Trong những năm gần đây, khí hậu biến đổi, thời tiết diễn biến bất thường cùng tác động tiêu cực của con người tới môi trường dẫn tới gia tăng hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ trái đất. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân khiến thời tiết khắc nghiệt hơn mỗi khi vào hè, nắng nóng kéo dài. Đặc biệt, hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” làm cho những khu đô thị trung tâm đông dân cư như Thành phố Nam Định thường có nhiệt độ cao hơn so với khu vực ngoại thành hay các vùng nông thôn khác trên địa bàn tỉnh.
Tuyến đường Điện Biên (TP Nam Định) luôn có nền nhiệt độ cao nhất tại thành phố do thiếu hệ thống cây xanh đô thị. |
Có mặt tại đường Điện Biên từ 12h-15h những ngày nắng nóng qua đo kiểm, nền nhiệt độ trung bình ở đây những ngày cao điểm đều hơn các khu vực khác từ 1-3 độ. Tại một số khu vực khác tại thành phố như các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Đông A nhiệt độ thường xuyên ở mức cao từ 36-39 độ vào ngày nắng đỉnh điểm. Ông Trần Đức Thắng ở số nhà 268, đường Điện Biên cho biết: “Do hệ thống vỉa hè, cây xanh gần như không có, nhà dân liền kề mặt đường cộng với hệ thống điều hòa, mật độ xe lưu thông qua lại nhiều khiến cho hơi nóng từ mặt đường nhựa bốc lên liên tục, không khí ở đây lúc nào cũng rất ngột ngạt. Thời điểm giữa trưa, các cửa hàng, người dân đều phải đóng cửa, hạn chế đi lại, hoạt động để tránh nóng”. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” là hiện tượng nóng lên ở khu vực trung tâm của thành phố hay sự chênh lệch nhiệt độ giữa đô thị lõi với khu vực ngoại ô, nông thôn xung quanh. Hiện tượng tăng nhiệt độ cục bộ này tạo nên khu vực trung tâm như một “ốc đảo”, có nhiệt độ cao hơn các nơi khác nên được gọi là “đảo nhiệt đô thị”. Tại Thành phố Nam Định, đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng nhiệt độ cao cục bộ tại một số khu vực khu dân cư xung quanh các tuyến đường: Điện Biên, Trường Chinh, Giải Phóng, Võ Nguyên Giáp với mức nhiệt cao hơn từ 1-2 độ so với các khu vực khác. Theo các chuyên gia về quy hoạch kiến trúc, giải pháp quan trọng nhất để giảm thiểu hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” là phải có quy hoạch thành phố một cách hợp lý, để từ đó có phương án bố trí mật độ dân cư, hệ thống giao thông, diện tích mặt nước, cây xanh theo quy chuẩn. Hiện tại, để góp phần “giải nhiệt” đô thị, thành phố đang tích cực triển khai nhiều dự án công trình đảm bảo theo định hướng phát triển thành phố “xanh” dọc hai bên sông Đào, như dự án khu dân cư tập trung phía nam sông Đào, phát triển khu du lịch sinh thái ở các xã Nam Vân, Nam Phong; thu hút đầu tư thương mại dịch vụ, khu nghỉ dưỡng dọc hai bên tuyến Đại lộ Thiên Trường, bổ sung các khu dân cư mới với hệ thống kỹ thuật, vỉa hè cây xanh đồng bộ. Tăng cường phát triển các mảng xanh như đảo giao thông, thảm hoa cây xanh dọc các tuyến đường chính, khu dân cư mới như Công viên 25-3 tại Khu đô thị Dệt may, công viên hồ Hàng Nan, hồ Thống Nhất, hồ Lộc Vượng… đảm bảo khu vực nội thành được quy hoạch mở rộng các mảng xanh với tổng diện tích khoảng 179,55ha (chiếm 10,25% diện tích đất xây dựng đô thị) bởi ngoài vai trò điều tiết thành phần khí quyển còn làm giảm sự đốt nóng trực tiếp do bức xạ mặt trời đối với nền bê-tông. Bố trí hài hòa phân bố mật độ giao thông lớn, hạn chế ùn tắc giao thông, phát khí thải ra môi trường vào các giờ cao điểm. Đồng thời, bảo vệ diện tích mặt nước 12 ao hồ trên địa bàn thành phố. Một giải pháp tăng diện tích mặt nước thoáng là xây dựng các bồn nước, đài phun nước giúp tăng lượng nước bốc hơi, giảm sức nóng đô thị. Bên cạnh đó, các yếu tố địa hình và phân bố khoảng cách giữa các tòa nhà cao tầng cũng được thành phố quan tâm điều chỉnh bởi các công trình cao tầng này gây ảnh hưởng đến khả năng lưu thông của gió, khả năng hấp thụ nhiệt cũng như khả năng phát xạ khí thải vào môi trường. Ngoài ra, thành phố còn tích cực khuyến khích người dân, doanh nghiệp “xanh hóa” các ngôi nhà, công trình tạo các mảng xanh trên mái nhà, dọc các bức tường, hành lang, sân thượng hoặc sử dụng các loại vật liệu xây dựng, mái che thông minh, tán nhiệt tốt, thân thiện với môi trường (gạch không nung, tôn cách nhiệt, tấm ốp tường 3D)... Đây cũng là một xu hướng mới về kiến trúc giúp giải quyết triệt để hiện tượng gia tăng nhiệt tại đô thị. Anh Trần Tuấn Anh, Giám đốc Cty CP Tư vấn xây dựng Trường Thọ (TP Nam Định) cho biết: “Phát triển các mảng xanh ở các tòa nhà, doanh nghiệp hay các hộ gia đình đem lại cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Với các hộ dân cư, những khu vườn trên mái nhà giúp chống nóng, làm tăng tuổi thọ của mái nhà. Bên cạnh đó, trồng cây trên sân thượng làm giảm khí CO2 phát ra môi trường, giúp hạ nhiệt bầu không khí vào mùa nóng, hỗ trợ giảm tải phần lớn cho hệ thống cống rãnh thoát nước mưa của thành phố, tạo vùng khí hậu ổn định và góp phần tạo nên một môi trường đô thị trong lành”. Hiện tại, nắm bắt nhu cầu trồng hoa, cây cảnh trang trí nhà, nhiều hộ làm vườn tại vùng trồng hoa, cây cảnh các xã: Tân Thành, Thành Lợi, Đại Thắng (Vụ Bản) và xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) và Nam Phong (TP Nam Định) đã tích cực nhập và phát triển sản xuất các loại giống cây, hoa phù hợp. Đối với cây cảnh, chủ yếu các loại cây có lợi cho sức khỏe, lọc không khí như lan Ý, lan nhện, ngũ gia bì, vạn niên thanh, phát lộc, phát tài, thường xuân... Để tạo bóng mát hoặc giảm thiểu nhiệt từ mặt trời vào ngôi nhà, có các loài hoa dây leo phù hợp như hoa hồng leo, hoa tử đằng, hoa giấy, hoa ti-gôn, thiên lý, tầm xuân… Nhờ các giải pháp tích cực, tỷ lệ diện tích đất cây xanh trên đầu người tại thành phố đã tăng lên đáng kể. Năm 2018, diện tích đất cây xanh toàn thành phố bình quân đạt 25 m2/người, đất cây xanh công cộng khu vực nội thành 10 m2/người.
Thời gian tới, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác điều chỉnh quy hoạch thành phố, phát triển các mảng xanh đô thị, xây dựng chiến lược cụ thể, rõ ràng về phân bố hệ thống các khu dân cư mới, trung tâm thương mại, công viên mới trên địa bàn. Đẩy mạnh xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp đầu tư quản lý cây xanh tại các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất. Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ và phát triển không gian xanh ở các khu dân cư, tạo môi trường sống tốt hơn cho các khu dân cư, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu; hiệu ứng nhà kính./.
Bài và ảnh: Đức Toàn