Quảng cáo ngoài trời được ưa chuộng bởi hiệu quả về nhận diện thương hiệu mà nó mang lại vô cùng lớn, đặc biệt là các loại bảng, biển quảng cáo tấm lớn như pa-nô, màn hình LED, LCD cho đến bảng, biển quảng cáo khổ nhỏ như băng rôn, biển hộp đèn… Do vậy phương thức quảng cáo này hiện đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên phương thức quảng cáo này cũng còn nhiều bất cập cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng.
Biển quảng cáo sơn ngoài trời trên đường Đông A (TP Nam Định) với kết cấu khung sắt được lắp đặt trên nóc công trình. |
Nguyên nhân là có một vài doanh nghiệp đã thực hiện lắp đặt bảng biển quảng cáo sai quy định, thậm chí nhập nhèm giữa biển hiệu và biển quảng cáo, bởi theo quy định, biển hiệu chỉ được ghi tên cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa chỉ, điện thoại, tên cơ quan chủ quản trực tiếp của doanh nghiệp chứ không được quảng cáo sản phẩm. Đáng nói hơn, một số cơ sở kinh doanh lợi dụng việc lắp dựng biển quảng cáo tấm nhỏ không phải xin phép đã dựng biển quảng cáo vượt quá kích thước quy định, có nơi che kín mặt tiền nhà, hông nhà hoặc gắn biển quảng cáo trên nóc nhà, tường nhà. Vi phạm nhiều nhất đối với loại hình quảng cáo này là các cửa hàng kinh doanh dịch vụ áo cưới, mỹ phẩm, ô tô, xe máy, y tế… Một số biển quảng cáo gắn vào tường lắp dựng trên mái công trình nhà ở tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng, nhiều biển không phù hợp quy hoạch xây dựng… Đặc biệt, trong mùa mưa bão, các biển quảng cáo quá khổ với kết cấu khung cột thép không được neo giữ và bảo dưỡng tốt sẽ gây nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng do nguy cơ rơi đổ, va đập. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Các tổ chức, cá nhân liên quan chưa thực hiện đúng Luật Quảng cáo. Có thể kể đến những vi phạm đang diễn ra phổ biến như: tự ý quảng cáo khi chưa có thông báo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; các băng rôn, biển quảng cáo đã hết thời gian cho phép nhưng không tháo dỡ hoặc không xin gia hạn vẫn tiếp tục quảng cáo… Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động quảng cáo cũng có những khó khăn hạn chế do đội ngũ cán bộ quản lý lĩnh vực này từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu và yếu về năng lực chuyên môn; một số địa phương buông lỏng quản lý, chưa xử lý triệt để các vi phạm; ý thức của người dân, cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật của Luật Quảng cáo chưa cao… Đặc biệt, các quy định về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tốc độ phát triển ngành dịch vụ quảng cáo hiện nay. Nhiều quy định về xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng gây khó khăn cho công tác cấp phép quảng cáo.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn đồng thời chấn chỉnh đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời đi vào nề nếp, ngày 20-5-2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 04/2018/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời”, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-11-2018. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời đảm bảo mỹ quan đô thị, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt ở mỗi địa phương. Quy chuẩn này quy định những yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng, lắp đặt các phương tiện quảng cáo ngoài trời đứng độc lập hoặc gắn/ốp vào công trình xây dựng có sẵn và áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, nguyên tắc xây dựng, lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời là phải phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương; Phải có địa điểm, kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng phù hợp với quy hoạch quảng cáo được phê duyệt và đặt ngoài hành lang an toàn đường bộ, hành lang an toàn đường sắt, hành lang an toàn bảo vệ luồng đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ đê điều, hành lang an toàn lưới điện cao áp. Vị trí, địa điểm, khu vực xây dựng, lắp đặt và công tác quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đáp ứng các yêu cầu như đảm bảo mỹ quan đô thị; tầm nhìn giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và không che khuất tầm nhìn, biển báo giao thông; đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu thoát nạn, yêu cầu cứu hộ cứu nạn, kết cấu xây dựng, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo các hoạt động sản xuất, sinh hoạt bình thường của người dân và an toàn sinh mạng. Về kết cấu của phương tiện quảng cáo ngoài trời phải được tính toán, thiết kế theo các yếu tố bất lợi nhất tác động lên chúng phù hợp với quy định số liệu tự nhiên trong quy chuẩn quốc gia QCVN 02:2009/BXD và các tiêu chuẩn kỹ thuật được lựa chọn. Móng, kết cấu khung đỡ, mặt ngoài phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo an toàn, bền vững, đáp ứng được các yêu cầu sử dụng ổn định trong suốt thời gian thi công và khai thác, sử dụng; được bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành. Vật liệu chế tạo phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tuổi thọ của từng phương tiện quảng cáo; đảm bảo không bị biến dạng tự nhiên theo thời gian và các tác động bất lợi của môi trường. Tất cả các bề mặt và cạnh nhìn thấy của phương tiện quảng cáo ngoài trời phải là vật liệu ít bị ăn mòn và không bị ảnh hưởng bởi sự bị ăn mòn lẫn nhau của bất cứ bộ phận nào xung quanh. Vật liệu của phương tiện quảng cáo ngoài trời phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hoặc thay thế. Ngoài ra, các hướng dẫn về hệ thống chiếu sáng, phòng chống cháy, nổ cho phương tiện quảng cáo ngoài trời cũng được hướng dẫn chi tiết. Chủ sở hữu phương tiện quảng cáo ngoài trời có trách nhiệm: khảo sát kỹ thuật, báo cáo về hiện trạng; tuân theo các quy định về cấp phép và quản lý xây dựng theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng tại địa phương; thực hiện kiểm tra, bảo trì định kỳ theo quy định và đảm bảo các điều kiện an toàn cho phương tiện quảng cáo ngoài trời trong suốt thời gian thi công xây dựng/lắp đặt cũng như thời gian tồn tại của phương tiện quảng cáo ngoài trời.
Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ siết chặt công tác cấp phép xây dựng quảng cáo ngoài trời, đảm bảo các công trình quảng cáo ngoài trời khổ lớn theo đúng quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Xây dựng. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong quản lý hoạt động tuyên truyền quảng cáo. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về tuyên truyền quảng cáo và hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan gây ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn giao thông trên địa bàn, nhất là khâu hậu kiểm về hoạt động tuyên truyền quảng cáo./.
Bài và ảnh: Đức Toàn