Là một đô thị cổ, dân số đông mật độ đô thị, dân cư cao nên ngoài hệ thống chợ đầu mối, chợ chuyên doanh Thành phố Nam Định còn có hệ thống chợ dân sinh dày đặc, đáp ứng nhu cầu giao lưu hàng hóa đời sống sinh hoạt của người dân. Bên cạnh lợi ích thương mại thì hệ thống chợ dân sinh dày đặc trên địa bàn nhỏ cũng bộc lộ nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nhất là đối với những chợ họp ngay trên đường phố.
Người dân nhộn nhịp mua sắm tại chợ Hoàng Ngân, phường Phan Đình Phùng (TP Nam Định). |
Với diện tích tự nhiên 46,4km2, Thành phố Nam Định hiện có 20 phường và 5 xã ngoại thành thì có tới 20 chợ lớn, nhỏ. Trong đó, ngoài các chợ đầu mối chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, công nghệ phẩm, hàng tiêu dùng và hàng nông sản còn có 15 chợ dân sinh khác nằm rải rác trên địa bàn các phường, xã. Trong tổng số 15 chợ dân sinh thì có tới 7 chợ (Diên Hồng, Hoàng Ngân, Cửa Bắc, Năng Tĩnh, Mai Xá, Lý Thường Kiệt, Văn Miếu) hình thành, chiếm lĩnh luôn lòng đường phố để họp chợ. Với tỷ lệ trên 50% số chợ dân sinh họp ngay trên lòng phố đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới văn minh đô thị cũng như tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, sức khỏe của người dân khu vực chợ hoạt động. Bên cạnh đó tình trạng chợ cóc, chợ tạm xuất hiện trên đường phố mỗi ngày một nhiều buôn bán tấp nập. Tiêu biểu như: chợ “Dầu khí” họp trên đường Phùng Khắc Khoan; chợ “cây xăng” họp trên đường Nguyễn Cao Luyện; chợ “khí tượng thủy văn” họp trong một ngõ trên đường Điện Biên; chợ Mả Chói họp ngay trên đường Trần Bích San… Hiện trạng chung của các chợ này là người bán hàng hóa tràn lan lấn hết lòng đường, không sắp xếp theo từng nhóm hàng, ngành hàng, lều bạt cơi nới tạm bợ khiến cho quang cảnh khu phố trở nên luộm thuộm, nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Thêm vào đó là rác thải, nước thải của các hàng quán bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường là nguyên nhân gây dịch bệnh. Ngoài ra, do chợ nằm trên các tuyến phố nơi khu dân cư sinh sống nên việc sửa chữa, nâng cấp chợ rất khó khăn khiến cho chợ ngày càng xuống cấp xập xệ, tồi tàn hơn. Trong tháng 8 vừa qua khi phường Quang Trung có kế hoạch cho xây lại khu chợ Diên Hồng ở ngay vị trí cũ trên phố Diên Hồng kéo dài cắt qua các phố Hàng Tiện, Minh Khai khiến người dân tại địa bàn phản đối mạnh mẽ. Chị Hoàng Mai Hương, có nhà trong khu chợ Diên Hồng cho biết: Nhà tôi ở trong ngõ nhỏ trên phố này, nằm trong chợ nên mọi hoạt động đi lại đều phải qua chợ. Việc chen lấn để đi làm, đưa con cái đi học vào buổi sáng sớm trở thành nỗi ám ảnh đối với không chỉ riêng tôi mà của mọi gia đình trong khu phố này. Khó khăn hơn là khi gia đình có công việc (giỗ chạp, khách đến thăm nhà hay mua sắm đồ dùng gia đình) thì phiền toái vô cùng bởi thường phải chờ buổi tối khi chợ nghỉ, nhất là khi mua món đồ cồng kềnh cũng ngại việc khuân vác vận chuyển vào nhà. Hơn thế nữa, sống ở đây ban ngày thì ồn ào, phức tạp, tan chợ thì "mùi chợ" bốc lên, rồi chuột bọ, kiến, gián hoành hành(!). Và cứ tầm hơn 3h sáng đang ngon giấc là lại bị đánh thức bởi tiếng chó sủa ầm ĩ, kéo cửa xoành xoạch, tiếng xe máy của người kinh doanh bắt đầu buổi chợ.
Trước thực trạng này, để đảm bảo trật tự đô thị, trật tự ATGT xây dựng đô thị văn minh, Thành phố Nam Định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chấn chỉnh tình trạng họp chợ bừa bãi. Tổ chức rà soát tình trạng các chợ trên địa bàn và bổ sung quy hoạch chợ, trung tâm thương mại theo hướng phát triển đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường; tạo tiền đề vững chắc để tham gia hợp tác phát triển kinh tế trong vùng, trong nước và nước ngoài. Theo đó, thành phố quy hoạch mở rộng, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn với 45 chợ; trong đó có 2 chợ hạng I, 3 chợ hạng II, 40 chợ hạng III. Mở rộng hành lang thương mại dịch vụ hỗn hợp được phát triển theo 3 hướng gồm các tuyến: Quốc lộ 21B - đại lộ Thiên Trường - đường Đông A - phố Trần Hưng Đạo - đường Đặng Xuân Bảng - đoạn Quốc lộ 21B đến cầu Vòi xã Hồng Quang (Nam Trực); hành lang thương mại từ Thị trấn Mỹ Lộc theo Quốc lộ 21 - đường Điện Biên; hành lang thương mại theo đường Lê Đức Thọ đến cầu Tân Phong. Trước đó, thành phố cũng đã tiến hành đầu tư xây mới 2 chợ Đông Mạc (phường Lộc Hạ) và chợ Mả Chói (phường Trần Quang Khải) đảm bảo diện tích với đầy đủ các công trình phụ trợ theo đúng quy định của Nhà nước, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tiểu thương và người bán hàng rong vào buôn bán, kinh doanh trong chợ như: không thu các khoản phí, lệ phí, hỗ trợ về điện, nước, phí vệ sinh môi trường, phí trông giữ phương tiện, đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian đầu khi chợ mới đi vào hoạt động… Tuy nhiên sau nhiều năm đầu tư đến nay chợ vẫn chưa đi vào hoạt động được do người dân không vào mua sắm tại chợ này. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định một phần do chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý tình trạng họp chợ bừa bãi; các hộ dân ở mặt phố vẫn muốn khai thác vị trí đường để kinh doanh, tăng thu nhập; người tiêu dùng vẫn giữ thói quen ngại gửi xe vào chợ, tiện dừng xe ngay vệ đường mua hàng…
Tình trạng họp chợ dân sinh trên đường phố và việc các hộ kinh doanh trưng bày hàng hoá lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở hoạt động giao thông đường bộ mất trật tự đô thị, diễn ra khá phổ biến và không dễ khắc phục một sớm một chiều. Do đó, để thúc đẩy nhanh việc giải tỏa chợ tạm, chợ cóc trên đường phố, các cấp chính quyền cần tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi “văn hóa họp chợ” của người dân. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây mới chợ dân sinh, trung tâm thương mại theo định hướng quy hoạch phát triển thương mại Thành phố Nam Định và vùng phụ cận để thu hút người dân vào kinh doanh, mua bán./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương