Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất quy hoạch là 632ha gồm: Hòa Xá, Mỹ Trung (TP Nam Định) và Bảo Minh (Vụ Bản). Số lượng công nhân lao động tại các KCN tính đến nay khoảng 34 nghìn người, phần lớn lao động ở các địa phương. Bên cạnh đó, KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) cũng đang trong giai đoạn xây dựng, dự kiến khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ thu hút hàng vạn công nhân làm việc, đặt ra yêu cầu về nhà ở cho công nhân ước tính khoảng 600 nghìn m2 sàn (nhu cầu tối thiểu 10 m2/người). Dựa trên diện tích nhà ở công nhân đã có, đến năm 2020, dự kiến tỉnh cần kêu gọi đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 20 nghìn m2 sàn nhà ở lưu trú công nhân tại KCN Rạng Đông. Đối với số công nhân của các KCN khác, khuyến khích và hỗ trợ người dân xây dựng nhà trọ đạt tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu chỗ ở của công nhân. Đến năm 2030, dự kiến toàn tỉnh sẽ có thêm 6 KCN được thành lập mới gồm: Hồng Tiến và Việt Hải (Trực Ninh), Mỹ Thuận (Mỹ Lộc), Trung Thành (Ý Yên), Xuân Kiên (Xuân Trường), Rạng Đông - giai đoạn 2 (Nghĩa Hưng) với tổng quy mô theo quy hoạch là 1.450ha. Khi các KCN trên đi vào hoạt động, ước tính sẽ thu hút thêm khoảng 87 nghìn công nhân làm việc (trung bình các KCN hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 công nhân/ha). Đối với 3 KCN đã thành lập là Hòa Xá, Bảo Minh và Mỹ Trung, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 27.200 công nhân có nhu cầu nhà ở (gấp khoảng 2 lần số lượng công nhân có nhu cầu nhà ở trong giai đoạn 2017-2020). Như vậy, dự kiến tổng số công nhân có nhu cầu nhà ở đến năm 2030 trên địa bàn toàn tỉnh là khoảng 114 nghìn người. Do đó nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng công nhân là rất lớn, với tổng diện tích khoảng 1.370.400m2 sàn (diện tích tối thiểu 12 m2/người). Trong giai đoạn 2021-2030 cần kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở công nhân để đáp ứng cho tối thiểu 20% số công nhân có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, với quy mô khoảng 274.080m2 sàn. Như vậy, nhu cầu về nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục gia tăng, tỷ lệ thuận với trình độ CNH-HĐH trong tương lai.
Khu nhà ở công nhân tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản) được đầu tư khang trang đồng bộ vẫn chưa thể thu hút được công nhân. |
Đồng chí Bùi Đức Cần, Trưởng Phòng Nhà ở và thị trường BĐS (Sở Xây dựng) cho biết: “Thực tế cho thấy, vấn đề nhà ở cho công nhân tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 dự án nhà ở công nhân với tổng số 508 căn nhà, diện tích 39 nghìn m2 sàn, gồm khu nhà ở công nhân do Cty TNHH Youngone Nam Định xây dựng tại KCN Hòa Xá và Cty CP Đầu tư Vinatex xây dựng khu nhà gần 400 chỗ ở cho công nhân tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản). Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án nhà ở cho công nhân chưa thực sự đạt được như mong đợi”. Số lượng công nhân vào ở nhà do doanh nghiệp xây dựng còn ít so với số lượng công nhân làm việc tại các KCN. Theo điều tra sơ bộ của Ban quản lý các KCN tỉnh, hiện lượng lao động đang thuê trọ xung quanh các KCN Hòa Xá, Mỹ Trung chỉ khoảng 2.300 người, tạm trú trong các doanh nghiệp khoảng 150 người. Còn đa phần công nhân vẫn phải “sáng đi, tối về” hoặc ở nhờ nhà người thân. Đồng chí Nguyễn Văn Kiểm, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh (Vụ Bản) chia sẻ: “Chúng tôi đã đầu tư hơn 154 tỷ đồng xây dựng khu nhà ở xã hội đáp ứng đủ chỗ ở cho 2.000 công nhân của KCN Bảo Minh với đầy đủ tiện nghi như nhà trẻ, căng tin, phòng bếp, khu thể