Tháng hành động vì ATTP năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Mục tiêu của Tháng hành động là tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP). Đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; qua đó giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Thời gian triển khai Tháng hành động từ ngày 15-4 đến ngày 15-5-2018 trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong Tháng hành động các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh chiến dịch truyền thông và thanh tra, kiểm tra ATTP. Công tác truyền thông được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Toàn tỉnh đã treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu, in sao trên 200 đĩa tuyên truyền, phát 10 nghìn tờ rơi, tổ chức phát 30 lần các thông điệp tuyên truyền trên sóng truyền hình, trên 3.100 lần trên hệ thống loa truyền thanh đăng hàng chục tin, bài về hoạt động đảm bảo ATTP trên Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh… Công tác tuyên truyền còn hướng đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; người tiêu dùng thực phẩm thông qua đội ngũ cán bộ của các ban, ngành, đoàn thể với nhiều các hình thức như: hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng, hội thi cộng tác viên…
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại một siêu thị trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Cũng trong Tháng hành động, công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành trên phạm vi toàn tỉnh, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Toàn tỉnh đã tổ chức 242 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành (3 đoàn cấp tỉnh, 10 đoàn cấp huyện, thành phố, 229 đoàn cấp xã, phường, thị trấn); đã tổ chức thanh tra, kiểm tra trên 4.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Trong đó, riêng 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP cấp tỉnh đã kiểm tra thực tế tại hơn 30 đơn vị là cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa bàn Thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Trực Ninh, Giao Thuỷ, Ý Yên, Xuân Trường. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, nội dung kiểm tra tập trung, đánh giá việc triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2018 và Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP; việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về ATTP tại từng địa phương; việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra tập trung xem xét các nội dung: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy chứng nhận sức khoẻ, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hồ sơ công bố hợp quy/công bố phù hợp quy định ATTP đối với những sản phẩm phải công bố, hồ sơ sản phẩm được cơ quan chức năng xác nhận (nếu có); nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; hồ sơ theo dõi về sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ đối với thực phẩm… Trong quá trình thanh tra, kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo quy định khi cần thiết, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy công tác quản lý đảm bảo ATTP đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, đã tạo chuyển biến toàn diện về quản lý ATTP; trách nhiệm của các ngành, các cấp được tăng cường, có sự phân công, phân cấp rõ ràng hơn. Các ngành chức năng, MTTQ và các tổ chức đoàn thể thành viên như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, LĐLĐ… đều đã xây dựng được kế hoạch triển khai Tháng hành động; 100% các địa phương đều đã kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, xử phạt nghiêm hơn, nhất là tuyến tỉnh. Đơn cử, tại nhà hàng Golden Palace (TP Nam Định), do có những vi phạm như không tập huấn kiến thức về ATTP, không khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, thực hành vệ sinh chưa đầy đủ…, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh đã xử phạt cơ sở hơn 4 triệu đồng. Công tác ATTP tại các trường học, đặc biệt là tại các trường học trên địa bàn Thành phố Nam Định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bếp ăn tập thể các trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, khám sức khỏe định kỳ cho người chế biến thực phẩm, chế độ ăn của học sinh cũng được gia đình và nhà trường quan tâm nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các cháu.
Tuy nhiên, qua Tháng hành động VSATTP 2018 vẫn còn một số tồn tại như: Các cơ sở vi phạm nhiều nhưng tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý chưa cao, nhất là tại tuyến huyện, tuyến xã. Các lỗi vi phạm chủ yếu là thực hành vệ sinh, điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người, chất lượng sản phẩm thực phẩm chưa đảm bảo; không có giấy chứng nhận kiểm dịch; vi phạm về nhãn mác… Tại một số nhà hàng, bếp ăn tập thể, khâu thu mua nguồn nguyên liệu thực phẩm ban đầu cũng như việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ thực phẩm còn hạn chế. Một số cơ sở nhân viên phục vụ chưa tuân thủ trang bị bảo hộ lao động theo quy định. Việc vệ sinh dụng cụ chế biến thực phẩm, đựng thực phẩm còn cẩu thả, chưa sạch sẽ. Nhân lực thực hiện công tác đảm bảo ATTP tuyến cơ sở còn mỏng, nhất là tuyến xã. Thời gian tới Ban chỉ đạo VSATTP các cấp cần tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 34/2014/CT-TTg, Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ATTP. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, đặc biệt là các quy định trong đảm bảo ATTP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết những vi phạm về ATTP. Đẩy mạnh hoạt động vận động, giám sát của các tổ chức chính trị xã hội vào công tác đảm bảo ATTP./.
Bài và ảnh: Minh Thuận