Xuân về trên những làng nghề

07:02, 15/02/2018

Một mùa xuân mới đang về. Đón Tết năm nay, người dân ở nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh càng phấn khởi hơn khi việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, đời sống vật chất, tinh thần ổn định và từng bước được nâng lên. Đó cũng chính là động lực để bà con cố gắng giữ gìn và phát triển làng nghề trong giai đoạn hiện nay.

Những ngày giáp Tết, về địa phương nào có nghề cũng vậy, chỉ cần đến đầu làng, ngay từ các dong ngõ đã cảm nhận được không khí hối hả, tất bật qua tiếng đục, tiếng chát đặc trưng của nghề mộc; tiếng máy phay, máy bào, máy mài của làng nghề cơ khí; tiếng các bà, các chị cười, nói rộn rã trong khi tay vẫn thoăn thoắt bện sợi cói. Từ các làng nghề truyền thống cả nước biết tên tuổi như: làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên); cơ khí Đồng Côi, Vân Chàng (Nam Trực); Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường); các làng nghề mộc mỹ nghệ Bình Minh, Phạm Rỵ, Đông Hữu (Hải Hậu)... đến các làng nghề mới như: sản xuất chế biến cói thủ công mỹ nghệ Đồng Nam (Nghĩa Hưng), mộc mỹ nghệ Mộc Kênh (Trực Ninh)... Từ trước Tết nhiều tháng, các làng nghề truyền thống đã hối hả chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Làng nghề mộc truyền thống ở La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) tất bật với các sản phẩm bàn ghế (đóng mới, tân trang), vật dụng thờ tự (hoành phi, câu đối, tượng...). Những năm gần đây, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng, nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, làng nghề đã có bước phát triển vượt bậc. Toàn xã đã có gần 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư tại 2 CCN tập trung là La Xuyên và Ninh Xá bám hai bên Quốc lộ 10 lúc nào cũng sôi động, sầm uất. Làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) thì hối hả bận rộn bởi các sản phẩm lư, đỉnh, lô nhang, hạc thờ, rồi tranh đồng... hết sức đắt hàng.

Ảnh trong bài: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói tại làng nghề Đồng Nam, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói tại làng nghề Đồng Nam, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).

Nằm trên vùng đất cổ Quần Anh xưa, giáp với các địa phương có nghề mộc mỹ nghệ phát triển mạnh như các xã Hải Trung, Hải Minh nên từ nhiều năm trước, xã Hải Anh (Hải Hậu) cũng có nghề mộc phát triển. Khác với nhiều làng nghề mộc mỹ nghệ chỉ tập trung sản xuất chuyên sâu từng công đoạn, nghề mộc ở xã Hải Anh được các nghệ nhân, thợ cả hoàn thiện tất cả các công đoạn từ nguyên liệu đến thành phẩm như: xẻ, chạm khắc, khảm (khảm ốc, khảm trai, ghép đá), gia công (lắp ráp, sơn thếp vàng, bạc)… Sản phẩm cũng đa dạng hơn, từ các vật dụng trang trí nội thất trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng (đền, chùa, nhà thờ) đến các loại sản phẩm gia dụng (bàn ghế, giường, tủ), tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu. Với tài hoa và kinh nghiệm lâu năm, ngoài yêu cầu về kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, người thợ xã Hải Anh còn chịu khó tìm hiểu lịch sử, văn hoá đặc trưng của các triều đại, từng vùng miền gắn với mỗi sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm mộc mỹ nghệ Hải Anh không chỉ cung ứng cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội tỉnh mà đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Để tạo điểm tựa cho nghề phát triển bền vững, xã Hải Anh đã rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển 2 làng nghề mộc mỹ nghệ ở các xóm Đông Hữu, Phồn Thịnh và đã được UBND huyện Hải Hậu công nhận. Hai làng nghề mộc truyền thống của xã đã tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động với tổng số 213 hộ sản xuất, bình quân thu nhập của người lao động đạt từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở của anh Đỗ Văn Luyến, làng nghề Đông Hữu hiện có trên 70 lao động, mỗi năm, cơ sở của anh tiêu thụ trên 200m3 gỗ chuyên sản xuất các sản phẩm nội thất trong chùa, đền, nhà thờ và các mặt hàng mộc mỹ nghệ như: bàn ghế, tủ chè, tủ kính, sập gụ, hoành phi, câu đối… theo lối giả cổ được chạm, khảm tinh vi, trang trí họa tiết tinh xảo theo các chủ đề như: “ngũ phúc”, “sĩ, nông, công, thương”, “tứ bình”, “tứ quý”, “vinh quy bái tổ”... Bên cạnh đó, cơ sở của anh Luyến còn chủ động các công đoạn sơn son, thếp vàng, bạc cho các sản phẩm; các công đoạn sản xuất chính như: vẽ mẫu, đục, đẽo, chạm, khắc, đánh bóng, phun sơn, thếp vàng, bạc đều được làm thủ công đảm bảo sự sắc sảo, tinh tế, có hồn ở từng chi tiết. Nhờ đó, uy tín của cơ sở ngày càng được khẳng định, được khách hàng trong tỉnh, trong nước tín nhiệm đặt hàng với khối lượng lớn. Cơ sở của anh được tin tưởng ký hợp đồng thực hiện hoàn toàn phần đồ gỗ nội thất của những công trình tôn giáo tín ngưỡng lớn, đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ như tòa thờ xứ Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) cao gần 16m, rộng 9,7m trị giá hợp đồng gần 2 tỷ đồng…

Các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm như: làng nghề bánh nhãn ở Thị trấn Yên Định, xã Hải Bắc; làng nghề miến dong ở các xã: Nam Dương (Nam Trực), Xuân Tiến (Xuân Trường), Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng)... cũng vào vụ sôi động. Nghề làm miến truyền thống của xã Xuân Tiến có lịch sử hình thành gần trăm năm tại các xóm 6, 7. Nghề này trước đây vốn nhọc nhằn, vất vả bởi tất cả các công đoạn sản xuất đều phải làm thủ công và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Chỉ những hôm trời nắng mới làm được, còn ngày mưa hoặc thời tiết ẩm ướt, âm u thì đành nghỉ vì nếu có cố làm thì sản phẩm cũng không đạt tiêu chuẩn. Hàng sản xuất không dùng chất bảo quản chống mốc nên không thể sản xuất sớm tích trữ mà phải sát Tết mới tập trung làm nhiều cho vụ Tết. Vì thế, những ngày cận Tết, tranh thủ trời hửng nắng hanh, trên 1.000 lao động làm nghề phải hối hả từ sáng sớm cho tới tối muộn để kịp giao hàng đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Sự bận rộn của công việc hòa cùng niềm vui bán đắt hàng, được giá khiến người làng nghề phấn khởi hơn, quên đi mệt nhọc. Khắp nơi, mọi khoảng đất trống, sân vườn được người dân tận dụng thiết kế bắc giàn cao để phơi miến. Không chỉ tiêu thụ tại địa phương, các sản phẩm của làng nghề được thương lái về tận nơi thu mua cung ứng đi khắp các tỉnh trong cả nước. Theo anh Ngô Văn Lục, xóm 7, người đã trên 20 năm làm nghề cho biết: Khoảng hai chục năm trở lại đây, nghề làm miến của địa phương phát triển mạnh. Nhờ có các loại máy móc được làng cơ khí của xã chế tạo sản xuất nên hầu hết các công đoạn nặng nhọc trước đây của nghề làm miến đã được máy móc thay thế, từ xay bột đến tráng bánh, đảo bột, máy cắt đùn sợi. Đến cả việc phơi bánh cũng có lò sấy sử dụng than bùn và quạt gió. Từ đó, nghề của làng có đổi thay đáng kể, cường độ lao động giảm nhưng năng suất, sản lượng tăng vượt trội, thu nhập của người làm nghề cũng được cải thiện và nâng cao. Vụ Tết, hàng bán chạy hơn đến gấp đôi, gấp ba ngày thường, vất vả, tất bật nhưng chúng tôi rất mừng vì sản phẩm làng nghề đã chinh phục được khẩu vị của thực khách. Công việc không quá vất vả, thu nhập cũng khá nên làng nghề không chỉ thu hút lao động địa phương mà còn có nhiều lao động từ các xã lân cận tới làm công. Ngoài việc thương lái các nơi tới đặt mua hàng, các hộ cũng mang miến đi bán buôn, bán lẻ ở các đại lý hoặc bán lẻ trong và ngoài tỉnh, có thêm thu nhập lúc nông nhàn. “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”. Có nghề, có việc làm, túi tiền thêm rủng rỉnh, niềm vui đón Tết càng nhân lên.

Xuân về cho cây cối đâm chồi, nẩy lộc. Với mỗi làng nghề, công việc sản xuất thuận lợi, hàng hóa tiêu thụ nhanh chính là góp phần mang đến một cái Tết sung túc, đầm ấm cho người dân, tạo niềm phấn khởi để chuẩn bị và hy vọng cho một năm làm ăn mới thành công./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com