“Năm 2015, gia đình tôi bắt đầu nuôi thỏ. Giống thỏ mà chúng tôi chọn nuôi là thỏ Niu Di-lân với các đặc điểm lý tưởng hơn hẳn thỏ truyền thống. Gắn bó với con thỏ đã gần 3 năm, tôi có thêm nhiều điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái học hành. Tôi chỉ mong thị trường ổn định để phát triển con nuôi lâu dài” - Chị Phạm Thị Thủy, chủ trang trại thỏ rộng lớn với trên 8.000 con ở xóm 14, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) chia sẻ.
Trang trại nuôi thỏ lai Niu Di-lân của chị Phạm Thị Thủy (người bên phải) ở xóm 14, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản. |
Trang trại thỏ của chị Thủy nằm tách biệt làng xóm được bao phủ bởi màu xanh mướt mát của những cây sanh nhiều năm tuổi soi bóng xuống mặt hồ rộng rãi. Cổng vào trang trại thoáng đãng, trước và bên hông nhà là những dãy chuồng trại được ngăn ô, thiết kế khoa học, gọn gàng. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh trại, chị Thủy hào hứng kể: “Năm 2010, khi gia đình đấu thầu được diện tích đất hai lúa kém hiệu quả, vợ chồng tôi quyết định quy hoạch lại đất đai, xây chuồng trại để nuôi gà và lợn. Thời kỳ cao điểm, tôi nuôi tới 1 vạn con gà công nghiệp và gần 400 con lợn. Năm 2015, nhận thấy nuôi thỏ Niu Di-lân sẽ cho thu nhập, hiệu quả kinh tế cao hơn, tôi quyết định chuyển hướng”. “Cơ duyên” để chị Thủy tìm đến giống thỏ lai này bắt nguồn từ một sự việc hết sức tình cờ. Là người gắn bó với nghề chăn nuôi, chị Thủy thường xuyên tìm đến các trang trại lớn để học tập, trao đổi kinh nghiệm. Trong một lần đến thăm mô hình chăn nuôi của một người bạn ở Ninh Bình, chị được giới thiệu về thỏ Niu Di-lân. Nhận thấy những tiềm năng của con nuôi như: dễ chăm sóc, khả năng sinh sản nhanh, thích hợp với khí hậu ở Việt Nam, nguồn thức ăn dễ kiếm…, chị Thủy quyết định mua giống gây đàn. Theo đó, ban đầu chị mua 150 con thỏ Niu Di-lân với giá 300 nghìn đồng/con về nuôi thử. Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào nuôi thỏ, do không có nhiều kinh nghiệm, chưa chú trọng việc vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng và phòng bệnh nên một số thỏ của chị bị mắc bệnh và chết. Để khắc phục, chị Thủy đã tìm đến các trang trại khác để học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch… cho thỏ. Ngoài ra chị còn thường xuyên lên mạng, đọc sách báo, xem ti vi để học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm nuôi thỏ; nghiên cứu hệ thống chuồng nuôi và tách các ô nuôi riêng để thỏ ốm không lây bệnh cho thỏ khác… Vừa nuôi vừa tìm hiểu, rút kinh nghiệm, chị Thủy dần khắc phục được những hạn chế trong chăn nuôi thỏ, duy trì và phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi. Do đó, số lượng thỏ của chị ngày một tăng lên, được thị trường đánh giá cao về chất lượng. Nhận thấy mô hình nuôi thỏ Niu Di-lân cho hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không quá lớn, đến năm 2016 chị quyết định nhân đàn. Để gây đàn với số lượng lớn, một mặt chị mua thêm con giống, mặt khác đầu tư xây hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại, lắp đặt hệ thống thông gió, điều hòa điều chỉnh được mức nhiệt phù hợp với con nuôi... Hiện, chị Thủy có 2.500m2 diện tích chuồng trại, chia thành 8 dãy chuồng, trong đó 7 dãy dùng để nuôi thỏ thương phẩm, 1 dãy nuôi thỏ sinh sản. Từ cuối năm 2016 đến nay, chị Thủy duy trì ổn định số lượng con nuôi với trên 8.000 con. Trong chuồng của chị lúc nào cũng có 800 con thỏ mẹ sinh sản, trên 100 thỏ đực và khoảng trên 7.000 thỏ con ở tất cả các lứa tuổi. Với giá thỏ giống xuất bán 165 nghìn đồng/con, thỏ thịt 80-85 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi tháng, gia đình chị Thủy xuất ra thị trường khoảng 2.000 con thỏ. Hằng năm thu lãi từ 400-500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, chủ yếu là người địa phương với mức lương 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ chăn nuôi thành công, là một người trẻ năng động để tìm đầu ra ổn định cho con thỏ, chị Thủy bàn với chồng đứng ra thành lập HTX chăn nuôi Long Phú và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty NIPPON của Nhật. Hằng tháng, trung bình chị xuất bán cho Cty này 1.300 con thỏ thương phẩm với giá thành ổn định. Sau thời gian đầu thành lập và đi vào hoạt động ổn định theo hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đến nay, HTX chăn nuôi Long Phú đã phát triển được mạng lưới trang trại vệ tinh rộng trong địa bàn tỉnh, gây dựng được niềm tin, sự tham gia nhiệt tình của đông đảo hộ xã viên cũng như các đối tượng khách hàng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Thủy còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ Niu Di-lân cho những ai quan tâm. Gia đình chị hiện nhận cung cấp con giống, tư vấn, xây dựng chuồng trại cho những ai có nhu cầu nuôi thỏ lai. Từ một người chăn nuôi đơn thuần đến bà chủ của một trang trại, HTX chăn nuôi rộng lớn, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, chị Thủy là điển hình cho những người dám nghĩ dám làm, nhạy bén, năng động. Mô hình nuôi thỏ Niu Di-lân của chị Phạm Thị Thủy thành công, từ đó khích lệ, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp nhiều nông dân khác nâng cao thu nhập, làm giàu./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân