Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch tự nhiên

08:07, 03/07/2018

Tỉnh ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú với bờ biển dài 72km từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy. Ngoài những khu du lịch biển quen thuộc với du khách thập phương như Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy), Vườn quốc gia Xuân Thủy, gần đây, tỉnh ta đã có thêm một số điểm du lịch mới dần được khai thác để thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư, góp phần phát triển du lịch của tỉnh.

Bãi biển khu du lịch Rạng Đông (Nghĩa Hưng).  Bài và ảnh: Trần Huy
Bãi biển khu du lịch Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Vùng rừng ngập mặn Nghĩa Hưng thuộc Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Đây là vùng đất ngập nước nằm giữa hai cửa sông Đáy và sông Ninh Cơ (nhánh của sông Hồng). Hệ sinh thái vùng đất ngập nước này khá đa dạng phong phú. Nơi đây là bến đỗ của hàng trăm loài chim quý di cư, chim nước; những cánh rừng ngập mặn, đầm lầy, bãi bồi ven biển và cửa sông; rộng hàng trăm héc-ta với nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, hàu… Hằng năm, nơi đây đón tiếp nhiều khách du lịch nội tỉnh, các tỉnh lân cận và các nhà nghiên cứu... Sinh cảnh rừng ngập mặn cùng với môi trường trong lành lại gần Khu du lịch biển Rạng Đông, trong tương lai nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách. Chị Nguyễn Thanh Thủy (TP Thái Bình) đang nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Rạng Đông cho biết: Gia đình tôi thường chọn các khu du lịch biển của tỉnh Nam Định để nghỉ ngơi, thư giãn vào dịp cuối tuần vì giao thông thuận tiện; giá cả phải chăng; an ninh trật tự đảm bảo; thực phẩm tươi sống… Khu du lịch Rạng Đông đã đem đến cho gia đình tôi những yếu tố mới lạ mà không phải khu du lịch nào cũng có được. Bãi biển ở đây thoải, dài, cát mịn tạo cảm giác an toàn cho du khách đặc biệt là trẻ em. Những cánh rừng ven biển còn giữ được nét hoang sơ và chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình đô thị hóa. Được thiên nhiên ưu đãi, Khu du lịch Rạng Đông đã được UBND tỉnh, huyện Nghĩa Hưng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ mát, tắm biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Từ năm 2005, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch Rạng Đông với tổng diện tích đất gần 200ha, trong đó gần 23% diện tích để xây dựng nhà nghỉ, gần 18% diện tích là khu cây xanh mặt nước, trên 20% diện tích để xây dựng đường giao thông, ngoài ra còn có mương, hành lang bảo vệ đê, đất xây biệt thự sinh thái… Đến tháng 8-2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế biển huyện Nghĩa Hưng” với tổng vốn đầu tư gần 314 tỷ đồng do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư. Dự án gồm các hạng mục xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước thải hiện đại, hệ thống chiếu sáng với 2 trạm biến áp. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dự án phát triển Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Rạng Đông sẽ được đầu tư hạ tầng du lịch kết hợp với hạ tầng Khu kinh tế biển Ninh Cơ để các nhà đầu tư phát triển các cơ sở lưu trú, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, kinh doanh ăn uống hải sản. Theo thiết kế, nơi đây sẽ có bãi tắm biển đẹp, khu nhà nghỉ dưỡng, khu biệt thự sinh thái hiện đại. 

Ngoài ra, tỉnh ta còn có hệ thống sông ngòi khá dày đặc; có khoảng 530,1km sông ngòi; có bốn sông lớn: sông Hồng, sông Đáy, sông Đào và sông Ninh Cơ với tổng chiều dài 251km. Tại Hội thảo xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Nam Định diễn ra vào cuối năm 2017, các nhà nghiên cứu cho biết: Hệ thống sông này kết nối Thành phố Nam Định với nhiều điểm du lịch trong tỉnh, bởi vậy, có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch trên sông để tận dụng lợi thế và những nét đặc sắc của tuyến giao thông tự nhiên, gắn kết các di tích lịch sử - văn hóa dọc các sông, gắn với nền văn minh lúa nước của Việt Nam, kết nối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, ở phần hạ lưu sông Hồng chảy qua Nam Định có tiết diện rộng, dòng chảy chậm, hai bên bờ sông có nhiều bãi bồi, dân cư trồng cây tạo nên cảnh quan thơ mộng, phù hợp với việc phát triển du lịch đường sông. Về phía Nam Định, bên bờ sông Hồng cũng có nhiều di tích danh thắng nổi tiếng. Tiêu biểu như làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực). Từ trên bờ đê sông Hồng nhìn xuống, cả làng, nhà nào cũng trồng cây cảnh, cây thế được uốn tỉa chăm sóc công phu thành các dáng, thế khác nhau tạo nên sự kỳ thú, hấp dẫn du khách. Theo dòng sông Hồng sẽ đến Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy), là vùng lõi số một của Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Một đại diện Trung tâm lữ hành Cty CP TASCO cho biết: Du lịch đường sông Nam Định có nhiều điểm chung thuận lợi để phát triển giống như các thành phố lớn khác như: Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… Kết hợp du lịch đường sông với các loại hình du lịch làng nghề, du lịch văn hóa tâm linh sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với tỉnh. Các điểm tham quan chính dọc theo các tuyến sông trên địa bàn tỉnh gồm: Làng cây cảnh Vị Khê, làng hoa Phù Long (Nam Phong), làng hoa Mỹ Tân (Mỹ Lộc); Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Keo làng Hành Thiện và Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường); Vườn quốc gia Xuân Thủy… Tuy nhiên, để phát triển được loại hình du lịch này, cần xây dựng hệ thống cầu cảng dành riêng cho tàu thuyền du lịch, xây dựng hệ thống báo hiệu đường sông, cải tạo hệ thống cảnh quan bên bờ các con sông... 

Du lịch tự nhiên tỉnh ta hiện vẫn đang trong quá trình định hình phát triển nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Thời gian tới, các ngành chức năng cần căn cứ định hướng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tiếp tục phát huy lợi thế tiềm năng, các nguồn lực, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các vùng du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn, quảng bá, xúc tiến, đưa du lịch thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của tỉnh./.

Bài và ảnh: Trần Huy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com