Việc Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh triển khai chương trình cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân... Tuy nhiên quá trình thực hiện chương trình tín dụng này đã nảy sinh không ít khó khăn, bất cập cần tập trung giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi này để sớm có cơ hội “an cư”.
Gia đình anh Trần Tất Nghĩa ở thôn Vị Dương, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) được Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay 300 triệu đồng theo chương trình nhà ở xã hội để xây dựng nhà kiên cố. |
Gia đình anh Trần Tất Nghĩa ở thôn Vị Dương, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) là hộ đầu tiên được Ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân cho vay số tiền 300 triệu đồng từ chương trình cho vay nhà ở xã hội. Trao đổi với chúng tôi, ông Nghĩa phấn khởi cho biết: Gia đình tôi là hộ có thu nhập thấp. Được cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Vị Dương tuyên truyền, hướng dẫn tôi đã quyết định làm hồ sơ vay vốn từ chương trình cho vay nhà ở xã hội đang được Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai. Được sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH nên gia đình đã hoàn thiện hồ sơ và được giải ngân cho vay vốn. Nhờ đó, gia đình tôi có thể xây ngôi nhà mái bằng kiên cố để có thể yên tâm làm ăn... Không chỉ anh Nghĩa mà nhiều hộ nghèo, cận nghèo khác trong tỉnh đang được hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ chương trình này. Theo quy định, đối tượng được vay vốn mua nhà ở xã hội, bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân và Quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết thêm: Trừ đối tượng là người có công với cách mạng thì các đối tượng còn lại để được vay vốn từ chương trình này phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên theo quy định của pháp luật. Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Người vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích; thực hiện trả tiền gốc, tiền lãi đúng thời hạn quy định...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình tín dụng này cũng đã phát sinh một số bất cập cần tháo gỡ. Khó khăn lớn nhất đối với các hộ vay hiện nay là việc cung cấp, chứng từ chứng minh nguồn vốn tự có và việc sử dụng vốn vay. Nhiều người dân mua nguyên vật liệu xây dựng với mục đích tiết kiệm thường không lấy hóa đơn để không phải trả thêm thuế giá trị gia tăng (VAT); các cửa hàng, đại lý bán vật liệu cũng “ngại” viết hóa đơn. Theo quy định về điều kiện khi vay vốn theo chương trình này, người vay vốn phải thực hiện “gửi tiền tiết kiệm hằng tháng tại Ngân hàng CSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng CSXH. Mức gửi tối thiểu bằng mức trả nợ hằng tháng của người vay vốn. Đối với những người vay mua nhà ở xã hội phải có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội; tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”. Việc quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn vốn vay sẽ được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nhưng vô hình trung lại “làm khó” cho người vay vốn trong tình thế đã “eo hẹp” về nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc phải hoàn thiện một số loại giấy tờ như: phải có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, có nguồn thu nhập để trả nợ theo cam kết với Ngân hàng CSXH; phải có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác... cũng gây khó khăn, phức tạp cho người đi vay. Đặc biệt, theo quy định thì “Đối với hộ vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội phải có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư dự án mà dự án của chủ đầu tư đó có trong danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc chương trình, kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở phải có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng...”. Để thực hiện quy định này là rất khó khăn với các hộ nghèo, hộ cận nghèo vì không có khả năng chi trả tiền thuê thiết kế; lập phương án tính toán… nếu không có cơ chế miễn giảm hay có khung mẫu thiết kế chung đối với loại nhà này với chi phí dịch vụ ưu đãi.
Rõ ràng, cơ chế chính sách và nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội đã có nhưng cần nhanh chóng nhận diện những bất cập để vận dụng một cách linh hoạt trong quá trình cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng thuộc diện được vay vốn là điều mà Ngân hàng CSXH tỉnh cần quan tâm. Để từ đó có thêm nhiều gia đình nghèo, khó khăn có điều kiện cải thiện nhà ở góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho người dân và bảo đảm an sinh xã hội./.
Bài và ảnh: Văn Đại