Trong những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại vùng đất được khai phá từ xa xưa, lần lượt mang các tên Kim Tông, rồi Chấn Hưng, Chấn An, nay là Yên Trị, chúng tôi được chứng kiến sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng quê từng được xem là “vùng trũng” của huyện Ý Yên. Có được thành quả đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã luôn phát huy truyền thống, ý chí cách mạng, tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng quê hương.
Đi trên những con đường NTM rộng thênh thang, phẳng lì ở các thôn Tướng Loát, Vĩnh Trị, Trại Trong, Hạc Bổng, Ngọc Chấn... chúng tôi cảm nhận rõ nét sự “thay da, đổi thịt” của vùng quê nghèo xưa. Toàn xã có gần 30 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất đang hoạt động hiệu quả. Những ngôi nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát. Cả 11 thôn trong xã đều có nhà văn hóa thôn được xây mới, sửa chữa khang trang sạch đẹp phục vụ bà con sinh hoạt cộng đồng. Khu trung tâm xã được quy hoạch, chỉnh trang bề thế... Bộ mặt NTM với một diện mạo vừa hiện đại vừa thân thiện. Trò chuyện về sự đổi thay của quê hương có thể nhận thấy nét phấn khởi, tinh thần cách mạng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vốn được hun đúc và trao truyền qua các thế hệ người dân nơi đây. Lịch sử Đảng bộ địa phương ghi nhận truyền thống cách mạng như mạch nguồn chảy mãi trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân của vùng đất được “bao bọc” bởi dòng sông Đáy. Là vùng giáp ranh với tỉnh Ninh Bình và các huyện phía nam của tỉnh nên trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Yên Trị luôn được xác định là địa bàn trọng điểm để “trung chuyển”, bảo đảm an toàn, bí mật cho các phong trào cách mạng. Cùng với vị trí chiến lược, ý chí cách mạng của người dân Yên Trị còn được hun đúc, rèn giũa từ quá trình “trị thủy, quai đê lập ấp” của mình. Không lâu sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (ngày 19-12-1946), ngày 15-6-1947 chi bộ Đảng đầu tiên của xã được thành lập để lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào cách mạng của địa phương. Có tổ chức Đảng tiên phong dẫn đường, các phong trào cách mạng của nhân dân Yên Trị ngày một trưởng thành và có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Trị đã tiễn hàng trăm thanh niên ưu tú lên đường vào Nam chiến đấu. Ở quê nhà, với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”, các phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Ba hăng hái” của phụ lão, “Tay cày, tay súng” của dân quân du kích được phát động mạnh mẽ và phát triển rộng khắp các thôn, xóm đã góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thống nhất đất nước, non sông thu về một mối...
Một góc NTM Yên Trị. |
Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, đất nước, trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Yên Trị đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, tạo nên những chuyển biến căn bản, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đến nay hệ thống công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường, trạm y tế, nước sạch sinh hoạt đã được xây dựng ở khắp các thôn. Hệ thống đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa tới từng dong ngõ. Tất cả 11 thôn đều có nhà văn hóa, trong đó có 6 thôn là: Tướng Loát, Vĩnh Trị, Trại Trong, Xóm Giữa, Xóm Giáo và Thư Nghiệp xây dựng mới; các thôn còn lại sửa chữa, nâng cấp. Các nhà văn hóa đều đạt chuẩn NTM đáp ứng yêu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí của nhân dân ở các khu dân cư. Cả 3 trường học của xã đều đã đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế, Nghĩa trang liệt sĩ, chợ của xã được quy hoạch, xây dựng khang trang… Việc phát triển và xây dựng phong trào văn hóa cơ sở luôn được coi trọng nhằm xây dựng nền tảng tinh thần tiến bộ, bồi dưỡng đạo đức, ý chí cách mạng, nếp sống văn hóa mới cho người dân. Đánh giá về những thành quả đạt được trong những năm qua, đồng chí Vũ Đình Được, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trị khẳng định: Để tạo nên những đổi thay đó, Đảng bộ, chính quyền xã qua các thời kỳ đã đề ra các nghị quyết chuyên đề “đúng và trúng” để lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó chú trọng thu hút mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng điện, đường, trạm bơm tưới tiêu, cứng hóa hệ thống kênh mương nội đồng và củng cố, nâng cấp hệ thống bờ vùng, bờ thửa để chống ngập úng, phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tính đến hết năm 2017, xã đã huy động được trên 44 tỷ đồng đầu tư xây dựng và hoàn thiện 19/19 tiêu chí NTM. Nhằm tạo chuyển biến rõ nét về cơ cấu kinh tế của địa phương, Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển CN-TTCN, làng nghề; trong đó ưu tiên dành quỹ đất, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất xây dựng nhà xưởng, kho bãi phát triển công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đến nay toàn xã có 28 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, thu hút và tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 3.500 lao động tại địa phương và các xã lân cận với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Trong sản xuất nông nghiệp, xã tập trung quy hoạch thành các vùng chuyên canh tập trung với 2 mô hình sản xuất chính là chuyên màu và lúa + cá, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Tại các vùng quy hoạch đã có những mô hình chuyên canh lúa + cá cho hiệu quả cao như gia đình các ông: Hoàng Văn Nga, Hoàng Văn Tụng ở thôn Vĩnh Trị... UBND xã đã quy hoạch vùng chuyển đổi sản xuất từ vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản với quy mô khoảng 320ha. Để bảo đảm sản xuất thành công, xã thường xuyên mở các lớp tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi để người dân áp dụng vào thực tế sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả, tăng thu nhập. Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm hiệu quả cũng đã được nhân rộng tại các thôn trong xã. Sản xuất phát triển khá toàn diện nên trên 90% người lao động trong độ tuổi của xã có việc làm ổn định. Giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề tăng nhanh, chiếm tỷ trọng tới 60% cơ cấu kinh tế của xã. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 84,24%. Hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 2,03%, giảm 3,96% so với năm 2016.
Phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Trị sẽ luôn nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh, sự kỳ vọng của những thế hệ đi trước./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại