cách chăm bón cho cây phát triển tốt, sai nụ, thắm hoa. Không phụ công người vất vả, ngay từ vụ ươm trồng những cây hồng giống đầu tiên anh đã được thương lái tự tìm đến mua. Tạo được uy tín nhờ chất lượng cây giống khỏe, bông to, đẹp, được cả hương lẫn sắc nên anh ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Không giữ cơ hội làm giàu cho riêng mình, anh Sinh chia sẻ với bà con, người dân xóm Bắc Giang cùng nhau giâm cành, hướng dẫn cách chiết ghép, chăm bón cây theo đúng quy trình kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng cao hơn. Tuy nhiên đến thời điểm cả xóm trồng đồng loạt thì hoa hồng bắt đầu bị nhiễm bệnh. Anh Sinh lại là người mày mò tìm cách trị bệnh. Nhiều bệnh dịch trên cây hoa đã được xử lý nhưng riêng bệnh phấn trắng khiến cho lá cây co rút, không phát triển vẫn không có thuốc đặc trị. Đặc điểm của bệnh là chỉ phát sinh vào mùa đông lạnh, khi nhiệt độ trung bình dưới 20 độ, còn khi thời tiết ấm nắng, bệnh phấn trắng tự hết, cây xanh tươi trở lại. Tham khảo các cách chữa bệnh cho cây được giới thiệu trên mạng, sau đó anh nghiên cứu phương pháp không bón phân và cắt tỉa bớt cành, lá để cây khỏe tập trung nuôi thân, hạn chế bệnh phấn trắng. Trong quá trình nhân cấy giống, anh cũng đã nghiên cứu thay thế nguyên liệu chiết cành cho phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Theo kinh nghiệm dân gian thường chọn cành cây già để chiết ghép và trộn đất màu với rơm mục làm môi trường cho rễ cây phát triển. Tuy nhiên ngay khi nhận thấy những hạn chế trong cách chiết ghép này, anh đã nghiên cứu chọn cành bánh tẻ (không già, cũng không non) làm phôi và dùng rễ bèo lục bình (bèo tây) ngâm kỹ, phơi khô làm môi trường kích rễ hồng phát triển. Theo anh Sinh, nếu chọn cành già, chất dinh dưỡng không còn nhiều, nhanh ra rễ nhưng cây tách ra sau này sức phát triển không như những cành còn tơ. Đối với bầu chiết nếu sử dụng bằng đất màu như cách cũ thì cành hồng gốc phải chịu sức nặng của bầu đất, gấp khoảng 10-20 lần trọng lượng cành hồng, nguy hiểm cho cây, đặc biệt khi mưa to, gió lớn. Dùng rễ bèo tây vừa nhẹ, thoáng khí lại giữ ẩm tốt; kết quả thử nghiệm cho tỷ lệ thành công đến 99% và thời gian ra rễ của cây rất nhanh, chỉ khoảng 20-25 ngày là đã có thể cắt cành. Kỹ thuật này nhanh chóng được anh hướng dẫn chuyển giao cho bà con nhân dân trong xóm áp dụng thay cách chiết ghép cũ. Không dừng ở đó, anh Sinh còn nghiên cứu uốn tỉa, tạo thế cho cây để đa dạng sản phẩm. Khi thị trường cây hồng cổ ngày càng có nhiều người kinh doanh và cạnh tranh hơn, anh Sinh lại miệt mài tìm kiếm thị trường, tạo lối cho bà con cùng làm theo.
Cây hoa hồng đã mang lại sự sung túc trong mỗi mái nhà xóm Bắc Giang. Nhắc đến chuyện làm giàu từ hoa hồng, người dân xóm Bắc Giang đều không quên đó là “nhờ lộc ông Thành, nhờ sự tìm tòi của chú Sinh” mà có. Mong muốn của anh Sinh hiện nay là tiếp tục nâng cao tay nghề cho tất cả các hộ dân trong xóm để mọi người cùng đa dạng hóa sản phẩm, từ cây đại, cây bụi đến hoa hồng một thân và hồng bonsai. Đồng thời chế biến các sản phẩm từ hoa hồng như nước hoa hồng, trà cánh hồng, nụ hoa hồng hay liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ hoa hồng để nâng cao giá trị cây hồng thành cây làm giàu của người dân xóm Bắc Giang giúp người dân gắn bó lâu dài với nghề trồng hoa hồng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương