Gia đình anh Hoàng Văn Huy, xóm 2, xã Nam Toàn (Nam Trực) vốn có truyền thống trồng cây cảnh. Nhận thấy nhu cầu chơi cây cảnh mi ni dùng để trưng bày, trang trí trong những không gian nhỏ như chung cư, biệt thự, phòng khách, cầu thang… ngày càng tăng, khoảng 6 năm trở lại đây anh chuyển sang mô hình mới. Khởi nghiệp thuận lợi, hiện nay gia đình anh Huy là hộ trồng cây cảnh mi ni lớn nhất ở xã Nam Toàn với số lượng lên đến khoảng 10 nghìn cây.
Các anh Hoàng Văn Huy và Hoàng Văn Hiệu, xóm 2, xã Nam Toàn chăm sóc vườn cây cảnh mi ni của gia đình. |
6 năm trước, 2 anh em ruột Hoàng Văn Huy và Hoàng Văn Hiệu mạnh dạn phá bỏ vườn cây cảnh cũ chuyển sang làm cây cảnh mi ni. Hướng đi mới này khiến anh Huy vừa mừng vừa lo. Lo nhất là đầu ra cho sản phẩm còn tương đối lạ lẫm với thị trường. “Tôi cũng không dám chắc có bán được cây không. Nhưng do đã phá vườn nên chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lao vào làm, học hỏi kỹ thuật và liên hệ với các mối bán”, anh Huy chia sẻ. Để làm cây cảnh mi ni, anh Huy và anh Hiệu chọn các giống như sanh, si, lộc vừng, sung, ổi, khế, duối, mít, đa, chanh, cần thăng… làm giống. Có loại cây các anh chiết cành từ những cây cũ, có loại gieo bằng hạt. Quy trình từ khi chiết, gieo hạt rồi thành cây hoàn thiện tốn khá nhiều thời gian, tâm sức của Huy. Đối với những cây như sanh, si, lộc vừng, sung, anh sử dụng phương pháp chiết cành để ươm cây mới. Các cây còn lại đều được anh ươm trồng bằng hạt. Khâu chọn hạt giống, theo anh cần hết sức tỉ mỉ và cẩn trọng. Cụ thể, anh Huy chọn các giống cây thuần Việt để lấy hạt làm giống. Bởi, đây là những giống cây có khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết, ít bị sâu bệnh, dẻo dai và dễ uốn thế. Chọn được hạt giống từ những cây, quả chất lượng, anh Huy ươm hạt vào những bầu đất đã chuẩn bị sẵn. Khi cây đã tương đối cao, anh tiến hành đưa vào các chậu, làm bệ, cắt phôi uốn thân cốt, tạo bông tay. Công đoạn chỉnh sửa, uốn thế cây theo anh là khó nhất, đòi hỏi tay nghề của người thợ một cách “kỹ” hơn cả. “Đã từng chăm sóc, uốn cả 2 loại cây cảnh to và mi ni, tôi nghĩ uốn cây cảnh mi ni khó khăn hơn nhiều. Cây cảnh lớn cành nọ còn có thể “đỡ” hộ cành kia, nhưng với cây cảnh mi ni làm không khéo là sẽ “lộ” ngay do kích thước cây nhỏ, dễ quan sát. Hơn nữa, cây cảnh mi ni đa phần là cây non rất dễ bị gãy. Vì thế khi làm thường tốn nhiều công sức, đòi hỏi độ khéo léo nhiều hơn”, anh Huy cho biết. Tùy vào các loại cây, dáng cây mà anh em anh Huy uốn theo các thế khác nhau. Có cây thế trực, có cây thế huyền, hoành, có cây anh tạo thế long… Để có được tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, các anh Huy, Hiệu không ngừng tham khảo thêm từ sách, báo, những người trồng cây lâu năm trong làng, ngoài xã. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ trẻ, những cây xanh tưởng như đơn giản, vô tri, vô giác đã biến thành tác phẩm nghệ thuật giàu sức sống, được nhiều người ưa thích. Uốn, tạo tác thế cây xong, anh em anh Huy còn đi Bát Tràng (Hà Nội) lấy đồ gốm sứ về để ký cây. Khi các cây cảnh mi ni đạt mức chiều cao từ 20-30cm, chiều rộng tán 30cm và có khoảng 2 năm tuổi thì cũng là lúc bắt đầu được xuất bán. Trước khi xuất bán, những người thợ làm vườn tiếp tục chăm sóc, cắt tỉa cây thêm một lần nữa nhằm đảm bảo vẻ ngoài “bắt mắt” nhất. Chăm sóc cây cảnh mi ni, theo anh Huy không khó, bởi cây cũng được yêu cầu phải tưới nước, bón phân và phun thuốc thường xuyên. Theo đó, khoảng 2 tháng/lần, phải tiến hành bón phân, phun thuốc trừ sâu. Tùy tính chất từng cây mà các anh tính toán lượng phân bón, tưới nước sao cho phù hợp, đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 6 năm phát triển mô hình, thời điểm hiện tại, anh Huy, Hiệu có thể tự hào về vườn cây cảnh mi ni lớn nhất xã với nhiều cây đẹp, độc, được khách hàng gần xa công nhận, đánh giá cao.
Năm 2017, các anh Hoàng Văn Huy và Hoàng Văn Hiệu đã xuất bán được 2.000 cây, trừ chi phí, thu lãi trên 300 triệu đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, vườn cây của các anh đã bán khoảng 400 cây, thu lãi gần 100 triệu đồng. Thời điểm trước và sau chợ Viềng Xuân hằng năm là khi vườn cây cảnh mi ni của các anh đắt khách nhất. Trong năm, khách ở khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc thường về tận vườn nhập buôn. Dòng sanh, si, lộc vừng theo anh Hiệu có khách quanh năm và rất dễ bán. Thời điểm mùa hè các loại cây còn lại khá đắt hàng. Với ưu thế, giá cả phải chăng, dễ di chuyển, có thể trưng bày ở nhiều không gian khác nhau, cây cảnh mi ni hiện có thị trường rất rộng mở. “Với mức giá dao động từ 200-300 nghìn đồng/cây, đối với các loại khế, ổi, chanh, duối…; 500-700 nghìn đồng/cây lộc vừng, sanh, si, sung đã được ký trên chậu, ai cũng có thể mua một vài cây về chơi, trưng bày trong nhà. Do đó chúng tôi rất tự tin về thị trường, đầu ra cho sản phẩm”, anh Hiệu chia sẻ thêm. Khởi nghiệp với số vốn không nhiều, chi phí đầu tư ít, lại không tốn nhiều công chăm sóc, mô hình vườn cây cảnh mi ni của gia đình các anh Huy, Hiệu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy trồng cây cảnh mi ni mang về lợi nhuận khả quan, nhiều hộ gia đình ở xóm 2 và xã Nam Toàn tiếp tục nhân rộng. Theo ước tính của anh Huy, tại xóm 2 gần như cả xóm trồng. Có nhà chỉ chuyên dòng cây mi ni, có nhà trồng kết hợp với các loại cây cảnh khác. Một số hộ trong xóm trồng nhiều như gia đình các ông: Dương, Đức, Nam, Nghị, Hải, Huấn… Nhẩm tính cả xã Nam Toàn cũng có khoảng 100 hộ gia đình trồng, kinh doanh loại cây cảnh này, anh Huy cho biết.
Có lẽ chưa bao giờ thị trường kinh doanh cây cảnh mi ni lại sôi động như hiện nay. Cây cảnh dạng mi ni xuất hiện ngày càng phổ biến từ nhà cho đến nơi văn phòng công sở, làm mới không gian sống, làm việc của mỗi người, mỗi gia đình. Chỉ một chậu cây, bình hoa cũng giúp không gian trở nên “đáng sống” hơn, khơi gợi cảm hứng, tạo cảm giác thư thái cho con người. Do đó, cây cảnh mi ni dần trở thành một “phụ kiện” để làm đẹp, được nhiều người chọn làm quà tặng với các tiêu chí đẹp, rẻ lại sang trọng. “Làm cây cảnh đòi hỏi phải có lòng đam mê, có con mắt nghệ thuật, biết cảm nhận cái đẹp, thần thái của cây. Nếu chỉ đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, nghề chơi sẽ khó lâu bền”, anh Huy chia sẻ một cách thành thật. Thế mới biết rằng, bất cứ nghề chơi nào cũng đòi hỏi công phu, tấm lòng. Không phụ công người, 4 mùa vườn cây cảnh của những người thợ làm vườn luôn tươi tốt, tấp nập khách ra vào mua bán, đặt hàng. Thành quả này xứng đáng là “trái ngọt” cho những con người tận tâm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân