Sưu tầm tiền xưa là một thú chơi góp phần bồi dưỡng kiến thức lịch sử, địa lý bởi mỗi đồng tiền đều có giá trị phản ánh tình hình kinh tế, chính trị của đất nước ở từng giai đoạn. Ở tỉnh ta, một số người quan tâm sưu tầm tiền xưa, qua nhiều năm sưu tầm đã có những bộ sưu tập phong phú, đặc sắc.
Chúng tôi đến nhà anh Vũ Hoài Nam (42 tuổi), xã Nam Vân (TP Nam Định), người có kinh nghiệm 24 năm sưu tầm tiền xưa. Vào căn phòng trưng bày bộ sưu tập tiền giấy và tiền xu của anh, chúng tôi rất bất ngờ. Trên tường, những đồng tiền giấy đủ niên đại, màu sắc được lồng trong khung kính; trong tủ, những cuốn album tiền giấy, tiền xu được xếp ngăn nắp, có chú thích cho từng loại tiền và được sắp xếp khoa học theo trình tự thời gian. Trong không gian tĩnh lặng, anh Nam cho biết: Đầu năm 1994, anh nhập ngũ, được biên chế vào một đơn vị Công binh đóng quân ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Ở nơi đơn vị đóng quân, anh được một người dân địa phương tặng 3 đồng tiền giấy làm kỷ niệm. Món quà quý giá này được anh cất cẩn thận, lúc rảnh rỗi anh lại đem ra ngắm nghía rồi tìm hiểu về các họa tiết, hoa văn, bức tranh in ở đồng tiền. Từ đó, anh bắt đầu có ý định sẽ sưu tầm những đồng tiền xưa. Cuối năm 1995, xuất ngũ trở về địa phương, trong phiên chợ Viềng Xuân anh đến các gian đồ cổ để hỏi mua tiền giấy qua các thời kỳ. Biết thú chơi của anh, nhiều người đã tận tình giúp đỡ, hỗ trợ. Khi biết có người bán một đồng tiền còn thiếu trong bộ sưu tập, dù ở xa anh cũng đến tận nhà thuyết phục để mua cho bằng được. Vài năm gần đây, khi các diễn đàn trao đổi, mua bán tiền xưa trên mạng internet phát triển, anh đã ít phải đi lại nhưng với những đồng tiền hiếm thì anh vẫn phải đến tận nơi để xem và hỏi mua. Theo anh Nam, mỗi người sưu tầm tiền đều có phong cách riêng và định hướng sưu tầm khác nhau. Hiện nay, bộ sưu tập của anh Nam có hơn 350 tờ tiền giấy, hơn 200 đồng tiền xu. Điều đặc biệt là bộ sưu tập tiền của anh Nam thiên về chất và chuyên về các loại tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ. Ở mỗi thời kỳ, tiền giấy trong bộ sưu tập của anh Nam được chia theo các giai đoạn. Chẳng hạn, thời kỳ tiền giấy Việt Nam - Indochine gồm: Việt Nam - Indochine’French 1900-1925, 1921-1929; Indeo Hà Nội Việt Nam - Indochine 1942-1945, 1939, 1942, Việt Nam - Indochine’Japan 1949-1951, Việt Nam - Miên - Lào’French 1953-1954...; tiền giấy Việt Nam thời kỳ Dân chủ Cộng hòa gồm: khu vực miền Bắc: Liên khu 3, 4 và Việt Bắc 1946-1952, tín phiếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946-1952 khu vực miền Trung, bộ tiền giấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1952 khu vực miền Nam, khu vực địa phương Nam Bộ... Trong đó, từng bộ sưu tập tiền giấy ở mỗi giai đoạn đều có đặc thù về hình thức, nội dung, như: Tiền giấy thời kỳ Việt Nam - Indochine’French đa số có hình thức hoa văn, kiến trúc phương Tây, mặt sau có chữ bản địa, song ngữ hoặc tứ ngữ... Bộ tiền giấy thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nhiều hình ảnh về tăng gia sản xuất và tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu của công nông binh. Tiêu biểu như tờ tiền giấy 20 xu phát hành năm 1948, mặt trước có ảnh Bác Hồ, mặt sau có hình ảnh người chiến sĩ và người nông dân sát cánh chống quân xâm lược; tờ 20 đồng phát hành năm 1947 mặt trước có hình Bác Hồ, mặt sau là hình ảnh sĩ, nông, công, thương cùng nhau đoàn kết tạo thành khối thống nhất... Tờ tiền giấy 100 đồng phát hành năm 1949 với hình ảnh mặt sau là chiến sĩ đeo súng giơ một tay hiệu triệu sát cánh cùng người nông dân. Tờ tiền giấy 500 đồng phát hành 1949 ở mặt sau tái hiện Chiến thắng Sông Lô... Nhiều tờ tiền giấy trong bộ sưu tập của anh Nam thuộc dạng quý hiếm như: Phiếu tiếp tế 2 đồng Sóc Trăng có giá thị trường hiện nay 23 triệu đồng, tờ 5 đồng có cảnh đồng ruộng Long - Châu - Hậu trị giá hơn 10 triệu đồng... Anh Nam cho biết thêm: Với đặc thù công việc buôn bán phụ tùng xe máy nên thời gian rảnh rỗi nhiều, anh có điều kiện thuận lợi để sưu tầm, sắp xếp, phân loại và tìm hiểu về từng tờ tiền. Sắp tới, anh tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập của mình những tờ tiền giấy còn thiếu hoặc đã cũ. Là một người có kinh nghiệm nhận biết giá trị tiền xưa nhưng để hiểu sâu hơn, anh mua sách nghiên cứu, hỏi các bậc cao niên và giao lưu với bạn bè có cùng đam mê sưu tầm tiền xưa.
