Những lần tác nghiệp trong bão

07:06, 20/06/2018

Thấm thoát đã gần 15 năm tôi gắn bó với nghề báo. Qua từng chuyến đi, hằng ngày có, dài ngày có, biển, đảo có, tôi dần trưởng thành. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là những lần đi làm tin về bão. Gần đây là những cơn bão: Sơn Tinh (bão số 8 ngày 28-10-2012); Hải Yến (bão số 14 ngày 10-11-2013) và các cơn bão số 1, số 3 năm 2016.

Phóng viên Báo Nam Định nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng ảnh báo chí.
Phóng viên Báo Nam Định nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng ảnh báo chí.

Năm 2016 cơn bão số 1 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta từ đêm ngày 26 đến rạng sáng ngày 27-7. Với sức gió mạnh cấp 11, 12 và giật trên cấp 12 kèm theo mưa lớn, bão số 1 đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh ta. Hàng loạt nhà dân bị tốc mái, hàng trăm cây xanh ở Thành phố Nam Định và các huyện ven biển như Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng... bị gãy đổ. Diện tích lúa mùa mới cấy bị ngập, úng hoặc gãy dập do mưa bão lên đến hàng nghìn ha. Trước khi cơn bão đổ bộ, khi nghe thông tin dự báo tôi đã cẩn thận kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ: máy ảnh, máy tính xách tay sạc đầy pin; pin dự phòng cũng được sạc đầy; điện thoại sẵn sàng nhận lệnh của Ban Biên tập. Và may mắn thay, sự cẩn thận của tôi là không thừa vì sau khi bão tan, do bị ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão, Thành phố Nam Định và nhiều địa phương trong tỉnh bị mất điện trong vài ngày nhưng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ ghi nhận và cập nhật hình ảnh về thiệt hại của cơn bão số 1 tại khu vực Thành phố Nam Định. Đến sáng ngày 31-7-2016, tôi nhận được lệnh của Ban Biên tập phân công làm tin sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ về kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 1 tại tỉnh ta. Từ sáng sớm, tôi đã có mặt tại Trạm bơm Cốc Thành (Vụ Bản) để làm các thủ tục an ninh và đợi Đoàn công tác của Thủ tướng. Ít phút sau, Thủ tướng và Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác vận hành máy bơm tiêu úng; sau đó Thủ tướng kiểm tra tình hình ngập úng lúa, hoa màu và điểm sạt lở kè Quy Phú trên đê Hữu Hồng (Nam Trực); các công trình thủy lợi xung yếu của Thành phố Nam Định và làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về công tác khắc phục hậu quả sau bão. Trong cơn bão số 1, mặc dù bị bất ngờ do các thông tin dự báo không đúng với cường độ, hướng đổ bộ của cơn bão nhưng nhờ chuẩn bị kỹ và rút kinh nghiệm từ những lần làm thời sự bão trước đây tôi đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cơn bão số 1 tan chưa lâu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương lại thông tin nguy cơ cơn bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta. Để chủ động thông tin, liên tục cập nhật diễn biến và công tác phòng, chống cơn bão số 3, lần này Ban biên tập cử tôi và 2 phóng viên nữa trực tiếp “ém quân” tại 3 huyện ven biển để tác nghiệp. Tôi được cử về huyện Nghĩa Hưng, “nằm vùng” ở xã Nghĩa Thắng, nơi có cửa Lạch Giang và tuyến đê biển dài 600m, trọng điểm xung yếu nhất toàn huyện. Sáng 18-8-2016, tôi đã có mặt tại trụ sở UBND huyện Nghĩa Hưng, sau đó về xã Nghĩa Thắng tranh thủ tìm hiểu được đầy đủ tư liệu về tình hình chủ động phòng chống cơn bão số 3, những vấn đề xung quanh điểm xung yếu của huyện Nghĩa Hưng. Khoảng 9 giờ cùng ngày, chúng tôi nhận được thông tin đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và Đoàn công tác của Tỉnh ủy đang chuẩn bị về kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Nghĩa Hưng. Tôi vội vàng vớ lấy chiếc áo mưa bọc máy ảnh rồi lao ra xe theo Đoàn. Lúc này, sức gió chưa mạnh nhưng mưa xối xả, xe không thể đi nhanh được. Ra đến đê biển xã Nghĩa Thắng, người ướt sũng nước mưa nhưng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ vì máy ảnh đã được bọc cẩn thận trong áo mưa. Thật may mắn, cơn bão số 3 đã suy yếu trước khi đổ bộ vào đất liền; bên cạnh đó, nhờ rút kinh nghiệm trước cơn bão số 1 nên công tác phòng chống và di dân vùng nguy hiểm đã được tỉnh và các huyện thực hiện nghiêm nên tình hình thiệt hại giảm nhiều so với lần trước. 

Nghề báo, khi có sự kiện quan trọng, phóng viên tuy vất vả nhưng lại có cơ hội trưởng thành cả về nghề, vốn sống. Và mỗi lần khắc phục được khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ lại được bồi đắp thêm cảm hứng và lòng yêu nghề!

Bài và ảnh: Thành Trung   



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com