Cảnh giác khi vay tiền trực tuyến

08:12, 04/12/2018

Có lẽ chưa khi nào việc vay tiền mặt lại có nhiều kênh cho vay dễ dàng như hiện nay. Song cũng có không ít người vay không đủ tỉnh táo để “sập bẫy tín dụng” của một số công ty tài chính chủ nợ dẫn đến những hệ lụy nặng nề kể cả về vật chất và tinh thần, gây mất an ninh, trật tự xã hội.

Người dân nên vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng uy tín, chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn.
Người dân nên vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng uy tín, chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn.

Vay tiền theo tin nhắn...

Thời gian gần đây, điện thoại của anh Phạm Văn D ở xã Thành Lợi (Vụ Bản) liên tục nhận được tin nhắn “Bạn đủ điều kiện để vay tiền mặt lên tới 40 triệu đồng khi soạn FE gửi 5566...” từ Công ty tài chính FE Credit. Những ngày sau đó, anh D liên tiếp nhận được các cuộc gọi bằng nhiều số điện thoại khác nhau “tư vấn hỗ trợ” vay tiền với thông tin khá hấp dẫn như: lãi suất “ưu đãi”, không cần tài sản thế chấp; thủ tục vay rất đơn giản với duy nhất yêu cầu cung cấp số thẻ căn cước hoặc chứng minh nhân dân và còn được cam kết bảo đảm “bí mật” mọi thông tin cá nhân. Sau rất nhiều lần được một người xưng tên là Huy quê ở Bắc Ninh tự giới thiệu là nhân viên công ty “thuyết phục”, anh D đã đồng ý vay 15 triệu đồng. Theo hướng dẫn tư vấn, tôi cùng anh D đến số nhà 243 đường Đặng Xuân Bảng (Thành phố Nam Định) có treo biển hiệu màu xanh dương nổi bật với dòng chữ “Trung tâm hỗ trợ tài chính nhanh chóng, tiện lợi” được giới thiệu là “văn phòng đại diện” của công ty để ký hợp đồng vay tiền. Căn phòng rộng chừng gần 20m2, tường đã cũ ố màu loang lổ kê 2 chiếc bàn nhỏ cùng 1 bộ máy tính, máy in và có một nữ nhân viên. Khi thấy chúng tôi, nữ nhân viên tên Hoa (người mà anh D được giới thiệu trước qua điện thoại từ nhân viên tư vấn) hỏi ngắn gọn “đã được nhân viên tư vấn kỹ chưa? Nếu không còn thắc mắc gì thì ký vào hợp đồng”. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên là không hiểu vì sao công ty đã có khá nhiều thông tin cá nhân của anh D và những người thân?! Thông thường, ở bất cứ tổ chức tín dụng hay ngân hàng nào, trước khi ký hợp đồng, khách hàng đều được cán bộ tín dụng hướng dẫn cặn kẽ và giải đáp mọi thắc mắc của bên vay. Tuy nhiên tại đây, những thắc mắc, băn khoăn của chúng tôi nêu ra đều nhận được sự im lặng của cô Hoa hoặc câu trả lời “anh gọi nhân viên tư vấn mà hỏi chứ tôi không phải nhân viên tư vấn”. Theo nhân viên này khẳng định thì văn phòng đại diện công ty “không có bất kỳ trách nhiệm hay nghĩa vụ gì liên quan” vì đây chỉ là nơi in hộ tài liệu và là địa điểm để khách hàng đến ký hợp đồng, mọi vấn đề phát sinh khác khách hàng liên hệ trực tiếp với nhân viên tư vấn hoặc công ty để giải quyết. Thậm chí, nhân viên tên Hoa còn tỏ thái độ khó chịu khi tôi đề nghị được xem kỹ nội dung hợp đồng trước khi ký (?!). Theo tư vấn viên qua điện thoại thì lãi suất món vay mà anh D phải trả hằng tháng là 25,5%/năm, song trong hợp đồng lại khác. Tại mục 6 của hợp đồng ghi rõ: “lãi suất trong hạn - lãi suất thông thường là 4,52%/tháng (tương ứng lãi suất quy đổi 54,95%/năm); lãi suất ưu đãi 3,33%/tháng tương ứng với lãi suất quy đổi 39,9%/năm...”. Đối chiếu với quy định của Ngân hàng Nhà nước thì hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Như vậy, việc cho vay với mức lãi suất 39,9-54,95%/năm đã vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố ở thời điểm hiện tại. Không chỉ có “vấn đề” về lãi suất mà trong hồ sơ “Đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng” còn có nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng, chẳng hạn như: “Tôi (tức Bên vay tiền) đồng ý cho Bên cho vay cung cấp thông tin của tôi và thông tin khoản vay cho Bên thứ ba...” trong khi trước đó nhân viên tư vấn đã cam kết về việc bảo đảm bí mật thông tin khách hàng. Đó còn chưa kể đến việc, sau khi chấp nhận vay, khách hàng mới được thông báo thêm một số khoản phụ phí của khoản vay và mức phạt nếu không trả tiền đúng hẹn.

