Thôn Xối Trì, xã Nam Thanh (Nam Trực) hiện còn lưu giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống. Trong thôn hiện có nhiều nghệ nhân tâm huyết giữ “lửa nghề”, qua đó góp phần vào quá trình bảo tồn, tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống.
Anh Phạm Văn Lĩnh (48 tuổi) thôn Xối Trì là một trong những người tiêu biểu của thôn lưu giữ trọn vẹn các kỹ năng, công đoạn cho ra lò những sản phẩm thủy tinh truyền thống. Tranh thủ giải lao trước khi nấu mẻ thủy tinh mới, anh Lĩnh chia sẻ: Gia đình tôi có 3 thế hệ làm nghề thổi thủy tinh. Ông nội anh là Phạm Văn Đạo 70 năm trước đã học được nghề thổi thủy tinh, sau đó về thôn mở lò. Trong ký ức của anh Lĩnh, năm 1983 là thời kỳ phát triển cực thịnh của nghề. Khi đó dù mới 13 tuổi nhưng anh đã tham gia học các kỹ năng làm nghề từ bố. Theo anh Lĩnh, để học nghề phải bắt đầu từ dễ đến khó và quan trọng nhất là phải kiên trì. Anh Lĩnh nhẩm tính bản thân được tiếp xúc với nghề từ nhỏ, làm quen với các công đoạn cũng phải mất hơn 1 năm mới có thể tự tin cho “ra lò” sản phẩm ưng ý. Quy trình làm nghề thổi thủy tinh trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc chọn nguyên liệu, các mảnh thủy tinh phải đảm bảo không bám bẩn và được phân loại theo màu xanh, trắng khác nhau. Riêng để làm nồi nấu thủy tinh cũng đòi hỏi kỹ thuật cao. Hiện nay, anh Lĩnh nhập nguyên liệu đất sét ở làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội), đất sau khi đem về được nghiền thành bột trộn cùng với sạn chịu nhiệt theo tỷ lệ “sạn 2 đất 1” rồi đổ nước ủ từ 15-20 ngày. Sau khi phần đất và sạn chịu nhiệt quyện chặt vào nhau là đến công đoạn “nện đất” để làm đáy nồi. Trung bình mỗi chiếc nồi nấu thủy tinh cao hơn 1m, rộng 80cm, đáy dày 10cm. Mỗi chiếc nồi khi được đắp xong sẽ được phơi từ 20 ngày đến 1 tháng mới có thể sử dụng. Theo anh Lĩnh, kỹ thuật đắp nồi rất quan trọng bởi chỉ cần một sai sót nhỏ nồi sẽ bị vỡ; khi ấy toàn bộ mẻ thủy tinh sẽ bị hỏng. Việc làm lò để đốt nồi thủy tinh cũng là cả kỹ thuật điêu luyện. Lò đốt của làng nghề thổi thủy tinh Xối Trì thường có độ bền cao, nhiệt độ ổn định bởi làm từ nhiều lớp gạch chịu nhiệt. Nguyên liệu được sử dụng để cho vào lò là than đá. Ở lò thổi thủy tinh của anh Lĩnh, các khối đá than được đập nhỏ sau đó cho vào lò. Trung bình, một mẻ thủy tinh được nấu 6-7 tiếng, khi nhiệt độ đạt mức cực đại (khoảng 1.800 độ) thì tan chảy. Thợ thổi thủy tinh lúc này cầm ống sắt lấy thủy tinh và bắt đầu thổi theo những khuôn hình chai, lọ, bóng đèn, cốc uống nước… có sẵn. Bằng mắt, họ phải ước lượng lấy đủ số thủy tinh phù hợp để thổi sản phẩm cần làm; sau đó điều tiết hơi thở với nhịp ngắn, dài để thành hình sản phẩm. Vì vậy, ngoài sức khỏe, những người thợ lành nghề có kinh nghiệm còn phải có những thủ thuật để giữ cho hơi thở đều, vừa phải. Hiện nay, lò thổi thủy tinh của anh Lĩnh trung bình nấu 2 nồi/ngày đêm, mỗi người thợ thổi làm theo ca, 1 ca 5 tiếng luân phiên đêm, ngày. Thổi xong những cốc, chén, bình… chờ sản phẩm hạ nhiệt đôi chút, thợ nghề mang vào rơm khô ủ tiếp trong thời gian khoảng 12 giờ để sản phẩm nhanh giảm nhiệt, giúp thủy tinh “dai hơn”, giảm tỷ lệ vỡ. Một sản phẩm ra lò đẹp, theo anh Lĩnh cần đạt các yếu tố: vuông vắn, không lồi lõm, không méo mó, ít nổi bọt trên thân, dày dặn, khít với kích cỡ khuôn mẫu... Trung bình với 10 thợ làm tại lò, mỗi thợ sẽ có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Một lò nấu thủy tinh ở thôn Xối Trì. |
Cách nhà anh Lĩnh không xa là lò thổi thủy tinh của người em rể Trần Văn Duyên (45 tuổi). Anh Duyên tâm sự: Trước đây anh làm đủ thứ nghề từ lái xe ô tô, đến thợ bốc vác. Một thời gian phụ giúp bố vợ làm các sản phẩm thủy tinh, anh đã quyết tâm theo nghề. Vào nghề, anh Duyên mới thấy thổi thủy tinh vất vả, khắc nghiệt. Từ sáng sớm, anh đã phải dậy để đốt lò, chờ khoảng 6 tiếng cho nhiệt độ tăng lên ở ngưỡng 1.800 độ C là bắt tay vào việc. Công việc gắp thủy tinh và thổi tưởng đơn giản nhưng để có những sản phẩm đẹp, hình dạng bắt mắt, người thổi thủy tinh phải rất tinh ý, biết phân chia sức lực và quan trọng hơn, biết dùng hơi để thổi bao nhiêu lâu sẽ đẹp. Ban đầu vào nghề, anh cũng thất bại nhiều bởi quá trình nấu thủy tinh nồi hay bị vỡ. Được sự động viên và giúp đỡ của các anh em giàu kinh nghiệm, anh Duyên tiếp tục gắn bó với nghề. Anh Duyên chia sẻ thêm: Với nghề thổi thủy tinh cần tình yêu đặc biệt và sự kiên trì mới có thể theo đuổi đến cùng. Nghề đã dạy cho mỗi người thợ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, điềm đạm trong công việc cũng như cuộc sống thường ngày. Mặc dù không giàu được nhưng nghề đã cho anh thu nhập đủ sống để nuôi 2 con ăn học đàng hoàng. Đến nay, trung bình 1 ngày đêm, lò của anh Duyên sản xuất được 2.000 chiếc cốc, hơn 7.000 chiếc bóng đèn dầu…
Từng là nghề đại trà của thôn, đến nay cả thôn Xối Trì chỉ còn vỏn vẹn 3 lò. Mặc dù các lò của anh Lĩnh, anh Duyên đã đa dạng hóa các sản phẩm thủy tinh, nhịp độ sản xuất vẫn đỏ lò mỗi ngày nhưng nỗi lo về nghề vẫn luôn thường trực. Trước mắt, thủy tinh Xối Trì đang phải cạnh tranh khốc liệt với cùng một mặt hàng được sản xuất trên dây chuyền hiện đại thổi bằng khí của Tiền Hải, Thái Bình. Để duy trì sản xuất, các lò sản xuất thủy tinh ở Xối Trì buộc phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Trưởng thôn Xối Trì, Bùi Thị Trâm cho biết: Nghề thổi thủy tinh hiện đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có những người trong thôn thực sự tâm huyết bám trụ với nghề. Các nghề phụ trợ cho nghề thổi thủy tinh cũng đã giúp nhiều gia đình trong xóm thoát nghèo. Để nghề thổi thủy tinh Xối Trì phát triển bền vững, thời gian tới cấp uỷ, chính quyền xã Nam Thanh cần có cơ chế hỗ trợ để các lò sản xuất đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất, chắt lọc những tinh hoa truyền thống làng nghề, từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy tinh Xối Trì có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong và ngoài tỉnh./.
Bài và ảnh: Viết Dư