Thời gian gần đây, giới trẻ thích thú với trò chơi nhào nặn chất dẻo ma quái (còn gọi là slime). Slime được bán khắp nơi, từ các cổng trường học đến cửa hàng tạp hóa và cả trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh việc mua slime chế biến sẵn, nhiều học sinh còn chuộng làm slime từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Thế nhưng, nhiều tai nạn đáng tiếc từ loại đồ chơi thông dụng này đã xảy ra, cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.
Nhiều lọ đồ chơi slime được bày bán tại các cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Thánh Tông (TP Nam Định). |
Theo tìm hiểu, slime thường làm từ nhựa tổng hợp, có màu sắc vui mắt, mềm và ướt nhưng không làm bẩn tay và các đồ vật xung quanh. Slime, còn được gọi là "chất nhờn ma quái" vì cảm giác kỳ lạ khi sờ vào chất liệu này - vừa mềm, vừa ướt như thạch nhưng luôn trong trạng thái một khối dẻo dễ tạo hình, không lo bị vỡ vụn hay khô đi. Slime thường được làm từ nhựa tổng hợp lỏng sệt, có màu sắc sặc sỡ và kim tuyến bắt mắt, lúc nắn bóp, tạo hình thường phát ra âm thanh vui tai, thú vị. Loại đồ chơi này được giới thiệu giúp kích thích các giác quan nên được nhiều bạn trẻ yêu thích. Slime được bán phổ biến tại cổng các trường học và các điểm bán đồ chơi trẻ em, với giá chỉ từ 5.000 đến 80 nghìn đồng/lọ. Ngoài việc mua slime đã được pha chế sẵn, nhiều em nhỏ còn thích thú với việc mua nguyên liệu rồi tự chế tạo ra loại chất dẻo hấp dẫn này để thoải mái sáng tạo theo sở thích của mình. Tại một cửa hàng bán đồ chơi, dụng cụ học tập trên đường Mạc Thị Bưởi (TP Nam Định), nhiều hũ nhựa đựng slime với đủ màu sắc được giới thiệu công dụng như một loại đất nặn, nhưng có độ mịn, mềm dẻo cao hơn nên rất dễ tạo hình; mỗi hũ nhựa có giá 8.000 đồng đến 41 nghìn đồng. Tuy nhiên, trên lọ nhựa không có bất kỳ thông tin gì về sản phẩm cũng như nhà sản xuất. Có lọ không có xuất xứ, có lọ ghi xuất xứ từ Trung Quốc. Chỉ trong khoảng thời gian 15 phút sau giờ tan trường, có ít nhất 5 tốp học sinh vào mua slime, chủ yếu là học sinh tiểu học và THCS. Có em trên tay vừa ăn bim bim vừa nhào nặn slime ngay sau khi tháo ra từ hộp, thậm chí còn áp lên mặt nhau để thử độ mát của trò chơi này. Không chỉ học sinh, mà cả phụ huynh cũng đến hỏi mua đồ chơi này cho con. Chị Mai Tuyết, nhà ở ngõ 659, đường Trường Chinh cho biết, con năn nỉ nhiều quá nên phải đi tìm mua. Buổi tối, sau khi học xong bài con chị thường mượn điện thoại để vào Youtube xem cách hướng dẫn chơi slime và cả cách pha chế thứ đồ chơi này. Nhiều lần chị cũng xem cùng con và thấy trò chơi này cũng hay, không dây dính tay mà con còn thỏa sức sáng tạo các loại hình thù đáng yêu. Chị Minh ở đường Nguyễn Hiền (TP Nam Định) cũng là người trực tiếp mua đồ chơi slime cho biết, con đi học, thấy bạn chơi slime nên đòi mua. Do bận công việc, lại thấy trên mạng quảng cáo về loại trò chơi này nên tôi đã đăng ký mua cho con 2 hộp. Chỉ với 45 nghìn đồng một hộp cùng phí ship tận nhà 10 nghìn, mấy hôm nay con tôi đã có trò chơi mới và cháu rất hứng thú với việc nhào nặn từ những hộp dẻo này. Tuy nhiên, do không có nhãn mác cũng như thành phần và cách hướng dẫn sử dụng nên tôi cũng có đôi chút băn khoăn về tác dụng phụ của thứ đồ chơi này.
Hiện nay ở các các cửa hàng gần trường học tại các vùng nông thôn, slime cũng đang được bày bán tràn lan. Sau giờ tan trường, nhiều học sinh, nhất là học sinh tiểu học tìm mua loại đồ chơi này. Tại cổng trường tiểu học Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy), một tốp học sinh tan trường tranh nhau nhào nặn và kéo miếng đồ chơi thành hình thù con rắn rồi cười thích thú khi trêu mấy bạn gái. Có bạn còn đưa sát đầu “con rắn” trườn qua miệng, mắt và cảm nhận độ mát lạnh. Em Nam, một học chơi đang chơi cho biết: “Đồ chơi này con mua được hơn một tháng rồi mà không bị hỏng. Con rất thích đồ chơi này, con ao ước mua được một hộp có kim tuyến và hạt bi ở trong hộp nước ngọt mà mẹ con chưa cho”(!).
Được quảng bá là một trong những dòng sản phẩm đồ chơi thú vị, giúp kích thích các giác quan, phát triển sức sáng tạo của trẻ, thậm chí nhiều trang bán hàng lớn như Sendo.vn, Lemonshop cũng chào bán tràn lan loại đồ chơi này với phần quảng cáo rất hấp dẫn, nhưng việc cho các em nhỏ chơi slime cũng gây nhiều băn khoăn cho các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Hồng (TP Nam Định) bày tỏ: Trước đây, nghe bạn bè “kháo” nhau về trò chơi chất dẻo ma quái này, tôi thấy cũng thú vị nên định mua về cho con chơi. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi được biết loại đồ chơi này được chế tạo từ các loại hóa chất như baking soda, dung dịch ngâm kính áp tròng, kim tuyến, bột giặt, nước rửa chén và nhiều chất hóa học và phụ gia khác. Chưa kể, các loại đồ chơi này đa phần không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không rõ thành phần nên tôi không dám mua vì sợ không an toàn cho con.
Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức nào về tác hại của loại đồ chơi này nhưng gần đây một số trẻ em đã phải nhập viện khi bàn tay viêm da mủ, có em có nguy cơ phải tháo khớp ngón tay sau khi chơi loại đồ chơi này khiến nhiều phụ huynh lo ngại loại chất dẻo bằng nhựa này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em(!). Để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra khi chơi loại đồ chơi này, phụ huynh không cho các cháu chơi slime và những đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí, với những loại slime được chế tạo từ những nguyên liệu được cho là an toàn, được nhập từ các nước Nhật, Hàn Quốc thì cha mẹ cũng nên kiểm soát thời gian chơi của con hợp lý, vệ sinh sạch sẽ sau khi chơi để không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ./.
Bài và ảnh: Hồng Minh