Và vay tiền... trực tuyến

Hiện nay, vào Google tìm kiếm từ khóa “vay tiền trực tuyến” thì một loạt kết quả là những trang web cho vay tiền trực tuyến cũng xuất hiện như: Clickvay, ATMonline, Cashwagon, Doctordong hay Monily… với những quảng cáo hấp dẫn như “thủ tục vay siêu nhanh”, “vay siêu đơn giản”… Khách hàng chỉ cần vào website đăng ký là khoản vay sẽ được duyệt ngay trong khoảng 15 đến 20 phút. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những công ty này thường “tự giới thiệu” là một hệ thống phụ trợ khoản vay trực tuyến dựa trên công nghệ phù hợp yêu cầu của khách hàng. Về mức lãi suất cho vay, các công ty thường đưa ra mức lãi suất khoảng 1-1,2%/ngày, tương đương khoảng 365-438%/năm, tùy theo số tiền và kỳ hạn vay. Phạm Văn V, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định cho biết: Do cần tiền gấp để chi trả sinh hoạt cá nhân nên V đã vay 2 triệu đồng qua hình thức vay trực tuyến. Hiện, mỗi ngày V phải trả hơn 20 nghìn đồng tiền lãi, cao hơn nhiều so với vay cầm đồ. Như vậy, với khoản vay 2 triệu đồng trong thời hạn 30 ngày thì số tiền cả gốc và lãi khách hàng phải thanh toán là 2,6 triệu đồng. Còn với khoản vay 10 triệu đồng và thanh toán trong vòng 30 ngày thì mức lãi suất được đưa ra là 39%/tháng, tương đương 468%/năm; nếu thanh toán đúng hạn thì tổng số tiền gốc và lãi phải trả lên đến 13,9 triệu đồng… Thủ tục đăng ký vay ban đầu cũng rất dễ dàng nên rất dễ thu hút người vay khi chỉ cần nhập những thông tin cơ bản như tên, tuổi, số thẻ căn cước, địa chỉ. Tuy nhiên, khi đã đăng nhập, càng hoàn thiện thông tin theo hướng dẫn thì khách hàng càng phải cung cấp thêm nhiều thông tin cá nhân, về việc làm hiện tại, số điện thoại người thân, anh em, cơ quan, đồng nghiệp; số tài khoản ngân hàng và cuối cùng là chụp ảnh thẻ căn cước cùng ảnh chân dung. Ngay sau đó, theo số điện thoại đăng ký, khách hàng sẽ nhận tin nhắn mã OTP để làm mã xác nhận khi tiền được chuyển vào tài khoản của khách hàng. Tìm hiểu các website cho vay kiểu này hầu hết mức lãi suất đều trên 400-500%/năm. Với những thông tin đã cung cấp, nếu người vay không trả đúng hạn, không chỉ chính họ mà cả người thân, bạn bè cũng trở thành đối tượng bị đôn đốc đòi nợ.

Có thể thấy, với mức lãi suất vay cao “ngất ngưởng” qua các hình thức vay trực tuyến, vay qua tin nhắn phổ biến trên thị trường hiện nay đã và đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro đối với tính thanh khoản của thị trường tiền tệ. Người vay vốn đa phần đều là những người cần tiền gấp lại muốn giữ bí mật việc phải đi vay nên mới tìm đến các hình thức cho vay này. Người vay vì nhiều lý do hoặc không đủ kiến thức, kinh nghiệm mà không tìm hiểu cặn kẽ nên sẽ phải rất vất vả trong quá trình hoàn trả những khoản vay với mức lãi suất “cắt cổ” và đối diện với các biện pháp đòi nợ kiểu “xã hội đen”. Khi chưa thanh toán hết món nợ, khách hàng liên tục phải nhận những cuộc điện thoại, tin nhắn nhắc nợ vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Trường hợp không liên lạc được với người vay, thì những số điện thoại của người thân, bạn đồng nghiệp, cơ quan sẽ bị gọi tới liên tục để... đòi nợ. Vì vậy để giảm thiểu rủi ro cho thị trường tiền tệ cũng như người dân, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý hiệu quả để bảo đảm hoạt động cho vay trực tuyến đúng quy định của pháp luật; tăng cường tuyên truyền cảnh báo người dân cảnh giác khi vay tiền ở các kênh này./.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com