Từ ngày 26-7-2018 đến nay, tại trạm thu phí BOT Mỹ Lộc xảy ra tình trạng lái xe khi đi qua phản đối không trả phí. Lý do các lái xe đưa ra là vị trí đặt trạm thu phí Mỹ Lộc không hợp lý và áp dụng mức thu phí cao bất thường (trên đoạn đường dài chỉ 3,9km, các xe thuộc nhóm 1 hiện phải trả 30 nghìn đồng/lượt). Mặt khác theo các tài xế, họ chỉ đi vào 2 làn đường liền kề dải phân cách được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước chứ không đi vào các làn đường khác trên tuyến do Cty CP TASCO đầu tư theo hình thức BOT. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua, tại khu vực trạm thu phí Mỹ Lộc luôn có người thường xuyên kê ghế ngồi túc trực 24/24h ở dải phân cách của trạm thu phí, đỗ ô tô chặn các xe khác đi vào 2 làn đường bên ngoài. Khi có xe chạy qua hai làn giữa, nhóm người này xưng là “đại diện các tài xế” hướng dẫn: “Không phải nộp phí đâu, xả trạm rồi”. Việc tập trung phản đối thu phí đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trong những ngày đầu. Ngay trong ngày 26-7, đơn vị thu phí đã xả trạm 2 lần và từ chiều 28-7 đã phải xả trạm, không thu phí.
Trả lời về vấn đề này tại cuộc giao ban báo chí tháng 7-2018 của tỉnh, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh cho biết, theo quy hoạch, tuyến đường tránh Thành phố Nam Định dài 3,9km, nối từ Quốc lộ 10 đến Thị trấn Mỹ Lộc rộng 48m với 6 làn xe. Tuy nhiên, theo hợp đồng ký kết giữa UBND tỉnh Nam Định và nhà đầu tư TASCO vào năm 2008 về việc đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Thành phố Nam Định theo hình thức BOT, nhà đầu tư TASCO chỉ làm tuyến đường này rộng 4 làn xe và một giải phân cách ở giữa rộng 20,5m. Việc dự án BOT chỉ làm 4 làn xe là bởi nếu đầu tư cả 6 làn xe theo hình thức BOT sẽ tăng vốn đầu tư, dẫn đến kéo dài thời gian và mức giá thu phí hoàn vốn. Sau khi dự án đường BOT gần hoàn thành, để phát huy hiệu quả của tuyến đường, giải quyết nhu cầu cấp bách về ách tắc giao thông trên Quốc lộ 21A (chạy song song) và để phù hợp với quy hoạch tuyến đường đã được duyệt, tỉnh có chủ trương đầu tư bằng ngân sách để hoàn thiện xây dựng tuyến đường tránh đúng quy hoạch... Theo đó, ngày 24-1-2011, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 161 phê duyệt dự án xây dựng mở rộng mặt cắt ngang phần đường xe chạy, tuyến đường tránh Thành phố Nam Định, đoạn từ Thị trấn Mỹ Lộc tới Quốc lộ 10. Theo Quyết định này, dự án thực hiện mở rộng thêm làn đường chính mỗi bên 5m vào dải phân cách giữa so với mặt cắt ngang thiết kế của dự án đường BOT. Tổng kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ là 85,908 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh. Số kinh phí trên không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án BOT trên. Việc thực hiện dự án hỗ trợ được tỉnh vận dụng theo quy định tại các Nghị định 78, Nghị định 108 của Chính phủ (cùng về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao; Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh; Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao). Cụ thể, tại khoản 2, Điều 6 của Nghị định 108 quy định: Đối với dự án cần thực hiện để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc sử dụng công trình kết cấu hạ tầng và dự án quan trọng khác, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc thực hiện các công việc khác nhằm hỗ trợ thực hiện dự án. Sau khi dự án hỗ trợ hoàn thành, tuyến đường tránh Thành phố Nam Định được tăng từ 4 lên 6 làn xe, dải phân cách ở giữa thu hẹp lại chỉ còn 10,5m và được Sở GTVT bàn giao lại cho nhà đầu tư TASCO chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng cho đến hết thời hạn thu hồi vốn... Vì vậy, đồng chí Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định việc tỉnh bỏ ra hơn 80 tỷ đồng ngân sách để mở rộng thêm làn đường, thu hẹp dải phân cách nhằm mục đích hỗ trợ, hoàn thiện, phát huy hiệu quả của tuyến đường tránh Thành phố Nam Định vốn trước đó được đầu tư theo hình thức BOT theo đúng quy hoạch. Nếu tỉnh không đầu tư thêm 2 làn đường, các xe đi qua tuyến này vẫn phải trả phí. Vì vậy nếu lấy lý do chỉ đi vào làn đường đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để không trả phí là không có cơ sở. Liên quan đến thắc mắc của tài xế về vị trí đặt trạm BOT, đồng chí Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định vị trí đặt trạm là đúng, các tài xế có thể đo không chính xác. Bởi từ điểm kết nối với dự án đường cao tốc Bắc - Nam và đường tránh BOT này, cách vị trí đi về phía Nam Định khoảng 160-180m, ở đó có cả vòng xuyến và đường vuốt nối, nếu tài xế đo kịch từ bùng binh và đường kết nối có thể dôi ra hàng trăm mét nữa. Về nội dung mức thu phí quá cao, đồng chí Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: việc này liên quan đến nhiều ban, ngành, thông qua quá trình cân nhắc tính toán từ nhiều yếu tố vốn như vay ngân hàng của nhà đầu tư, trượt giá, tiến độ chậm do giải phóng mặt bằng… Đồng chí Phó Giám đốc Sở GTVT cũng khẳng định, thời gian qua các cơ quan quản lý chuyên ngành về giao thông đường bộ của tỉnh rất nghiêm túc trong thực hiện công tác hướng dẫn về hướng đi, phân luồng, trạm thu phí... để các phương tiện đi qua nắm bắt được toàn bộ hệ thống đường giao thông của tỉnh, lựa chọn tuyến đường sử dụng, cụ thể như các tuyến Quốc lộ 21, Quốc lộ 10. Vì vậy, nếu không sử dụng tuyến đường BOT có trạm thu phí Mỹ Lộc, người dân có thể lựa chọn sử dụng, khai thác Quốc lộ 21A cũ là tuyến đường đạt chuẩn cấp 3 đồng bằng theo tiêu chuẩn quốc gia thuộc Bộ GTVT quản lý có cùng hướng tuyến với đường BOT và cũng đang được người dân khai thác, sử dụng rất hiệu quả.
Được biết, về mức phí, tới đây UBND tỉnh sẽ đàm phán với nhà đầu tư để giảm mức thu phí tại trạm BOT Mỹ Lộc. Tuy vậy, đến nay tình trạng “cắm chốt” phản đối thu phí tại trạm BOT Mỹ Lộc vẫn đang tiếp diễn. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công an chủ động biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, ATGT tại khu vực trạm BOT; yêu cầu Cty CP TASCO chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, các đơn vị, địa phương thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, ATGT và giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp xảy ra tại khu vực trạm thu phí Mỹ Lộc./.
Thanh Thúy