Nỗi lo quà vặt cổng trường

08:09, 07/09/2018

Dạo qua hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy có nhiều quầy bán quà vặt cho học sinh. Một chiếc bàn nhỏ kê ngay vỉa hè, lòng đường, một chiếc xe đẩy hay gánh hàng rong là đã có thể thu hút trẻ nhỏ với các loại đồ ăn hấp dẫn tuổi học trò như ô mai, cóc, ổi, bim bim, bánh kẹo, bỏng ngô…, cao cấp hơn là bánh mì, thịt xiên nướng, khoai rán, xúc xích, cá, mực viên chiên… Điều đáng nói là đa số những mặt hàng được bày bán tại cổng trường, trên vỉa hè, bên vệ đường mới chỉ nhìn cảm quan bằng mắt thường đã thấy không bảo đảm chất lượng ATVSTP, mất mỹ quan trường học.

Tại một quầy bán đồ ăn vặt ở cổng Trường THCS Trực Cát (Trực Ninh).
Tại một quầy bán đồ ăn vặt ở cổng Trường THCS Trực Cát (Trực Ninh).

Giờ tan học, bất kể là sáng hay chiều, con ngõ nhỏ khu phố Tô Hiến Thành (TP Nam Định) nơi tập trung cả trường cấp I và cấp II trở nên ồn ào, náo nhiệt, học sinh ùa ra như “ong vỡ tổ”. Đây là thời điểm hoạt động nhộn nhịp của các quán hàng ăn uống, quà bánh. Từng tốp học sinh chen nhau quanh các quầy bán đồ ăn vặt. Nào xôi chiên, bánh mì, bim bim, xúc xích, kem, thạch, nước uống, trái cây, ô mai, bánh, kẹo... thứ gì cũng có, từ hàng tự chế biến đến sản phẩm được bao gói mang dáng dấp công nghiệp, màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, giá thành lại rất rẻ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ cần 1.000 đồng trở lên là các em có thể thỏa mãn thú ăn quà vặt. Ví như gói bỏng ngô, ô mai các loại, kẹo dẻo, thịt ăn liền 1.000 đồng; nước trái cây từ 3-10 nghìn đồng; bánh mì, khoai tây chiên, viên cá chiên các loại từ 10-20 nghìn đồng… Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm thực tế lại có nhiều điều đáng bàn. Đối với nhóm sản phẩm tự chế như khoai tây chiên, nước trái cây, sữa đậu nành, bánh mì, xúc xích rán hầu hết đều không có nhãn mác, nguồn gốc thực phẩm. Điều nguy hại hơn là những sản phẩm như xúc xích, thịt viên chiên được chiên đi, chiên lại trong chảo dầu đã chuyển màu đen đặc. Những chiếc xúc xích, những viên thịt chiên nóng rẫy được người bán hàng cho ngay vào túi ni lông, hộp xốp hay đĩa nhựa cho khách. Điều này càng tăng tính độc hại của món ăn vì dầu đun nóng nhiều lần sẽ khiến thành phần hóa học trong dầu bị biến đổi; thêm vào đó dầu ăn nóng tiếp xúc ngay với bao bì bằng nhựa sẽ tạo ra nhiều chất độc hại. Các nhà khoa học đã cảnh báo nếu người tiêu dùng tiêu thụ các độc tố này trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là ung thư, tim mạch và dậy thì sớm ở trẻ em. Trái ngược với món ăn nóng sử dụng dầu mỡ váng khét, món nước trái cây giải nhiệt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP do người bán hàng sử dụng nước đá không an toàn cùng các hóa chất tạo màu, tạo mùi, đường hóa học thay thế nguyên liệu tự nhiên để pha chế nên sản phẩm có màu sắc vàng, đỏ, tím, xanh sặc sỡ, vị ngọt sắc, hương thơm đậm đặc. Các loại nước này được người bán đóng gói sẵn trong cốc nhựa hoặc túi ni lông cùng với đá viên cho kịp phục vụ học sinh vào giờ cao điểm. Người bán nhanh, người mua cũng nhanh nên chẳng khách hàng nào băn khoăn về chất lượng nước ngọt cũng như chiếc cốc nhựa, ống hút, thậm chí là nước đá được chủ hàng pha chế, gạn lọc, quay vòng sử dụng bao nhiêu lần(!). 

Thực phẩm chế biến sẵn đã vậy, hàng công nghệ được các chủ quầy nhập nguyên gói về bán cũng không ít băn khoăn bởi ngoài bim bim, kẹo chip dẻo phần lớn đều có giá rẻ bất ngờ. Trong nhóm đồ ăn này có không ít sản phẩm khiến các bậc phụ huynh phải “choáng” và thấy sự mất an toàn ngay từ tên gọi của sản phẩm như “thịt hổ”, “kẹo thuốc lá”, “trứng khủng long”, kẹo nổ, “kẹo ma”, mì giòn cay… Ví như món “thịt hổ” không biết được chế biến từ nguyên liệu gì, chất tạo màu, tạo vị ra sao nhưng có vị ngọt, mùi thịt nướng thơm nức và dai dai, giòn giòn khiến trẻ rất thích; món kẹo “thuốc lá” được tạo hình giống hoàn toàn một điếu thuốc đầu lọc, vị ngọt, thơm, làm thỏa mãn nhu cầu “tập làm người lớn” của các bé trai; món kẹo ma lại hấp dẫn học sinh bởi sau khi ăn lưỡi sẽ nhuộm màu xanh, đỏ, đen… để thỏa mãn việc hù dọa nhau; món kẹo nổ lại cho các bạn trẻ cả trai và gái cảm giác thú vị khi vừa cho viên kẹo vào miệng không chỉ có được vị ngọt mà còn thưởng thức cả những tiếng nổ lốp đốp trong miệng tương tự như khi thả hạt hút ẩm vào nước… Bên cạnh những nguy cơ mất an toàn từ nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, cách chế biến tùy tiện của người bán hàng thì quà vặt cổng trường còn được “gia giảm” thêm chút nắng, gió, bụi đường nên nguy cơ mất ATTP là điều khó tránh. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng 100% mặt hàng đồ ăn kinh doanh trên xe đạp, xe đẩy hoặc quang gánh ở khu vực các cổng trường đều không bảo đảm ATVSTP. Đa số chế biến từ nguyên liệu nguồn gốc không rõ ràng, không đủ nước sạch khi chế biến, điều kiện vệ sinh cơ sở và vệ sinh cá nhân không bảo đảm. Tuy nhiên nguyên nhân khiến đồ ăn vặt cổng trường vẫn tồn tại và ngày càng phát triển trong khi nguy cơ mất ATVSTP vẫn tiềm ẩn là do sự coi thường sức khỏe của con em mình từ phía các phụ huynh học sinh. Khảo sát thực tế tại các cổng trường, có nhiều phụ huynh chiều lòng khi con đòi ăn và có ý nghĩ ăn ít thì không ảnh hưởng tới sức khoẻ nên vẫn mua hoặc cho tiền để con tự mua. Chị Nguyễn Thị Phương, phường Trường Thi mua bánh mì xúc xích rán cho biết: “Tôi cũng biết đồ ăn vặt cổng trường không an toàn cho trẻ nhỏ nhưng vì quá bận hơn nữa có nhiều bạn nhỏ khác cũng ăn nên tôi tặc lưỡi cho con ăn vì tiện dụng. Hơn nữa với những món ăn này trẻ ăn rất nhanh, không phải ép buộc rồi quát nạt như khi ăn món ăn bố mẹ chế biến tại nhà”... 

Sự hấp dẫn, tiện dụng và lợi nhuận cao khiến cho quà vặt cổng trường phát triển mạnh mặc dù nguy hại đến sức khỏe, tác phong của học trò và mất mỹ quan đô thị. Để ngăn chặn những nguy cơ lây nhiễm bệnh tật từ nước giải khát tự chế, các loại quà vặt, các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ về ATVSTP đối với các hộ kinh doanh mặt hàng thực phẩm ăn nhanh ở khu vực xung quanh các trường học để kiểm soát, loại bỏ hình thức bán hàng không đảm bảo ATVSTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ này. Các trường học cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho học sinh hiểu về ATVSTP có biện pháp phù hợp, dạy để các em hiểu thế nào là ăn uống đảm bảo vệ sinh để chính các em học sinh cần nói không với những đồ ăn vặt trước cổng trường. Và hơn hết là trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong việc quản lý, giáo dục con em mình chi tiêu cho những việc cần thiết, bổ ích, phục vụ học tập./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



Chivas 21 chính hãng giá tốtGrand Cru công ty quà tặng doanh nghiệp uy tínIn Nhanh Vinpro vuainnhanh.com

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com