Theo đánh giá của Sở Công thương, tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cơ bản ổn định; nguồn hàng dồi dào về số lượng và chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tuy giá cả có biến động vào những ngày cận Tết và sau Tết do nhu cầu tiêu thụ tăng nhưng vẫn đảm bảo về nguồn cung, cầu, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến hoặc khan hiếm hàng hóa, tình trạng buôn lậu gian lận thương mại được kiểm soát.
Người dân Thành phố Nam Định mua sắm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất. |
Thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất được phục vụ ngay trong những ngày sau Tết với mức giá cơ bản ổn định, nguồn hàng dồi dào về số lượng và chủng loại, đa dạng về mẫu mã đủ để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Khác với nhiều năm trước, tâm lý tiêu dùng của người dân đã thay đổi hẳn, không còn tích trữ nhiều thực phẩm như trước kia nên thị trường hàng hóa chỉ chững lại vào ngày mùng 1 Tết, sang đến mùng 2, các tiểu thương ở hầu hết các chợ dân sinh trong Thành phố Nam Định và khu vực nông thôn đã mở hàng. Cả người bán và người mua đều hồ hởi, mua nhanh, bán nhanh và không quên chúc nhau sức khỏe, buôn may bán đắt. Hàng hóa bày bán khá đầy đủ từ thịt bò, thịt lợn, gà, thủy, hải sản các loại, rau xanh; đồ khô; hoa quả, bánh kẹo… Ngoài các mặt hàng thông thường, phiên chợ ngày Tết còn có thêm nhiều loại thủy, hải sản đánh bắt theo mùa và theo con nước như cá khoai, cá thu, sò lông, tôm rảo… từ miền biển mang lên và cá nheo, cá sộp, chép sông, tôm đồng... do người dân khu vực phía bắc tỉnh đánh bắt… Từ rau, củ cho đến thịt và hải sản, thứ nào cũng tươi ngon. Giá cả tăng không đáng kể: thịt bò loại I có giá 260-270 nghìn đồng/kg, thịt lợn 50-70 nghìn đồng/kg tùy từng loại; cá trắm trắng giá 60-65 nghìn đồng/kg; trắm đen, cá quả từ 80-150 nghìn đồng/kg... Bác Hoàng Thị Vinh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) cho biết: Việc đi chợ ngày đầu năm đã trở thành thói quen tốt mà hầu hết các hộ dân trong làng, trong xã có nghề trồng rau đều thực hiện. Ngoài giá trị kinh tế thì việc đi chợ ngày đầu năm mới còn được coi là ngày “mở hàng”, buôn bán lấy may cho cả một năm. Nhiều hộ dân khác trong xã cũng thế, cứ sáng sớm mang rau đi bán, nửa buổi về mới đi chúc Tết. Từ mùng 3 đến mùng 5 Tết, các trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa trở lại với nhiều đặc sản quý hiếm phục vụ bữa ăn sum họp gia đình trong ngày đầu xuân như thịt đà điểu, thịt dê, cừu; cá sấu, cá ngừ đại dương, cá hồi Nhật Bản, cá kèo, cá thác lác (miền Nam), thịt lợn mường, thịt trâu, bò gác bếp, lạp xường, rượu cần (của người dân các dân tộc miền núi phía Bắc)... được chứng nhận bảo đảm VSATTP, xuất xứ rõ ràng, cùng với phong cách phục vụ văn minh, lịch sự và hàng loạt chương trình khuyến mại hấp dẫn như: Giảm giá bán trực tiếp trên sản phẩm; tặng quà tương ứng với trị giá mỗi hóa đơn khi mua hàng… đã thu hút đông đảo khách hàng đến tham quan mua sắm. Giá cả ổn định cho thấy sự lưu thông hàng hóa trên thị trường diễn ra thuận lợi và là tín hiệu vui đối với người tiêu dùng. Ở trung tâm các huyện, các xã, thị trấn đã tổ chức phiên chợ Xuân với mặt hàng chính là hoa, cây cảnh. Ngoài ra còn có các sản phẩm làng nghề truyền thống như đúc đồng Tống Xá, đồ gỗ La Xuyên (Ý Yên); đúc đồng Nam Tiến, cây cảnh Điền Xá (Nam Trực); đồ gỗ giả cổ Hải Minh (Hảu Hậu); sản phẩm cơ khí (Xuân Trường, Nam Trực, Vụ Bản) và đặc sản của các địa phương lân cận về hội tụ mua bán cầu may tại phiên chợ Xuân.
Để giữ được thị trường ổn định, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đảm bảo cho hàng hóa lưu thông thông suốt, từ trước Tết các ngành chức năng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra tình hình triển khai công tác phục vụ Tết tại địa phương. Trong đó, tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để thông tin và ứng biến kịp thời… Các ngành chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường tập trung 100% quân số, làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ hành chính để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng, chống buôn lậu, nhất là tại vùng nông thôn và khu vực giáp ranh. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các cấp thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hoá, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết và lễ hội đầu Xuân. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô). Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương