(Tiếp theo và hết)
Tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập ngắn ngày ở nước ngoài cho nông dân là phù hợp xu thế và là giải pháp hữu hiệu để góp phần thay đổi về chất cho lực lượng lao động nông nghiệp, từ đó đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cả phía cơ quan quản lý và người nông dân để các chuyến đi đạt hiệu quả thiết thực.
II. Những vấn đề đặt ra
Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, gắn với thực tế nhu cầu chính đáng được theo học nghề nông tại nước ngoài của người dân và chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực khoa học nông nghiệp với Trường Đại học Mi-na-mi Ky-u-su thuộc tỉnh Mi-i-a-gia-ki (Nhật Bản), UBND tỉnh đã có kế hoạch chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao chuyên ngành nông nghiệp theo phương pháp mới. Đồng thời giao cho Cty CP Đầu tư thương mại Biển Đông (Hải Hậu) là đại diện pháp lý, phối hợp với Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nhật tại Nam Định tổ chức đào tạo tiếng Nhật và tuyển sinh người lao động đi học tập và lao động tại Nhật Bản.
Các cán bộ kỹ thuật của Sở NN và PTNT học nghề nông tại tỉnh Mi-i-a-gia-ki (Nhật Bản). Ảnh: Do Sở NN và PTNT cung cấp |
Đối tượng tham gia tuyển chọn học tập, làm việc tại Nhật Bản là nông dân, cán bộ quản lý, xã viên hợp tác xã, tổ hợp tác, các trang trại, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tham gia lao động học tập tại Nhật Bản. Nội dung trọng tâm các học viên học tập tại Nhật Bản tập trung vào các nhiệm vụ: xây dựng nông thôn mới hiệu quả; mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, quản lý trang trại với quy mô lớn, hiệu quả; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản an toàn; gắn kết sản xuất nông nghiệp từ sản xuất, sơ chế, bảo quản đến thiết kế bao bì, lô-gô, nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Triển khai đề án, Cty CP Đầu tư thương mại Biển Đông đã hoàn thiện việc xây dựng văn phòng xúc tiến hợp tác của tỉnh Mi-i-a-gia-ki và Trường Đại học Mi-na-mi Ky-u-su tại Thành phố Nam Định. Đồng thời, Cty đã phối hợp với Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nhật tại Nam Định chọn cử 35 lao động có đủ điều kiện đi học tập, lao động tại Nhật bản. Ngay trong tháng 4-2018, Văn phòng đại diện xúc tiến thương mại Nam Định - Nhật Bản được khai trương và quý II năm 2018 những học viên đầu tiên sẽ được hoàn tất thủ tục đi học nghề nông tại Nhật Bản. Song song với chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Nhật Bản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tiếp tục tạo điều kiện cho các cán bộ kỹ thuật, người lao động tham gia học tập ở các chuyên ngành khác như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng hoa, cây cảnh… Tuy nhiên để tổ chức được những chuyến đi mang hiệu quả kinh tế và xã hội cao cho nhiều đối tượng, ở nhiều quốc gia khác nhau là rất khó, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, các cán bộ kỹ thuật và người lao động cần tập trung đầu tư, xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp cho từng vị trí công việc. Trong đó, đối với cơ quan quản lý Nhà nước cần nắm chắc nhu cầu của người lao động, từ đó xây dựng chương trình học tập cụ thể và tư vấn, định hướng giúp họ tìm mô hình học tập phù hợp. Tổ chức việc đi ra nước ngoài học tập theo từng chuyên đề riêng phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của các chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản) giúp các học viên cụ thể hóa từng vấn đề nghiên cứu, học tập để khi về dễ vận dụng vào thực tế sản xuất. Gắn việc học tập kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ với việc tìm kiếm cơ hội trao đổi sản phẩm mà hai bên có thế mạnh để kết nối tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, cần hướng dẫn hỗ trợ học viên kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro phát sinh trong quá trình học tập, lao động ở nước ngoài. Chi phí cho các chuyến đi không nhỏ nên các ngành chức năng cũng cần tích cực đàm phán ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao chuyên ngành nông nghiệp; vận dụng tối đa nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình đào tạo nghề, các tổ chức quốc tế cũng như vận dụng mối quan hệ ngoại giao để hỗ trợ điều kiện ăn ở, đi lại, học tập cho các học viên. Đồng thời huy động sự vào cuộc của các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp hỗ trợ chia sẻ một phần gánh nặng kinh phí cho cán bộ kỹ thuật và người lao động. Đối với mỗi học viên phải chủ động trang bị cho mình những kiến thức thiết yếu để chuyến đi hiệu quả. Trong đó phải chủ động xác định rõ mục tiêu học tập tại nước ngoài; chuẩn bị sức khỏe để có thể tham gia đầy đủ lịch trình học tập, di chuyển và thực hành tại các mô hình sản xuất; trang bị kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, văn hóa bản địa để thuận lợi trong quá trình học tập, hiểu cặn kẽ bản chất vấn đề mình được tiếp cận. Từng tham gia chuyến học tập tại Nhật Bản, Chủ tịch UBND xã Yên Cường (Ý Yên) Nguyễn Văn Triển coi đây là bước ngoặt quan trọng trong việc việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lại sản xuất ở địa phương. Là lãnh đạo địa phương, ông từng rất trăn trở khi sản phẩm rau màu của địa phương luôn trong tình trạng “được mùa mất giá”, sản phẩm bị tư thương ép giá, không tiêu thụ được, trong khi các siêu thị lớn trên toàn quốc luôn thiếu sản phẩm người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao... Ông cho biết: “Mục tiêu sang Nhật của tôi là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi muốn sản xuất rau đủ tiêu chuẩn phải làm gì và bắt đầu từ đâu? Tôi đã tìm ra câu trả lời và vận dụng chỉ đạo tại địa phương”. Đến nay, mô hình sản xuất phân hữu cơ để cải tạo tăng độ phì cho đồng ruộng của xã đã bước đầu thành công, mang lại hiệu quả cao. Còn chị Phạm Thị Nga, xã Yên Dương (Ý Yên) cho rằng: Là người trực tiếp sản xuất, lại được tham gia nhiều dự án trồng rau công nghệ cao, vấn đề mà tôi quan tâm khi sang Nhật học là làm sao thuyết phục được cả cộng đồng cùng làm tham gia trồng rau công nghệ, cùng tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn để có thể tham gia chuỗi tiêu thụ mới mong nâng tầm giá trị nông sản. Tôi học được cách làm thật tốt tại diện tích của mình, không giấu nghề, giữ bí quyết mà tận tình hướng dẫn các hộ có nhu cầu làm theo. “Hữu sạ tự nhiên hương”, nhiều hộ dân khác cùng chí hướng chủ động tìm đến học hỏi và làm theo, không cần tổ chức vận động rầm rộ mà hiệu quả lại rất cao.
Làm tốt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện tối đa cho các cán bộ kỹ thuật, người lao động đi học nghề nông ở nước ngoài là cách làm sáng tạo nhằm tạo “hạt giống” tốt để nhân rộng điển hình tiên tiến trong sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đây chính là cách tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và tiệm cận với việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh ta./.
Nguyễn Hương