Là phóng viên trẻ theo dõi mảng văn hóa, mỗi lần viết về những đội chèo ở các làng quê trong tỉnh luôn để lại trong tôi nhiều cảm xúc và kỷ niệm khó quên.
Về huyện Xuân Trường - một địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, tôi được đồng chí Trưởng phòng VH-TT huyện giới thiệu về xã Xuân Ninh - nơi có đội chèo Hưng Nhân hoạt động sôi nổi. Thời điểm đang vào vụ thu hoạch lúa xuân gặp chị Đỗ Thị Quý, đội trưởng của đội chèo Hưng Nhân, đồng chí cán bộ văn hóa xã giới thiệu có phóng viên của Báo Nam Định về tìm hiểu viết về đội chèo. Gạt vội những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên khuôn mặt, chị Quý khẳng định sẽ huy động được toàn bộ thành viên của đội. Quả nhiên, sau hơn 30 phút chờ đợi, chúng tôi chứng kiến cảnh các thành viên trong đội chân tay còn lấm lem bùn đất rồi mỗi người về nhà thay trang phục như một buổi biểu diễn đúng nghĩa. Hơn 1 tiếng sau, 21 thành viên của đội có mặt, các nhạc cụ cũng được mang ra đầy đủ sẵn sàng biểu diễn một số tiết mục “tủ” của đội để phóng viên có cảm nhận đầy đủ về đội chèo. Địa điểm chúng tôi chọn biểu diễn là nhà văn hóa xóm 3, thôn Hưng Nhân và mặc dù không thông báo trước nhưng đã có nhiều khán giả trong thôn đến xem, có người còn mặc nguyên bộ quần áo lao động. Sau khi xem xong 2 trích đoạn, tiếng khán giả hò reo cổ vũ không ngớt. Đồng chí bí thư chi bộ thôn Hưng Nhân giải thích lý do có buổi biểu diễn bất thường này và giới thiệu phóng viên có đôi lời với đội chèo và bà con. Câu đầu tiên tôi cảm ơn đội chèo Hưng Nhân, bà con nhân dân và các đồng chí cán bộ thôn Hưng Nhân đã nhiệt tình giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ. Qua quá trình tìm hiểu và viết bài về đội chèo Hưng Nhân, tôi đã cảm nhận được sự lạc quan, yêu đời của những người dân vượt lên nghèo khó. Tình yêu nghệ thuật đã thấm vào tâm hồn người dân Hưng Nhân, có sức lan tỏa sâu rộng đến thế hệ nối tiếp, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương, đất nước.
Tác giả trong một lần tác nghiệp ở huyện Xuân Trường. |
Cũng ở huyện Xuân Trường, đội chèo Nam Phú, xã Xuân Tân đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về một cán bộ văn hóa xã nhiệt tình với phong trào văn nghệ quần chúng. Đó là anh Nguyễn Văn Hiến (36 tuổi). Tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Nam Định, Khoa Đạo diễn sân khấu năm 2003, là công chức văn hóa - xã hội xã, anh còn là thành viên của đội chèo thôn Nam Phú. Với thế mạnh về sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc và giọng ca ngọt ngào, anh là diễn viên chính trong các vở diễn của đội. Qua trò chuyện, tôi tâm đắc với trăn trở của anh: Người “làm” công tác văn hóa mà để văn hóa quê hương xuống cấp, các làn điệu truyền thống mai một thì có tội với tiền nhân. Trong đội chèo Nam Phú còn có ông Đinh Quốc Việt là thầy giáo dạy nhạc từ năm 1966. Năm 1970 ông nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Rời chiến trường, ông tiếp tục về quê làm giáo viên dạy nhạc. Là người âm thầm truyền dạy nhạc cho các học trò, ông không muốn tên tuổi của mình được đăng trên báo bởi trong suy nghĩ của ông những việc ông làm rất đỗi bình thường. Tôi thuyết phục: “Cháu muốn những người khác biết việc làm của bác để noi gương, hiệu ứng xã hội sẽ giúp lan tỏa những việc làm tốt như bác và biết đâu sẽ có thêm nhiều người mở lớp dạy nhạc miễn phí như bác, giúp đỡ nhiều em đam mê nghệ thuật tiếp tục thực hiện ước mơ...”. Nghe vậy, ông mới mở lòng tâm sự về quá trình sáng tác, dàn dựng bài hát cho các nhà trường; trong đó có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ, hội diễn của ngành GD và ĐT. Tiêu biểu như tiết mục “Giao Tiến quê em” giải nhì toàn quốc; “Đảng cho em mãi mãi mùa xuân” giành giải nhất tỉnh năm 1982… Hằng năm, tại nhà ông Đinh Quốc Việt luôn có nhiều học trò các lứa tuổi theo học. Trong các buổi sinh hoạt vào dịp hè, đội chèo Nam Phú đều tổ chức dạy các cháu thiếu niên, nhi đồng một số làn điệu chèo.
Huyện Mỹ Lộc cũng có một đội chèo nổi tiếng đã đi vào thơ của nhà thơ Nguyễn Bính: “Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay...”. Câu thơ đó đã thôi thúc tôi về xã Mỹ Hưng để tìm hiểu về nghệ thuật chèo truyền thống nơi đây. Những người từng ở chiếu chèo Đặng Xá nổi tiếng một thời hiện nay tuy đã cao tuổi nhưng vẫn quy tụ thành lập nên đội chèo làng Thượng. Đội duy trì biểu diễn vào các dịp hội làng tháng Giêng, kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ (19-5), Quốc khánh (2-9), Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10)… Những tiết mục đặc sắc được đội dàn dựng công phu như: “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” (hát sử nữ) và các làn điệu chèo như: “Tình quê hương”, “Thành phố tên vàng”, “Đất nước tươi đẹp”, “Ơn Đảng”... đã thôi thúc niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào Đảng, Bác Hồ kính yêu, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân cùng chung tay xây dựng NTM. Cụ Đặng Mạnh Yêu (84 tuổi) - người cao tuổi nhất đội chèo làng Thượng trăn trở: “Thực tế hiện nay, việc truyền nghề và đào tạo lớp diễn viên kế cận không dễ bởi ít người trẻ tuổi có lòng đam mê và tâm huyết với những làn điệu chèo”. Sau khi bài báo “Hiệu quả mô hình câu lạc bộ trong xây dựng đời sống văn hoá ở Mỹ Hưng” được đăng, tôi nhận được cuộc điện thoại cám ơn từ đại diện của đội chèo. Thật vui sau khi bài báo đăng, đội chèo làng Thượng đã có thêm một số thành viên mới. Niềm vui và hạnh phúc nhất của người làm báo là bài viết có tác dụng tích cực tới cộng đồng.
Qua mỗi bài viết về văn hóa văn nghệ, tôi lại được sống trong những làn điệu chèo mượt mà đầm ấm trữ tình. Tôi cảm nhận đó là sự bồi đắp kiến thức nghệ thuật nhanh và hiệu quả nhất với những người làm báo./.
Bài và ảnh: Viết Dư