Xã Yên Phú nằm trong khu vực “rốn lũ” của huyện Ý Yên, diện tích đất canh tác ít, điều kiện tự nhiên và giao thông không thuận tiện nên việc phát triển kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp. Để người dân có thể phát huy năng lực làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, Đảng ủy, UBND xã định hướng lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển nghề phụ, tạo thêm thu nhập, việc làm. Đến thời điểm hiện tại, giá trị thương mại dịch vụ hằng năm của xã đã đạt gần 200 tỷ đồng, chiếm trên 60% cơ cấu kinh tế của xã. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đã đạt 30 triệu đồng, cao hơn kế hoạch đề ra.
Thêu ren xuất khẩu tại cơ sở thêu của gia đình ông Phạm Trung Man, đội 5, xã Yên Phú. |
Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm phá thế độc canh nông nghiệp, phát triển CN-TTCN thương mại dịch vụ. Theo đó, xã đã tập trung thực hiện tốt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NTM…, xác định các vùng chuyển đổi sản xuất làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Xã huy động mọi nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, bê tông hóa đường giao thông thôn xóm và giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chí NTM, đáp ứng yêu cầu điều tiết nước phục vụ sản xuất đa cây, đa mùa vụ. Do đó sản xuất nông nghiệp của xã đã có bước chuyển biến vượt bậc với các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa. Toàn xã hiện có trên 40 máy cày tay, máy cày trung, 2 máy gặt đập liên hợp nên khâu làm đất, thu hoạch được cơ giới hóa 100%. Năng suất 2 vụ lúa những năm gần đây thường đạt trên 120 tạ/ha. Về cơ cấu giống, Yên Phú đã dành phần lớn diện tích canh tác để cấy lúa nếp phục vụ cho làng nghề nấu rượu thủ công truyền thống. Nghề nấu rượu ở Yên Phú có từ hàng trăm năm nay với sản phẩm nổi tiếng thơm ngon khắp vùng bởi được chưng cất từ gạo nếp cái hoa vàng, ủ bằng men ta làm từ 9 vị thuốc bắc. Được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, UBND huyện Ý Yên, xã đã thành lập HTX sản xuất rượu nếp, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho sản phẩm rượu nếp Yên Phú. Với 100% các chỉ tiêu chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam, sản phẩm rượu nếp Yên Phú được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) công nhận và bảo hộ về kiểu dáng bao bì, tem nhãn. Hiện tại, sản phẩm rượu nếp Yên Phú đã được tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước với sản lượng từ 3.000-5.000 lít/năm. Việc sản xuất rượu cũng không chỉ có ở thôn Trung - làng nghề gốc mà đã nhân rộng sang hầu hết các thôn khác trong xã và trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, xã chú trọng phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn gắn với việc tổ chức dịch vụ, thương mại hóa sản phẩm làng nghề… Xã Yên Phú đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện; Trường Trung cấp Nghề thủ công mỹ nghệ Ý Yên và Hội LHPN huyện tổ chức các lớp dạy các nghề: mộc mỹ nghệ, thêu ren, dệt len, may công nghiệp theo các chương trình khuyến công, Đề án 1956… cho hàng trăm lao động. Xã còn tạo điều kiện về thủ tục hành chính, ưu đãi về mặt bằng, hỗ trợ người dân vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đến nay ngoài nghề nấu rượu truyền thống, trên địa bàn xã đã phát triển đa dạng ngành nghề phi nông nghiệp như: xây dựng dân dụng, chế biến gỗ, chế biến nông sản, dệt len, thêu ren, cơ khí, may công nghiệp…, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 1.500 lao động. Trong đó riêng nghề thêu ren được một số hộ dân đứng ra làm dịch vụ đầu mối cung ứng nguyên liệu, mẫu mã và thu gom sản phẩm nên đã phát triển rộng rãi mang lại một khoản thu nhập không nhỏ. Cơ sở thêu ren của gia đình ông Phạm Trung Man, đội 5, là đầu mối lớn nhất trong xã. Với trên 30 năm kinh nghiệm trong nghề thêu ren xuất khẩu, ông Man đã làm chủ kỹ thuật thêu, ren, có thể chủ động lên mẫu ren, in sang mẫu, chọn chỉ, định hình vải giao cho người gia công và thu mua sản phẩm. Ông còn nắm bắt rõ tay nghề các thợ thêu trong xã để chọn người giao việc cho phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của từng mẫu hàng nên đã đảm bảo được năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập của người thợ thêu ren được nâng lên. Sản phẩm của cơ sở đã hạn chế tối đa tình trạng bị ép giá, ép cấp, khích lệ được người lao động và tạo được lòng tin với khách hàng về chất lượng sản phẩm. Vào lúc cao điểm, cơ sở thêu ren của gia đình ông tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Định hướng phát triển ngành nghề nông thôn với tổ chức tốt các dịch vụ là điểm mấu chốt khiến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương được nâng cao; cơ cấu kinh tế của xã Yên Phú đã chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp. Từ kinh nghiệm đó, Đảng uỷ, UBND xã Yên Phú xác định tiếp tục tạo điều kiện khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ, nhất là đối với nông sản và sản phẩm làng nghề, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương