Sức bật Hải Triều

07:04, 27/04/2018

Là vùng đất nơi đầu sóng, trải qua 3 thế kỷ vật lộn với sóng gió, 4 lần dời đê chế ngự thiên tai, lập đất, giữ làng rồi kiên cường chiến đấu chống ngoại xâm, nhân dân xã Hải Triều (Hải Hậu) đã đoàn kết, quả cảm, nhẫn nại, cần cù, sáng tạo để xây dựng và bảo vệ quê hương. Miền quê cách mạng ấy giờ đây đã trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Trong khí thế hào hùng mừng ngày chiến thắng 30-4 lịch sử và Quốc tế Lao động 1-5, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên mỗi nóc nhà, mỗi con thuyền đang chuẩn bị ra khơi; gặp và trò chuyện với những người dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sức dân giàu mạnh và niềm tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong thời chiến cũng như trong công cuộc đổi mới dựng xây quê hương, đất nước hôm nay.

Hải Triều ngày ấy…

Hải Triều xưa thuộc vùng Quần Phương hạ với hơn 5.000 khẩu, trong đó có 66,9% đồng bào Công giáo. Trước Cách mạng Tháng Tám, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đời sống nhân dân bị áp bức, bót lột vô cùng đói khổ, lầm than. Từ năm 1947 đến năm 1952, Hải Triều là vùng địch tạm chiếm. Ngay tại địa bàn xã có nhiều tổ chức chống phá cách mạng đội lốt tôn giáo trà trộn nhũng nhiễu, nhưng nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) xã vẫn kiên cường “bám đất, giữ làng”, xây dựng cơ sở cách mạng, hình thành khu du kích, tham gia chiến đấu tiêu diệt địch. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, LLVT xã Hải Triều đã tổ chức chiến đấu 50 trận chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Trong đó, phải kể đến chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của trung đội phòng không và súng bộ binh của xã vào lúc 10 giờ ngày 7-11-1965 và trận phối hợp lực lượng giữa dân quân 3 xã Hải Triều, Hải Thịnh (nay là Thị trấn Thịnh Long) và Hải Hoà bắn chìm 1 tàu chiến Mỹ ngày 28-12-1972... Đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Hải Triều đã có gần 400 thanh niên nhập ngũ, chiến đấu ở các chiến trường trong nước và làm nghĩa vụ quốc tế; sản xuất 150 nghìn tấn muối, 9.000 tấn tôm, cá biển và hàng trăm tấn thực phẩm. Với những thành tích trong sản xuất, chiến đấu, năm 2010 Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân xã Hải Triều đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngư dân xã Hải Triều ra khơi khai thác hải sản.
Ngư dân xã Hải Triều ra khơi khai thác hải sản.

Và Hải Triều nông thôn mới

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng niềm kiêu hãnh, tự hào của người dân Hải Triều về một thời hào hùng “tay cày, tay súng” thi đua lao động sản xuất, chiến đấu vừa bảo vệ quê hương vừa làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến thì vẫn còn nguyên vẹn. Tinh thần ấy đã được phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay qua những chương trình hành động thiết thực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương vững bước đi lên. Xác định khai thác kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, Đảng uỷ, UBND xã tập trung lãnh đạo nhân dân trong xã tích cực đầu tư thiết bị, phương tiện ngư lưới cụ; mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy hải sản. Quan điểm chỉ đạo của xã là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dần diện tích làm muối kém hiệu quả sang trồng rau màu và nuôi trồng thủy sản để nâng cao thu nhập cho người dân, coi giải pháp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là yếu tố then chốt tạo đột phá cho phát triển sản xuất. Xã thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích sản xuất phát triển như: Quy hoạch ổn định đất nông nghiệp, đất phát triển CN-TTCN, làng nghề để nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Xã tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; đưa nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau màu, trồng cây dược liệu và nuôi thủy sản ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tranh thủ lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất, khoa học kỹ thuật của cả Trung ương và địa phương để hỗ trợ, khuyến khích người dân ứng dụng vào sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ các kênh tín dụng của người dân vay để đầu tư phát triển sản xuất đã lên tới vài chục tỷ đồng. Nhờ đó, cả 3 mũi nhọn kinh tế của xã là khai thác, nuôi thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đều phát triển mạnh. Ngư dân Hải Triều tập trung hoán cải, nâng cấp tàu cá; chuyển đổi từ khai thác thủ công sang bán công nghiệp với nhiều thiết bị hỗ trợ khai thác như: thiết bị định vị, thiết bị dò luồng cá, thông tin liên lạc tầm xa… Hiện tại, toàn xã có 65 tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy từ 400-950CV; hơn 100 tàu thuyền khai thác gần bờ và rất nhiều thiết bị máy chuyên nghề lưới ghẹ, lưới cá bường. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt bình quân trên 7.000 tấn, thu nhập trung bình của mỗi hộ làm nghề khai thác biển đạt từ trên 200 triệu đồng/năm trở lên. Đối với nghề nuôi thủy sản, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được diễn ra với tốc độ nhanh và phổ biến trong hầu hết các hộ nuôi. Trong tổng số khoảng 60ha diện tích nuôi các loại tôm, cua, cá có 40ha áp dụng quy trình nuôi công nghiệp. Tiêu biểu là sử dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm. Ưu điểm của công nghệ mới này là chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh, hạn chế sử dụng hóa chất để đảm bảo sản phẩm không có tồn dư hóa chất, kháng sinh gây hại cho người sử dụng. Đặc biệt, các hộ nuôi bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như nguồn nước, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc của sản phẩm. Do đó sản lượng nuôi thủy sản của xã liên tục tăng trưởng qua các năm với tốc độ trung bình 12%/năm. Năm 2017, sản lượng nuôi thủy sản của xã đạt trên 250 tấn, tăng 17,5% so với năm 2016. Tiêu biểu trong việc ứng dụng thành công những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm như hộ gia đình các anh: Hoàng Đức Thiện, xóm Tây Bình; Trần Văn Thiêm, xóm Tân Thịnh. Riêng xóm Tân Minh đã phát triển nghề đan lưới chấp có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Việc đan lưới xưa kia không phải là công việc “kiếm cơm” độc lập mà là việc phụ chuẩn bị ngư cụ cho ngư dân vươn khơi, nay đã là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếng lành đồn xa, lưới Tân Minh đã được nhiều chủ tàu tìm mua. Mươi năm trước lưới chấp Hải Triều mới chỉ có thể đánh bắt vài tạ cá tôm, nhưng nay đã được cải tiến với hàng chục tay lưới, có thể bắt cả chục tấn cá. Nhiều vàng lưới lớn của Hải Triều đạt tiêu chuẩn đánh bắt cá ngừ đại dương nên ngư dân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau... phải tìm về đặt hàng. Đan lưới đã trở thành nghề chuyên nghiệp của nhiều lao động với tiềm năng lớn bên cạnh nghề đi biển, nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Cũng chính từ đây, nghề lưới chấp đã lan ra các địa phương khác và Nam Định trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước đan và sử dụng lưới chấp trong khai thác xa bờ. Đồng chí Đỗ Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Do định hướng phát triển sản xuất đúng hướng, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo mới ở Hải Triều. Từ một xã vùng chân sóng nghèo khó có dân số, diện tích tự nhiên nhỏ nhất huyện nhưng đến nay Hải Triều đã trở thành điểm sáng của huyện Hải Hậu về khai thác, đánh bắt hải sản và phát triển ngành nghề nông thôn. Đặc biệt năm 2014, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã tiếp tục tập trung cao cho việc hoàn thiện các tiêu chí NTM theo hướng bền vững. Đến nay, bộ mặt nông thôn ở Hải Triều đã có nhiều khởi sắc. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu của người dân. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao, sự nghiệp giáo dục đạt thành tích cao. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, gia đình và trẻ em… được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân, từ một xã khó khăn, cơ sở vật chất từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, Hải Triều giờ đây tự hào khi tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã đạt 6,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/ năm; thu ngân sách trên địa bàn năm 2017 tăng 200% so với năm 2016; 8/10 xóm đạt xóm văn hóa; 80,6% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ và nhân dân Hải Triều là tiền đề quan trọng để cán bộ và nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu đạt các mục tiêu mới trong giai đoạn tới./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com