thao vui chơi. Nhưng đến nay, qua 4 năm vận hành đưa vào sử dụng, dự án gần như “thất bại” bởi chúng tôi không thể thay đổi được thói quen sử dụng nhà ở thuê của người lao động”. Hiện tại, khu nhà ở chỉ có vỏn vẹn 100 người chủ yếu là công nhân, chuyên gia của các Cty trong KCN thuê hợp đồng ngắn hạn. Mặc dù, giá cho thuê hiện tại mỗi phòng là 1,5 triệu đồng cho từ 5-6 người, bình quân chi phí mỗi người đều thấp hơn hoặc chỉ bằng một nửa so với thuê trọ ở nhà dân nhưng người lao động vẫn không mặn mà với khu nhà ở công nhân. Trong khi hầu hết các nhà trọ quanh KCN đều chưa đáp ứng đủ tiêu chí sinh hoạt tối thiểu: Diện tích nhỏ, mỗi phòng chỉ từ 10-16m2 cho từ 2 đến 4 người ở; nền nhà chủ yếu láng xi măng, mái lợp bằng phi-brô xi măng, sử dụng chung công trình phụ… Giá thuê phòng trọ bình quân từ 700-800 nghìn đồng/phòng/tháng, chưa gồm chi phí điện, nước. Theo các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến nghịch lý tình trạng nhà ở cho công nhân hiện “thừa nhưng vẫn thiếu” do thói quen sinh hoạt, công nhân chưa quen với nếp sống công nghiệp ở khu tập trung, ưa sống ở các khu dân cư đông đúc, không bị gò bó về thời gian, thoải mái tự do, gần các khu dịch vụ xã hội như chợ, trung tâm mua sắm... Bên cạnh đó, còn một loạt các lý do khác như các chính sách ưu đãi đầu tư chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ vốn vào kinh doanh nhà ở công nhân, nhất là quy định về cách định giá nhà ở xã hội, tỷ lệ lợi nhuận không được vượt quá 10% chi phí đầu tư trong trường hợp xây nhà để bán, 15% trong trường hợp xây nhà để cho thuê, được cho là không phù hợp. Bản thân các địa phương có KCN cũng chưa ban hành cụ thể các chính sách, cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư xây nhà ở cho công nhân. Những doanh nghiệp có dự định đầu tư xây nhà cho công nhân thì còn băn khoăn về khả năng thu hồi vốn sau đầu tư, phương thức quản lý vận hành nhà ở cho công nhân, đặc biệt trong bối cảnh giá đất ngày càng tăng. Khả năng thu hồi vốn theo hình thức trả góp nhà ở công nhân cũng khá mong manh bởi tỷ lệ lao động nghỉ việc, thay đổi việc làm ở các Cty là khá nhiều và thường xuyên. Nguồn thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng của công nhân khiến họ khó tiếp cận với các nguồn vốn vay nhà ở xã hội để xây dựng căn nhà của riêng mình. Tất cả những nguyên nhân trên khiến cho nhà ở công nhân luôn là bài toán khó.
Nhằm giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân, các sở, ngành cần nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ tín dụng từ nguồn ngân sách tỉnh để cho vay đối với các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở, đáp ứng cho nhu cầu của người lao động trong các KCN. Đặc biệt phải có cơ chế giúp doanh nghiệp có thể thu hồi vốn khi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; hỗ trợ tín dụng cho vay đối với lao động làm việc trong các KCN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội. Tăng cường tuyên truyền cho công nhân ngay từ khâu tuyển dụng, lồng ghép các ưu đãi về lương, thưởng, điều kiện làm việc, chỗ ở để thu hút công nhân vào các khu nhà ở tập trung. Các doanh nghiệp sử dụng lao động tự đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, doanh nghiệp cần thực hiện điều tra, khảo sát và đánh giá về nhu cầu của công nhân, người lao động, từ đó đưa ra phương án xây dựng, phương án đầu tư hạ tầng xã hội phục vụ đời sống và các quy chế quản lý vận hành. Các địa phương phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong từng thời kỳ và tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu gia tăng các KCN, CCN trong tương lai./.
Bài và ảnh: Đức Toàn