Trên những cánh đồng không nghỉ

08:10, 26/10/2018

Những năm qua, các địa phương đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thực hiện luân canh, xen canh, tăng vụ cây màu tạo nên những “cánh đồng không nghỉ”. Qua đó không chỉ nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho bà con nông dân mà còn góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.

Nông dân vùng đất bãi xã Yên Phương (Ý Yên) chăm sóc rau màu.
Nông dân vùng đất bãi xã Yên Phương (Ý Yên) chăm sóc rau màu.

Có mặt tại vùng đất bãi của xã Yên Phương (Ý Yên) vào thời điểm này, nhìn màu xanh bạt ngàn của rau màu các loại, ít ai nghĩ nơi đây trước kia từng rất khó làm vụ đông bởi không chủ động được khâu tưới - tiêu nước, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước lên xuống của sông Đáy. Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phương thức “đa cây, đa thời vụ”, kinh tế của Yên Phương có bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao thu nhập cho người nông dân, từng bước giảm hộ nghèo. Để có kết quả trên, cơ cấu cây trồng, thời vụ sản xuất được điều chỉnh phù hợp với đặc thù địa hình, thổ nhưỡng. Ban Nông nghiệp xã đã chỉ đạo kế hoạch sản xuất theo hướng tận dụng thời vụ, chủ động bố trí gieo trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, năng suất và giá trị kinh tế cao, đảm bảo thu hoạch trước mùa lũ nhằm đảm bảo thành công. Các công thức luân canh, xen canh, gối vụ như: ngô, lạc, đậu tương với xà lách, rau diếp, hành, tỏi… đã khiến vùng đất vốn được xem như không thể gieo cấy lại cho nông dân có nguồn thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha. Bà Nguyễn Thị Hợp, thôn Cổ Đam là hộ nông dân điển hình của xã trong phong trào phát triển kinh tế hộ. Chỉ với 2 sào đất màu, gia đình bà Hợp trồng luân canh các loại cây rau ăn lá ngắn ngày, đáp ứng nhu cầu thị trường như: rau cải các loại, rau diếp, mồng tơi, rau đay, hành lá và các loại rau thơm như húng, thì là, mùi tàu… Những thửa ruộng nhỏ được bà khai thác liên tục trong năm do thời gian trồng rau ăn lá rất ngắn, chỉ từ 20-25 ngày là có thể thu hoạch; các loại rau gia vị được trồng gối nhau liên tiếp. Cứ vậy, mỗi năm bà Hợp trồng được gần chục lứa rau màu, cho lãi 8-10 triệu đồng. Còn với xã có diện tích đất màu lớn như Nam Dương (Nam Trực), người nông dân đã rất chuyên nghiệp trong áp dụng công thức luân canh tăng vụ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Với 220ha đất trồng màu, trong đó vùng chuyên canh nhờ thực hiện quay vòng 6-8 lần/năm cho giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với cấy hai vụ lúa. Ông Đặng Văn Kháng, thôn Bái Dương cho biết: “Với kinh nghiệm thâm canh của địa phương, tôi trồng luân canh nhiều loại cây rau màu trên 3 sào ruộng theo công thức: vụ xuân trồng lạc - vụ hè thu trồng đỗ dải, dưa lê, dưa hấu - vụ đông trồng khoai tây, súp lơ, su hào, đỗ cô ve, thu lãi trên 20 triệu đồng/năm”. “Mùa nào cây nấy”, nông dân xã Nam Dương không cho đất nghỉ với đa dạng các loại cây theo nhu cầu của thị trường, có giá trị kinh tế cao từ cây lạc, khoai tây, cà chua, bí xanh, cải bắp, su hào đến xà lách, rau cải, đậu đỗ, dưa lê, dưa hấu..., đồng ruộng bốn mùa xanh tươi. Ranh giới về thời vụ không còn, mùa nọ nối tiếp mùa kia quanh năm. Giá trị sản xuất bình quân tại vùng đồng màu của Nam Dương đạt trên 300 triệu đồng/ha. Ở xã Giao Yến (Giao Thủy) - vùng đất ven biển vốn bị nhiễm mặn trồng lúa kém hiệu quả,, nhiều hộ nông dân đã thực hiện chuyển đổi thành công sang trồng màu. Tại đây, nông dân vẫn giữ 1 vụ lúa để đảm bảo an ninh lương thực, những vụ còn lại được trồng màu để làm giàu với công thức luân canh lên đến 5 vụ/năm. Phổ biến là công thức: lạc/khoai tây xuân - dưa hấu/dưa lê - lúa mùa sớm - dưa hấu/dưa lê - các loại rau. Vụ xuân ở Giao Yến với cây lạc làm chủ lực, sau đó trồng xen dưa hấu giống Hắc Mỹ Nhân hoặc dưa lê, sau khi thu hoạch dưa, bà con lại khẩn trương cấy lúa mùa sớm. Sang vụ đông, trồng dưa hấu, dưa lê, khoai tây hoặc các loại rau như củ cải, rau cải bẹ... Bình quân mỗi năm, 1ha vùng màu Giao Yến cho thu nhập 160-220 triệu đồng/ha. Một số hộ thực hiện tốt các công thức luân canh, xen canh thì giá trị sản xuất còn lên tới 300 triệu đồng/ha/năm.

Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã tạo điều kiện cho nhiều địa phương trong tỉnh thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, sắp xếp thời vụ hợp lý và đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nông dân liên tục luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng trái vụ các loại cây rau màu có thị trường tiêu thụ tốt, giá trị kinh tế cao với hàng trăm công thức khác nhau, hình thành nên nhiều “cánh đồng không nghỉ”, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn. Suốt vụ xuân, qua các cánh đồng màu của xã Giao Phong, Giao Thịnh (Giao Thủy) luôn thấy xanh mướt vụ nọ nối vụ kia từ lạc (hoặc khoai tây), sau là dưa hấu, rồi tới vụ lúa mùa và đến vụ đông thì trồng khoai tây. Ở các xã, thị trấn vùng đồng màu như: Yên Lộc, Yên Nhân, Yên Đồng (Ý Yên) thì xen giữa 2 vụ lạc xuân và khoai tây giống vụ đông là vụ trồng củ cải hoặc các loại rau khác. Các xã Tân Thành (Vụ Bản), Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Giao Nhân (Giao Thủy)… lại tập trung trồng rau thương phẩm. Trong khi đó, những năm qua, nông dân Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) luôn thắng lớn ở 2 vụ dưa lê xuân, sau đó chuyển sang trồng rau màu các loại, rồi đến lạc hè thu và cây vụ đông. Ngay cả những diện tích cấy lúa dưới chân ruộng thấp trũng tập trung ở các huyện Ý Yên, Nam Trực và Trực Ninh cũng được chuyển sang trồng 1 vụ lúa xuân kết hợp nuôi tôm, cá nước ngọt.

Để xây dựng thành công các cánh đồng lớn sản xuất nông sản hàng hóa, phù hợp với tiềm năng, điều kiện của từng địa phương, tỉnh đã đầu tư kinh phí từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông và hệ thống thủy lợi “đi trước một bước”. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, đưa những dự án sản xuất rau, quả giá trị kinh tế cao về các địa phương. Coi trọng xây dựng, phát triển mối liên kết “bốn nhà”, quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tìm đầu ra cho nông sản. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực cải tạo đồng ruộng, thay đổi tập quán canh tác được chỉ đạo đẩy mạnh; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân nâng cao hiệu quả canh tác. Nhiều thành tựu tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng và tạo sức cạnh tranh cho hàng nông sản của tỉnh, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đồng thời làm thay đổi căn bản tập quán canh tác của người nông dân. Và hơn hết là nhờ những người nông dân chịu thương chịu khó, cần cù lao động, năng động tích cực đổi mới, thể hiện tình yêu với đồng ruộng một cách thiết thực nhất qua những mùa vụ thành công, làm nên những cánh đồng vàng trăm triệu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com