Bằng nghị lực vượt khó vươn lên, cựu chiến binh (CCB) Đinh Huy Bảng ở thôn Tiền Đông, xã Yên Cường (Ý Yên) với mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao đã trở thành điển hình trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi tại địa phương.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, tháng 10-1979, thanh niên Đinh Huy Bảng nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia. Đến năm 1983, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông xuất ngũ về địa phương tham gia phát triển kinh tế gia đình. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, do thiếu vốn, lại ít đất sản xuất, cuộc sống của vợ chồng ông Bảng gặp không ít khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, ông Bảng tìm mọi cách nỗ lực vươn lên. Trải qua bao tháng năm đầy khó khăn, bươn chải nhiều công việc kiếm sống, tình cờ một lần xem chương trình truyền hình về mô hình nuôi thỏ, ông nảy ra ý định phát triển kinh tế từ nghề này. Do đã được thấy mô hình nuôi thỏ ở Hà Giang từ trước nhưng cách nuôi ở dưới xuôi với địa hình khác nhau nên ông đã nghiên cứu, tìm tòi trên sách, báo rồi lên thăm trại chăn nuôi thỏ ở tỉnh Hòa Bình và huyện Nho Quan (Ninh Bình) để tìm hiểu. Đầu năm 2011, ông bắt đầu nghiên cứu xây dựng 20 chuồng nuôi và quyết định thử nghiệm với 15 con thỏ giống đầu tiên. Ông xây dựng chuồng đảm bảo cho thỏ hoạt động thoải mái, dễ dàng vệ sinh, cho ăn và chăm sóc như chiều cao chuồng từ 45-50cm, rộng 70-75cm, đáy chuồng được làm bằng nan thẳng với khoảng cách giữa các nan từ 1-1,5cm tránh cho thỏ không bị kẹt chân, đồng thời để chuột không chui vào. Thức ăn cho thỏ gồm có tinh bột (ngô, sắn…), rau xanh đều là những thứ dễ kiếm ở khu vực nông thôn. Sau khi nuôi thử nghiệm thành công, ông đã mở rộng chuồng nuôi, nhân giống tăng số lượng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, lồng nhốt… Đến nay, khu nuôi thỏ của gia đình ông đã lên tới 500-600 con; trong đó có hơn 100 con thỏ mẹ, mỗi thỏ mẹ đẻ từ 8-10 con/tháng.
CCB Đinh Huy Bảng (bên trái) tư vấn cho khách cách chăm sóc đàn thỏ. |
Theo tính toán của ông Bảng, thỏ con nuôi khoảng 3 tháng có thể đạt trọng lượng từ 2-2,2kg/con, một tháng gia đình ông đã xuất bán được 2 tạ thỏ thịt cùng với hơn trăm con thỏ giống. Với giá cả ổn định như hiện tại khoảng 80 nghìn đồng/kg mỗi năm gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Thỏ là một loại con nuôi rất nhạy cảm với các yếu tố ngoại cảnh, sức đề kháng của cơ thể kém, dễ nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch, cho nên khi mắc bệnh thỏ rất dễ chết và có thể chết hàng loạt. Vì vậy, trong quá trình nuôi, ông Bảng thường chú ý đến vệ sinh, phòng bệnh cho thỏ. Định kỳ hằng tháng, ông thường bổ sung vitamin cho thỏ để tăng sức đề kháng, đặc biệt khi thời tiết và môi trường sống thay đổi. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là sử dụng vắc-xin đối với một số bệnh thông thường và thường xuyên theo dõi đàn thỏ để phát hiện nuôi nhốt riêng những con bị bệnh và điều trị kịp thời, không nhốt chung thỏ với các loại vật nuôi khác. “Mô hình nuôi thỏ không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải có tình kiên trì vì thỏ rất dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, vì thế cần nắm bắt được chính xác những biểu hiện mắc bệnh của thỏ để có biện pháp phòng tránh. Để đảm bảo đàn thỏ sinh trưởng nhanh thì nguồn thức ăn cần đảm bảo vệ sinh, chuồng trại phải được thiết kế ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè, đồng thời vệ sinh chuồng trại thường xuyên và phải tiêm vắc-xin phòng bệnh để thỏ tăng sức đề kháng…” ông Bảng cho biết. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Bảng luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp đỡ các hội viên CCB và người dân trong thôn, xóm về kỹ thuật chăn nuôi thỏ hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, ông còn hỗ trợ về con giống, thức ăn cũng như kỹ thuật chăn nuôi cho một số người dân vùng lân cận. Bên cạnh nuôi thỏ, ông còn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt và cải tạo đất vườn chăn nuôi gà. Do chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh thường xuyên nên đàn lợn, đàn gia cầm của gia đình ông luôn khỏe mạnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó thu nhập của gia đình ông Bảng ngày càng tăng, từ đó có điều kiện nuôi các con ăn học thành đạt và mua sắm các thiết bị tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là trưởng thôn, ông Bảng thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với các hội viên CCB trong thôn, vận động xây dựng quỹ hội giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng Hội, phát triển kinh tế - xã hội. Ông cùng với nhân dân trong thôn 3 nhận đảm nhận vệ sinh 1km đường giao thông nông thôn, hằng tuần tích cực tham gia phát quang cây cối, làm cỏ hai bên đường góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với nghị lực, quyết tâm của CCB Đinh Huy Bảng trong phát triển kinh tế đã mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình. Mô hình nuôi thỏ của gia đình ông là địa chỉ cho nhiều người đến thăm quan, học tập góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh