Tản mạn nghề cắt tóc vỉa hè

08:09, 14/09/2018

Ở Thành phố Nam Định với đa dạng đối tượng dân cư, mức thu nhập chừng mực, nghề cắt tóc vỉa hè vẫn còn “đất sống”. Với nhiều người, thú vui cắt tóc vỉa hè thật giản dị ngoài ưu điểm về giá cả còn bởi không gian tự nhiên, thoáng đãng. Cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, bên góc tường nhỏ, dưới những tán cây bên lề đường đã mang đến những phút giây thư thái cho mỗi người. 

Anh Đào Ngọc Nam (TP Nam Định) sinh ra trong gia đình có 3 đời làm nghề cắt tóc.
Anh Đào Ngọc Nam (TP Nam Định) sinh ra trong gia đình có 3 đời làm nghề cắt tóc.

Khu vực “phố” cắt tóc đường Cột Cờ có gần 30 quán cắt tóc với không gian yên tĩnh tách bạch giữa những ồn ào tất bật của thành phố. Những góc tường rêu phong, tiếng tông đơ điện chạy ro ro, hay dáng ngồi vắt chân trên ghế đợi khách của những người thợ cắt tóc vỉa hè… trở nên quen thuộc với nhiều người khi đi qua đây. Ông Nguyễn Văn Chiến (56 tuổi) - người thợ có thâm niên 15 năm cắt tóc trên đường Cột Cờ chia sẻ về cái duyên đến với nghề: Là công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, năm 1992 sau khi nghỉ chế độ, ông Chiến thường đến nhà em trai làm nghề cắt tóc chơi. Mỗi lần đến chơi, thấy em trai tất bật với công việc cắt tóc cho khách nên ông cũng xắn tay giúp. Ban đầu là cạo râu, cạo mặt cho khách chờ cắt tóc, sau đó là học cách cầm kéo, cầm tông đơ. Thấy nghề cắt tóc cũng vui, ông sắm các dụng cụ để hành nghề. Năm 1995 ông Chiến vào Sài Gòn làm nghề cắt tóc vỉa hè, một thời gian sau chuyển lên Lạng Sơn. Với kinh nghiệm cắt tóc ở nhiều địa phương, nắm bắt được nhiều kỹ thuật, xu hướng thời trang tóc, năm 2003 ông trở lại Thành phố Nam Định tiếp tục gắn bó với nghề. Cắt tóc tại vỉa hè đường Cột Cờ đã 15 năm, đến nay, lượng khách của ông Chiến đã ổn định; trung bình mỗi ngày ông cắt tóc cho từ 7 đến 10 người. Với giá bình dân mỗi lần cắt 30 nghìn đồng, trung bình mỗi tháng ông Chiến có thu nhập từ 6-9 triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.

Đối diện với quán ông Chiến không xa là quán cắt tóc của ông Tiến Lâm (50 tuổi). Trong lúc chờ khách tới cắt tóc, ông Lâm nghe nhạc, chủ yếu là những bài hát cách mạng được phát từ chiếc radio cũ treo trên tường. Năm 24 tuổi ông nhập ngũ biên chế vào Sư đoàn 432 đóng quân ở Hòa Bình. Trong môi trường quân đội, cũng là lúc ông bén duyên với công việc cắt tóc. Ngày đó, một lần được người đồng đội nhờ cắt tóc, ông Chiến đã mạnh dạn cầm kéo trổ tài và ai cũng nức nở khen “có nghề”. Xuất ngũ, ông học thêm nghề cắt tóc từ những người quen và sắm đồ nghề để cắt tóc tại vỉa hè. Hồi đó, những thợ cắt tóc vỉa hè không có chỗ cố định, ông phải lang thang căng bạt dựng quán cắt tóc ở nhiều ngõ ngách từ đường Trần Quốc Toản sang đường Trần Hưng Đạo, đến đường Cột Cờ, đường Máy Tơ… Từ năm 1997 đến nay, ông ổn định hành nghề tại khu vực đường Cột Cờ. Ông Lâm tâm sự: Nhìn qua, nghề cắt tóc có vẻ khá đơn điệu, nhàm chán. Tuy nhiên, để đứng được trong nghề không phải đơn giản bởi người thợ phải thường xuyên nâng cao tay nghề. Ngoài việc cắt theo ý tưởng của khách, thợ phải có những hình dung trong đầu, xem gương mặt ấy, dáng người ấy cắt kiểu tóc nào sẽ hợp(!). Ông Lâm tự hào: “Cái nghề này tuy chẳng giàu được nhưng đã giúp tôi nuôi 2 người con ăn học. Đến nay, cậu con trai cả chuẩn bị tốt nghiệp đại học, con gái bé học THPT”.

