Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xây dựng NTM bền vững và phát triển, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Nam Tiến (Nam Trực) đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn. Đến nay, toàn xã hiện có trên 1.500 lao động làm các ngành nghề phi nông nghiệp như: mộc, xây dựng, may công nghiệp, đúc đồng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói…
Nam Tiến có các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: chế tác kim loại màu với các sản phẩm đồ thờ (hạc, rùa, cuốn thư, đỉnh, lư hương, hoành phi, câu đối, tượng, khánh, chuông…); đan lát đồ gia dụng bằng tre, nứa của các thôn Đồng Quỹ, Thạch Cầu lại có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông với 4,5km tỉnh lộ 487 nằm trên địa bàn nên xã có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất CN-TTCN, thương mại dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Dựa vào đó, Đảng ủy xã đã xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề, UBND xã xây dựng đề án phát triển sản xuất CN-TTCN, dịch vụ thương mại với phương châm tận dụng tối đa các tiềm năng về vị trí địa lý, đất đai, lao động và tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành để phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng đa ngành nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Xã đã làm tốt công tác quy hoạch để tạo quỹ đất ở các thôn Thạch Cầu, Cổ Giả, An Nông..., đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ tối đa những thủ tục thuộc thẩm quyền địa phương nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài xã đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN. Xã đã tín chấp với các Ngân hàng: NN và PTNT, CSXH hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ cá thể vay vốn để đầu tư phát triển, mở rộng ngành nghề. Tính đến tháng 6-2018, toàn xã có 583 hộ được vay vốn tại Ngân hàng NN và PTNT với tổng dư nợ trên 89 tỷ đồng và 882 hộ được vay vốn tại Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ trên 21,8 tỷ đồng. Xã phối hợp với Phòng Công thương, Trung tâm Dạy nghề huyện mỗi năm tổ chức từ 4-5 lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn với các nghề như: may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan, mộc mỹ nghệ… Nhờ đó các ngành nghề chế biến gỗ, may công nghiệp, xây dựng, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan nhanh chóng phát triển. Nghề chế tác kim loại màu truyền thống đã được khôi phục và phát triển mạnh với trên 10 cơ sở đúc đồng (quy mô từ 5-15 lao động/cơ sở) chuyên sản xuất các loại đồ thờ, vật dụng sinh hoạt. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều lò đúc đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, lò đúc bằng điện, máy đánh bóng sản phẩm, máy làm khuôn để nâng cao năng suất lao động như hộ các anh: Đỗ Văn Tam, Đỗ Văn Tiên, Đỗ Văn Việt đều ở thôn Đồng Quỹ; Đỗ Văn Nam, thôn Thạch Cầu. Nghề đúc đồng truyền thống của xã Nam Tiến ngoài tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho trên 300 lao động trực tiếp và khoảng 200 lao động chuyên thu gom nguyên liệu cung ứng cho các lò đúc. Ước tính mỗi năm, các lò đúc trong xã tiêu thụ khoảng 50-70 tấn nguyên liệu. Bên cạnh nghề đúc truyền thống, nghề mộc ở xã Nam Tiến cũng phát triển mạnh với khoảng 10 cơ sở sản xuất quy mô từ 3-7 lao động/cơ sở. Ngoài các sản phẩm gia dụng phục vụ sinh hoạt, nhiều hộ làm nghề mộc như các ông: Hoàng Văn Quyền (thôn Nam Trực); Nguyễn Văn Bình, Đỗ Đức Dũng (thôn Đồng Quỹ) đảm bảo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động với mức lương từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày, sản xuất được các loại đồ thờ tinh xảo. Nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của thị trường, khoảng 2 năm trở lại đây, ở xã Nam Tiến còn phát triển mạnh nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói. Theo ước tính của UBND xã, nghề mới này đã thu hút khoảng 250-300 hộ (mỗi hộ từ 1-2 lao động) tham gia ở rải rác các thôn: Nam Trực, An Nông, Cổ Giả, Thạch Cầu... Với ưu thế là dễ học, dễ làm và sử dụng lao động nhiều lứa tuổi và tận dụng thời gian, nguyên liệu và mẫu mã được các đại lý cung ứng tận nơi, gia công ngay tại gia đình nên nghề đan cói xuất khẩu đã nhanh chóng phát triển ra nhiều thôn trong xã. Ngoài ra năm 2016, xã Nam Tiến đã thu hút thành công dự án đầu tư xây dựng Nhà máy May xuất khẩu của Cty CP Nam Tiến Nam Định ở thôn Cổ Giả. Dự án có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, chính thức hoạt động từ đầu năm 2017 với quy mô 10 chuyền may, chuyên sản xuất các sản phẩm áo sơ mi, áo giắc-két xuất khẩu sang các nước trong khối EU, Mỹ. Mỗi tháng Cty sản xuất được từ 130-140 nghìn sản phẩm các loại, tạo việc làm ổn định cho gần 400 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế của xã Nam Tiến đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,79%. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, xã Nam Tiến tiếp tục củng cố, phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển thêm nghề mới. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2%, bình quân thu nhập đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm./.
Thành Trung