Đổi thay ở xã "hai nhất"

08:08, 31/08/2018

Nằm sát chân sóng, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) còn được biết đến với danh hiệu “2 nhất” (ít dân nhất và địa phương duy nhất của tỉnh chỉ độc canh nghề làm muối). Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, mấy chục năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Phúc đã dồn sức đồng lòng, khắc phục khó khăn biến những bãi đầm lầy thành xóm thôn khang trang trù phú, chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp, xây dựng quê hương trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của địa phương.

Khu phố thương mại xã Nghĩa Phúc.
Khu phố thương mại xã Nghĩa Phúc.

I. Quê muối kiên cường

Xã Nghĩa Phúc được Chính phủ quyết định thành lập năm 1964 với vỏn vẹn 295 hộ dân, 1.682 nhân khẩu đến từ hầu hết các xã trong huyện. Thành lập đúng vào thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, nhân dân Nghĩa Phúc vừa mới đặt chân lên vùng đất mới đã bắt tay ngay vào công việc với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”, “làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm”, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa dựng nhà và xây dựng các cánh đồng muối. Chỉ sau một thời gian ngắn, được sự hỗ trợ của chính quyền, nhân dân của cả nơi mới và quê cũ, cuộc sống người dân dần ổn định, 1.500kg muối đầu tiên trên những ruộng muối mới đã cho thu hoạch vào đúng ngày 19-5-1964. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định sự nhanh chóng thích nghi và nỗ lực vượt bậc của người dân bởi đa số dân cư từ các miền quê chưa từng làm muối. Nếu như trước đây làm ruộng, trời nắng thì nông dân tìm chỗ râm mát nghỉ ngơi, đến quê mới họ lại “mong nắng để ra đồng”. Từ 8 mẫu ruộng muối ban đầu, xã Nghĩa Phúc đã mở rộng dần diện tích, xây dựng được 3 khu đồng muối với tổng diện tích 73ha. Sản lượng muối của Nghĩa Phúc tăng dần qua các năm. Sức người không quản ngày đêm xây dựng nền tảng sản xuất nhưng do ở vị trí “đầu sóng ngọn gió” nên Nghĩa Phúc là nơi hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lớn thường xuyên làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống, nhà cửa của nhân dân. Mùa lũ năm 1967, sóng biển đã cuốn phăng đi hàng trăm mét đê, phá hủy 8ha ruộng muối. Sau trận lụt này, nhân dân trong xã phải đắp một con đê mới lùi vào phía trong và phải chịu mất gần 100ha đất tự nhiên. Tiếp đến trận bão năm 1971 đã làm vỡ 3 quãng đê, nước biển tràn vào nhấn chìm cả xã trong nước mặn, 245 ngôi nhà bị đổ, 11 kho đựng muối bị hỏng, 150 tấn muối hòa trở lại biển, 3ha ruộng muối phải bỏ không sản xuất được! Khó khăn là vậy nhưng ý chí quật cường không nản khó khăn của người dân nơi đây lại chiến thắng thiên nhiên, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Trong 10 năm sau khi thành lập, Nghĩa Phúc đã đóng góp 18.383 tấn muối phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước. Là xã độc canh nghề muối nên diêm dân cũng rất nhiệt tình học hỏi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Nghĩa Phúc là địa phương đầu tiên trong tỉnh ứng dụng công nghệ mới cải tạo mặt ruộng chống chịu nước mặn bằng cách trộn tro bếp, rơm khô, xỉ than và vữa ba ta làm nền ruộng muối thay vì đổ chạt bằng vôi, cát như cũ để tăng độ bền cho mặt ruộng; rồi dùng bạt nhựa PV cho muối kết tinh thay cho việc phơi muối trên nền cát để vừa thu hoạch nhanh hơn vừa ngăn chặn tạp chất lẫn vào muối. Rồi chuyển đổi chạt lọc từ đầu ruộng về giữa ruộng muối để giảm thiểu công di chuyển của diêm dân trong quá trình lao động sản xuất… Những nỗ lực của diêm dân nơi đây đã biến vùng quê Nghĩa Phúc thành trọng điểm sản xuất muối của tỉnh với kết quả sản lượng muối bình quân đạt trên 4.000 tấn/năm, trong đó có 30% sản lượng là muối sạch. 