Khi nhắc đến cắt tóc vỉa hè, nhiều người nghĩ đến những người thợ trung niên hoặc có tuổi nhưng cũng có những thanh niên chọn hướng đi này như anh Đào Ngọc Nam (33 tuổi). Xuất thân trong gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề cắt tóc, anh Nam từ nhỏ đã có năng khiếu cầm kéo. Trong ký ức của anh Nam, cả ông nội và bố anh đều có quán cắt tóc vỉa hè ở đường Tô Hiệu. Lúc tan học nếu quán của ông hoặc bố đông khách, anh đều đến để phụ việc. Sau khi ông nội mất, bố anh vẫn bám trụ với nghề. Theo anh Nam, bố anh phát bệnh phổi vì những tác nhân như bụi đường và vẩn tóc. Ám ảnh với điều đó nên trước đây anh Nam đã làm đủ thứ nghề khác như thợ tôn, công nhân may, sơn... nhưng duyên số vẫn đưa anh quay trở lại với nghề cắt tóc. Theo kinh nghiệm của anh Nam, nghề cắt tóc chẳng khác nào “làm dâu trăm họ”, tay kéo cần phải mềm mỏng chiều theo ý của khách, ngoài ra còn phải tư vấn cho khách để làm sao họ có được kiểu tóc ưng ý. Đối tượng khách hàng của những quán cắt tóc vỉa hè như anh Nam rất đa dạng, không chỉ là công nhân, sinh viên, mà còn có cả cán bộ, công chức, chủ doanh nghiệp… 

Anh Huy Soạn (37 tuổi) quê ở xã Nghĩa An (Nam Trực) là một trong những thợ huyện lên phố. Anh đã có 11 năm làm nghề ở đường Cột Cờ. Chứng kiến kỹ năng cắt tóc của anh Soạn, nhiều người sẽ bất ngờ bởi tay nghề người thợ cắt tóc vỉa hè. Tay phải anh cầm tông đơ điện kéo đi những đường điêu luyện, uyển chuyển phía sau gáy của khách, tay trái cầm kéo như rẽ lối hỗ trợ tay phải tạo hình. Ở phần tóc mái, anh Soạn dùng kéo xấp từng đợt tóc, tay trái vẫn cầm lược để định hình và ước lượng tỷ lệ tóc cần cắt. Trong khoảng 10 phút mái tóc đã gọn gàng, vào đúng nếp theo ý của khách hàng. 

Có một điều đã thành “văn hóa nghề” của những người thợ cắt tóc vỉa hè đường Cột Cờ là tranh thủ lúc vắng khách nếu không nghe ra-đi-ô thì họ lại tỉa mái tóc cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm tạo kiểu tóc mới. Buổi trưa, những người ở gần về nhà ăn cơm rồi ra trông hộ hàng cho những người nhà xa đi mua cơm hộp. Nhịp sống của những thợ cắt tóc vỉa hè diễn ra đơn giản như chính cung cách họ làm việc, kiếm sống. Không có những lời to tiếng, cạnh tranh giành khách không lành mạnh giữa những người thợ. Khách quen, khách lạ, như đã lựa chọn được người cắt từ trước, đến đúng người đã định, dựng xe, ngồi vào ghế, trao đổi vài câu ngắn gọn nêu yêu cầu, có khi chẳng phải nói gì (cắt định kỳ, không tạo kiểu cứ để cho người thợ chủ động) cắt tóc. Người làm nghề cắt tóc vỉa hè xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau với lòng yêu nghề, họ đã tự kiếm sống chính đáng bằng lao động của mình./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com