Anh Vũ Hoài Nam (42 tuổi), xã Nam Vân (TP Nam Định) với bộ sưu tập tiền xưa. |
Ở dãy 6 khu Liên cơ Hùng Vương, phường Vị Xuyên (TP Nam Định), ông Đinh Cao An (62 tuổi) là người có thâm niên sưu tầm các loại tiền từ Việt Nam đến nước ngoài. Ông An cho biết, năm 1974, ông được sang học tại một trường cao đẳng dạy nghề ở Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc). Tại đây, ông “bén duyên” với sưu tầm các loại tiền giấy và tiền xu khi được người cha nuôi Tiệp Khắc tặng cho một bộ sưu tập tiền nước ngoài. Tuy số lượng bộ sưu tập tiền ông An được tặng thời đó không nhiều nhưng đã nhen nhóm rồi thổi bùng ngọn lửa đam mê trong ông. Trở về nước, ông tiếp tục thực hiện công việc sưu tầm tiền nước ngoài và tiền xưa Việt Nam. Trong căn nhà khá khang trang của ông An, bộ sưu tập tiền đủ các loại ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn cho đến các nước của châu Phi, châu Đại Dương. Theo nhẩm tính, bộ sưu tập tiền giấy hiện nay của ông An lên tới hơn 1.000 tờ được sắp xếp khoa học. Trong đó bộ sưu tập tiền Tiệp Khắc từ năm 1960 đến năm 1990 và bộ tiền Đông Dương của ông phong phú, đa dạng về chủng loại. Riêng bộ sưu tập 2.000 đồng tiền kim loại của ông An của nhiều quốc gia như: Tiệp Khắc, Ý, Anh, Liên Xô, Pháp, Đức... đến đồng tiền xu Đông Dương từ năm 1946 vẫn được ông lưu giữ. Ấn tượng về các đồng tiền xu trong bộ sưu tập của ông An là sự tinh xảo về nghệ thuật in đúc, đặc trưng về văn hóa của mỗi quốc gia qua các thời kỳ. Ông An tâm sự: Để có thể sưu tầm được, ông phải dựa vào Ca-ta-lô của Hội chơi tiền thế giới. Chưa kể có những lúc còn phải phân biệt tiền thật, giả. Trong bộ sưu tập của ông không có đồng tiền giả nào bởi bao năm sưu tầm đã giúp ông có những cảm quan riêng khi cầm trên tay một tờ tiền nước ngoài. Với ông An, giá trị lớn nhất của bộ sưu tập mang lại là tri thức. Sưu tầm tiền đã giúp ông có kiến thức địa lý sâu rộng, hiểu hơn về văn hoá của các nước trên thế giới. Ông An cho biết thêm: “Nhờ có sưu tầm tiền xưa, tiền nước ngoài mà ông có thêm nhiều bạn mới, trong đó có những người còn trẻ hoàn cảnh không may mắn nhưng có cùng đam mê sưu tầm như anh Hoàng Ngọc Cương (28 tuổi) ở xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường)...”.
Lần theo địa chỉ ông An cung cấp, chúng tôi đến nhà anh Cương và được nghe câu chuyện cảm động về chàng trai liệt giường nhưng vẫn đau đáu với niềm đam mê sưu tầm tiền. Cương không may mắc bạo bệnh từ năm học lớp 7 và nằm liệt giường đến nay. Niềm đam mê sưu tầm tiền đến với Cương từ nhỏ khi cậu nhặt được vài đồng tiền xu ngày xưa của Việt Nam rồi cẩn thận cất vào tủ kính. Trong thời gian bị bệnh, Cương vẫn tìm hiểu các loại tiền qua internet, qua sách báo và nhờ em gái tìm kiếm giúp. Qua các diễn đàn về sưu tầm tiền, nhiều người biết đến Cương và đến tận nhà tặng anh những đồng tiền nước ngoài, tiền xưa. Đến nay, bộ sưu tập tiền giấy của anh có gần 500 tờ của hơn 100 quốc gia trên thế giới. Riêng số tiền xu sưu tầm của anh lên tới 2kg trong đó đa số là tiền nước ngoài.
Tiền xưa khiến nhiều người “mê mệt” bởi chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với biến cố của mỗi dân tộc. Những đồng tiền mà những người như ông An, anh Nam và anh Cương với niềm đam mê sưu tầm không chỉ mang ý nghĩa vật chứng lịch sử mà còn tiếp thêm nghị lực cho những người có cùng đam mê học hỏi và trau dồi kiến thức qua thú chơi này./.
Bài và ảnh: Viết Dư