[links()]
(Tiếp theo kỳ trước)
II. Xúc động tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ
Trong hải trình 10 ngày lênh đênh trên Biển Ðông, Ðoàn công tác của tỉnh Nam Ðịnh đã tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trước đảo Gạc Ma và tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Nhớ các anh, những giọt nước mắt nghẹn ngào đã tuôn rơi hòa theo khói hương trầm nghi ngút cuồn cuộn như muốn hoà vào lòng biển cả!
Giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, ngay từ 6 giờ sáng ngày 30-4-2018, mọi người trên tàu HQ 571 đã ăn mặc chỉnh tề, xếp hàng ngay ngắn tại boong tàu dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Phía trước là cụm đảo Cô Lin, Len Ðao và Gạc Ma. Trong khúc nhạc hồn tử sĩ, lễ văn do đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân trình bày khẳng định: Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Mỗi tảng san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt. Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đời đời trân trọng, ghi lòng tạc dạ những công lao hy sinh vô bờ bến vì sự toàn vẹn của giang sơn gấm vóc và vì thế đứng kiêu hãnh của Tổ quốc nơi tuyến đầu Trường Sa... Trước ý đồ độc chiếm Biển Ðông, ngày 14-3-1988, tàu chiến có trang bị vũ khí hiện đại của Trung Quốc đã bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam, đánh chiếm một số hòn đảo của nước ta. Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển đảo Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, bộ đội Hải quân bao gồm cán bộ, chiến sĩ trên các tàu vận tải và những người lính công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh nhưng đã mưu trí, dũng cảm, thực hiện đúng đối sách nhằm kiềm chế đến mức tối đa sức mạnh của địch. Trong cuộc chiến không cân sức đó, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2; của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Dù biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo. Trong cuộc chiến đó, nhiều chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống: Trung tá Trần Ðức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Ðại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ 604. Trước sự tấn công ác liệt của kẻ thù, các anh vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Càng cảm phục hơn khi anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”. Thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm.
Nghi lễ thả hương hoa xuống biển để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa. |
Cuộc chiến đấu rạng sáng ngày 14-3-1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu lặng không bao giờ phai trong tâm khảm của người Việt. Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Máu của các anh đã hòa cùng biển, đảo quê hương, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau luôn ghi nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Các anh ra đi thật thanh thản và rất đỗi vinh quang. Song, để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con đang ngày đêm bên cánh cửa đợi trông, mong các anh trở về. Chia sẻ nỗi đau đó, nhiều năm qua, Ðảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang cố gắng làm hết sức mình tìm kiếm phần thi thể các anh. Song, biển thì rộng và sâu, sức người lại có hạn nên đến nay nhiều đồng chí vẫn đang nằm lại dưới đáy biển lạnh lẽo. Niềm thương, nỗi nhớ ấy bao giờ khỏa lấp!
Sau sự kiện ngày 14-3-1988, trước âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài, ngày 7-5-1989, Ðảng, Nhà nước ta quyết định thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam, trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Gần 30 năm trôi qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn DK1 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 trực tiếp chốt giữ, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn, đối mặt với mọi hành động xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời chịu muôn vàn khó khăn, gian khổ của thiên tai. Trong tâm trí mỗi người lính Nhà giàn DK1 vẫn không thể nào quên những trận cuồng phong dữ dội vào những năm 1990, 1996, 1998 và 2000. Bão tố với sức tàn phá khủng khiếp đã làm đổ một nhà giàn, nơi cán bộ, chiến sĩ đang có mặt thực hiện nhiệm vụ, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, 3 đồng chí đã mãi mãi không trở về. Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, những người lính hải quân đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Ðảng, Tổ quốc, nhân dân; phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, của Quân chủng anh hùng, bình tĩnh, kiên cường bám trụ với tinh thần “còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”.
Giữa biển trời mênh mông, đoàn công tác trên tàu HQ 571 đã lặng lẽ dâng nén hương thơm, thả vòng hoa xuống biển nhằm tưởng nhớ, tri ân công sức, mồ hôi, xương máu của các liệt sĩ. Ðại tá Ðinh Quang Trung, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nam Ðịnh chia sẻ: Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình nhưng Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển đặt lên vai người chiến sĩ hải quân trách nhiệm lớn lao trước Ðảng, Tổ quốc, nhân dân. Ðất nước đã hoà bình nhưng vẫn còn những người lính ngã xuống vì chủ quyền biển, đảo. Sự hy sinh, cống hiến của các anh để Trường Sa trường tồn và phát triển, xứng đáng là nơi tiền tiêu của Tổ quốc thân yêu./.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Xuân Thu