II. Năng động chuyển đổi nâng cao hiệu quả sản xuất 

Nghề muối cực nhọc và vất vả lại phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên hiệu quả kinh tế không cao, đời sống của người dân Nghĩa Phúc khi chưa chuyển đổi sản xuất vì thế mà còn nhiều khó khăn. Xác định rõ những khó khăn, tồn tại, ngay từ đại hội nhiệm kỳ 2000-2005, Đảng bộ xã Nghĩa Phúc đã chỉ đạo nhân dân ngoài nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh muối phải phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh thâm canh gối vụ trên đất vườn màu; khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản và tìm kiếm nghề mới về địa phương. Để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất, xã có chính sách hỗ trợ về mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật… Đồng thời nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu của các cán bộ, đảng viên trong các phong trào thi đua lao động sản xuất. Trong sản xuất muối, các sở, ngành chuyên môn hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, giảm thiểu công lao động. Nhân dân trong xã chủ động cải tạo hơn 23,76ha vườn tạp chuyển đổi sang trồng màu với các loại cây phù hợp như ngô, lạc, đậu tương và các loại rau; cải tạo vùng bãi ngập nước, đầm lầy, thùng vũng thành ao đầm nuôi thả ngao vạng, tôm, cá bống bớp và phát triển dịch vụ tiêu thụ thu mua, chế biến thủy, hải sản. Đến nay, mặc dù diện tích sản xuất muối của xã đã thu hẹp lại nhưng sản lượng muối của xã vẫn đạt 4.000 tấn, năng suất bình quân đạt 75 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt trên 5 tỷ đồng. Năm 2011 đánh dấu quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, ngoài làm muối, các hộ dân còn trồng ngô, lạc, đậu tương và các loại rau. Đến nay sản lượng các loại rau, màu hằng năm đạt 122 tấn, đạt giá trị thu nhập hơn 2,4 tỷ đồng; diện tích nuôi thủy sản đạt 45,7ha, sản lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản đạt gần 500 tấn, giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt xã Nghĩa Phúc đã đưa thành công nghề làm hương và đan cói xuất khẩu về địa phương tạo việc làm thu nhập cho trên 200 lao động thường xuyên. Bác Trần Xuân Dụng, xóm 5 cho biết: nghề đan manh cói được tổ chức sản xuất ở địa phương gần 2 năm nay. Mặc dù mức thu nhập chưa cao nhưng đây là giải pháp quan trọng cho những lao động đã quá tuổi như chúng tôi và đặc biệt hữu ích với hầu hết diêm dân lúc sớm tối, khi trời "kém nắng" không làm muối được. Cùng với việc gia tăng sản xuất, hoạt động dịch vụ, thương mại nhanh chóng nở rộ với mô hình thu mua muối cho diêm dân; kinh doanh hải sản và vật tư, ngư cụ phục vụ nuôi trồng, chế biến thủy sản. Toàn xã hiện có trên 150 hộ kinh doanh dịch vụ, cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất. Tiêu biểu là gia đình anh Phạm Văn Trường, xóm 4 làm kinh tế giỏi từ nuôi thủy sản và thu mua muối, thủy hải sản cho diêm dân địa phương. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu mua khoảng 2.000 tấn muối và hàng tấn cá thương phẩm. Gia đình anh Phạm Văn Phương, xóm 5 lại thành công với mô hình sản xuất ngao giống và thu mua các loại hải sản như (ngao giấy, bông sùa) để xuất bán sang Trung Quốc. Trung bình mỗi năm, cơ sở của anh đã thu mua 200 tấn thủy sản cho bà con trong vùng. 

Chịu thương, chịu khó trong những ngày đầu lập ấp, giữ làng; năng động trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhanh chóng thích nghi với kinh tế thị trường, từ một xã non trẻ và luôn ở trong tốp “xã nghèo nhất huyện”, đến nay, xã Nghĩa Phúc đã phá thế độc canh diêm nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 35,4 triệu đồng/năm, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trong những năm qua giảm dần. Với tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Phúc quyết tâm giữ vững truyền thống cách mạng, phát huy thành tựu phát triển kinh tế, xây dựng NTM bền vững./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com