Căn nhà của ông Nguyễn Văn Hòa nằm sâu trong ngõ 49C đường Trường Chinh (TP Nam Định). Không quảng cáo rầm rộ, nhưng nhiều năm qua căn nhà của ông Hòa là địa chỉ quen thuộc của những người đam mê nhiếp ảnh và người có thiết bị ngành ảnh bị hỏng. Đang tỉ mẩn sửa chiếc máy ảnh, thấy chúng tôi đến ông rót nước mời rồi lại tiếp tục công việc bởi khách đang cần gấp. Chừng hơn nửa tiếng sau chiếc máy ảnh đã sửa xong. Lúc này, gương mặt ông Hòa mới hết căng thẳng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hòa tâm sự: Mỗi lần sửa chữa một máy ảnh, ống kính, đèn flash ông đều dồn hết sự tập trung vào công việc bởi yêu cầu chính xác tuyệt đối giữa các chi tiết của máy ảnh, ống kính. Kể về “duyên nghiệp” đến với nghề sửa chữa máy ảnh, ông Hòa cho biết, năm 1975 ông nhập ngũ và được đào tạo báo vụ đài vô tuyến điện 15W của Bộ Tư lệnh Pháo binh. Năm 1984 ông chuyển ngành về Xí nghiệp Nhiếp ảnh Thành phố Nam Định. Năm 1984, ông được đi học tại Cty Vật tư ảnh TTXVN theo kiểu “truyền nghề”. Đầu năm 1985 ông chính thức làm việc tại Xí nghiệp Nhiếp ảnh Thành phố Nam Định với chuyên môn sửa chữa máy ảnh và đèn flash. Trong ký ức của ông Hòa, thời đó những ai sở hữu chiếc máy ảnh trong tay là cả gia tài nên khi có sự cố hỏng hóc thì “trăm sự” nhờ những người thợ sửa chữa. Ở Thành phố Nam Định lúc đó ngành ảnh phát triển khá mạnh với Xí nghiệp Nhiếp ảnh thành phố, HTX Nhiếp ảnh Hương Sơn, Sông Hương và gần 10 cơ sở sửa chữa máy ảnh tư nhân. Nhiều máy ảnh có giá trị lớn như Leica, hay những máy ảnh có cấu tạo cơ phức tạp như Zenit, Praktica, Petri… khi bị hỏng đã được ông Hòa chinh phục dễ dàng. Là người sửa máy ảnh và là người đam mê nhiếp ảnh, ông Hòa cho biết: Nghề sửa máy ảnh đòi hỏi người sửa máy phải sử dụng thành thạo những thao tác tháo lắp máy ảnh, nguyên tắc hoạt động và “bắt bệnh” của máy để sửa. Năm 1995, ông Hòa mở cửa hiệu sửa chữa máy ảnh ở địa chỉ 33 Phan Đình Phùng (TP Nam Định). Thời điểm này, cũng là lúc thị trường chuẩn bị xuất hiện nhiều máy ảnh số. Từ máy cơ đến máy kỹ thuật số có một bước đệm là máy bán tự động, tuy cũng chụp phim, nhưng có bộ phận lấy sáng hoàn toàn tự động. Đèn flash cũng chuyển từ đèn “trơn” lên đèn có “mắt thần”. Những người thợ sửa máy ảnh thời đó nếu không bắt kịp với công nghệ thì đành “đầu hàng” và chỉ sửa các loại máy film. Với kinh nghiệm của người sửa máy ảnh lâu năm và kiến thức về điện ông Hòa đã tự mày mò nghiên cứu học thêm từ các đồng nghiệp trên Hà Nội và các diễn đàn về sửa chữa nhiếp ảnh. Trong quá trình làm việc, ông được nhiều đơn vị tín nhiệm giao cho sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị quang học phức tạp và đắt tiền như ống nhòm, kính ngắm, kính hiển vi… Từ năm 2012, ông “lui về” sửa chữa tại gia đình ở 49C/703 đường Trường Chinh (TP Nam Định). Với uy tín lâu năm trong nghề, những tay máy từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh đều tin tưởng giao máy cho ông sửa chữa.
Ông Nguyễn Văn Hòa đang sửa máy ảnh. |
Căn nhà của ông Ninh Tiến Đạt địa chỉ số 8 đường Huỳnh Thúc Kháng (TP Nam Định) không trang hoàng biển hiệu như những cửa hàng sửa chữa điện thoại, đồ điện tử… bởi với ông, sửa chữa máy ảnh cho các mối quen đã chiếm hết thời gian hằng ngày của ông. Sinh năm 1956 trong gia đình có truyền thống làm nghề nhiếp ảnh, từ năm cấp 3, cậu học sinh Ninh Tiến Đạt đã sở hữu chiếc máy ảnh film Praktica Nova B. Đam mê chụp ảnh thời đó đã đem đến cho Tiến Đạt nhiều niềm vui, hạnh phúc, nhưng cũng không ít nỗi buồn. Vui là khi chụp xong một cuộn phim, rửa ra những bức ảnh đẹp, mang đến niềm vui cho người thân, bạn bè. Buồn là khi chụp xong cả cuộn phim mới phát hiện ảnh trầy xước hoặc ảnh chồng lên nhau... mà nguyên nhân chính là do máy bị hư hỏng. Rồi nhiều lần thấy cha loay hoay với chiếc máy ảnh bị hỏng phải khất khách hàng rồi lặn lội lên Hà Nội vừa tốn kém tiền bạc vừa mất nhiều thời gian chờ đợi…, một ý tưởng nảy ra trong đầu Tiến Đạt là xin cha đưa máy để tự sửa. Ban đầu, cụ thân sinh ra Tiến Đạt còn hoài nghi năng lực của con trai, sau đó thấy con quyết tâm cụ cũng “liều” đem cả gia tài để cậu con trai thử sức. Tự nghiên cứu mày mò tìm nguyên nhân hư hỏng do kẹt màn trập, rồi tự tháo lắp các chi tiết, cuối cùng sau 2 ngày chiếc máy ảnh của cha đã được Tiến Đạt sửa hoạt động bình thường. Nhiều người thân chơi ảnh sau khi biết Tiến Đạt có khả năng sửa chữa máy cũng mang đến để cậu sửa miễn phí. Nghiên cứu chuyên sâu về các bộ phận máy ảnh và được thực hành liên tục nhiều loại máy ảnh đã giúp Tiến Đạt nhanh chóng bắt bệnh và sửa lỗi máy ảnh. Năm 1976, Đạt nhập ngũ vào một đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không Không quân bảo vệ tuyến biên giới Quảng Ninh. Năm 1979, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Tiến Đạt vừa làm nghề chụp ảnh, vừa sửa chữa các loại máy ảnh tại gia đình. Với tiêu chí “Chất lượng, giá cả hợp lý” đặt lên hàng đầu, uy tín của ông Đạt ngày càng được nâng lên, khách hàng đến ngày càng nhiều. Không chỉ sửa chữa máy ảnh, ông còn tư vấn, hướng dẫn cho khách biết khai thác những tính năng của máy, cách sử dụng, bảo quản máy ảnh sao cho bền, ít bị hư hỏng. Để sửa chữa nhiều loại máy ảnh của nhiều hãng trên thế giới, ông phải thường xuyên cập nhật kiến thức, có loại máy ảnh mới là ông tìm hiểu tính năng, nguyên lý hoạt động. Đến nay, ông có thể khắc phục được tất cả các hư hỏng của máy ảnh từ máy cơ, đến máy kỹ thuật số thuộc nhiều hãng sản xuất trên thế giới. Trong quá trình sửa chữa cho khách, ông Đạt có nhiều kỷ niệm khó quên: Năm 2014, một người thợ chụp ảnh cao niên ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) sang để nhờ ông Đạt sửa chiếc máy ảnh phim xuất xứ từ Đức. Nhìn chiếc máy ảnh đã cũ lại bị những người thợ khác sửa nham nhở, ban đầu ông Đạt từ chối. Sau khi nghe câu chuyện của người đến sửa kể rằng đây là kỷ vật quan trọng bởi đây là chiếc máy ảnh đầu tiên mà ông làm cho một hiệu ảnh của người Pháp, ông Đạt đã đồng ý sửa. Theo ông Đạt, điều cơ bản của việc sửa máy ảnh là phải giữ cho mình tính kiên trì, tỉ mỉ, đặc biệt phải giữ được cho mình cái tâm. Nhiều năm qua, các cửa hàng máy ảnh lớn ở Hà Nội đều gửi về những chiếc máy ảnh bị lỗi để ông Đạt sửa chữa với chi phí hợp lý. Ngoài ra, ông Đạt còn tổ chức các lớp đào tạo thợ sửa máy ảnh chuyên nghiệp, có người ở trong tỉnh, cũng có người ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên đến xin ông dạy nghề.
Tiếng lành đồn xa! Ngoài 60 tuổi nhưng cả hai người thợ già vẫn ngày đêm cần mẫn làm việc, là “chỗ dựa” vững chắc cho các tay máy yên tâm sáng tạo nghệ thuật. Chia tay hai người thợ già, chúng tôi thầm cảm phục bởi tình yêu nghề của họ và còn sống họ còn làm công việc mà dân chơi ảnh gọi bằng cụm từ mỹ miều “bác sĩ máy ảnh”./.
Bài và ảnh: Viết Dư