Ngày xuân trò chuyện cùng "kỹ sư nông dân"

07:02, 15/02/2018

Với mong muốn giúp cho người nông dân đỡ vất vả hơn trong việc làm đất trồng màu, phun thuốc trừ sâu, những “kỹ sư nông dân” ở Hải Hậu, Xuân Trường đã trăn trở và chế tạo thành công máy làm vườn mi ni, máy phun thuốc trừ sâu cho hiệu quả cao. Đó là anh Trần Văn Tuyến ở xóm Tân Thịnh, xã Hải Triều (Hải Hậu) và nhóm cán bộ của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Cư, xã Xuân Vinh (Xuân Trường).

Máy làm vườn mi ni

Sinh ra ở xóm Hồng Phong, xã Hải Hòa - một miền quê thuần nông với những cánh đồng màu, đồng muối của huyện Hải Hậu, sau 3 năm trong quân ngũ, anh Trần Văn Tuyến vào miền Nam để mưu sinh và học nghề cơ khí. Cuộc sống nơi đất khách quê người khá vất vả mà thu nhập chẳng là bao, năm 1997, anh quyết định về quê để lập nghiệp. Năm 2000, anh tậu được mảnh đất ở xóm Tân Thịnh, xã Hải Triều để mở xưởng cơ khí, chuyên sửa chữa cho các chủ tàu thuyền ở trong và ngoài xã, còn vợ anh vẫn chuyên cần với 6-7 sào rau màu. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân thuần túy, nhà lại có nhiều đất vườn màu nên anh hiểu được nỗi vất vả của người làm nông. Hằng ngày, mỗi khi rỗi việc, anh phụ vợ cuốc đất, trồng rau màu nên càng thấm thía hơn ai hết nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân. Nhiều hôm, hai vợ chồng cuốc cả ngày mới xong được 1-2 sào vườn. Thời tiết mát mẻ còn đỡ, những ngày trời nắng nóng phải đổ không ít mồ hôi cho việc làm đất. Đó là chưa kể do làm đất chậm nên đôi khi không kịp thời vụ, năng suất không cao. Thấy vợ vất vả, anh cũng đã đi tìm mua các loại máy làm vườn cỡ nhỏ nhưng với thu nhập của người nông dân, chi phí cho một chiếc máy 5-7 triệu đồng thì quá đắt đỏ. Ý tưởng làm sao để cải tiến ra một máy làm vườn vừa hiệu quả, vừa gọn nhẹ, phù hợp với người nông dân lại vừa có chi phí thấp cứ day dứt trong anh… Nghĩ là làm, đầu năm 2015 anh Tuyến bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm. Anh tận dụng động cơ cũ của xe máy và thêm vài thanh thép, vòng bi để làm… Lúc này, nghề cơ khí gò hàn đã giúp ích cho anh rất nhiều trong việc tính toán tỷ lệ, nguyên lý hoạt động từng bộ phận của máy… Sau gần một năm mày mò quên ăn, quên ngủ, chiếc máy làm vườn mi ni của anh Tuyến ra đời trong niềm vui khó tả của anh và gia đình. Anh Tuyến chia sẻ, với chiếc máy làm vườn mi ni này, công suất của máy tương đương khoảng 10 người cuốc đất bằng tay theo phương pháp thủ công, trong khi chi phí để “dựng” một chiếc máy này chỉ có vài triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với chiếc máy cùng loại của nhà sản xuất Trung Quốc. Có thể nói, việc chế tạo chiếc máy làm vườn thành công không chỉ mang lại niềm vui cho anh và gia đình mà còn mang đến niềm vui của bà con làm màu trong vùng. Nhiều hộ dân quanh vùng khi nghe tin anh có máy làm vườn hiệu quả đã đến đặt vấn đề “nhờ” anh làm vườn. Chị Nguyễn Thị Hoa, xóm Hồng Phong, xã Hải Hòa cho biết: “Ở đây, mỗi nhà đều có mấy sào vườn. Các vụ trước phải làm đất thủ công vừa lâu vừa rất vất vả nhưng mấy năm nay nhờ có máy làm vườn mi ni của anh Tuyến mà tiến độ làm đất nhanh, kịp thời vụ để bà con đa dạng các loại cây trồng. Hơn nữa chi phí đầu vào thấp nên giá trị thu nhập của người nông dân cũng được nâng lên!”.

Anh Trần Văn Tuyến, xã Hải Triều (Hải Hậu) sử dụng chiếc máy làm vườn mi ni do anh sáng chế.
Anh Trần Văn Tuyến, xã Hải Triều (Hải Hậu) sử dụng chiếc máy làm vườn mi ni do anh sáng chế.

Máy phun thuốc trừ sâu

Về xã Xuân Vinh (Xuân Trường), nghe mọi người nhắc nhiều đến chiếc máy phun thuốc trừ sâu của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Cư (HTX An Cư). Đây là một trong những sáng chế của đội ngũ cán bộ HTX trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Anh Vũ Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX An Cư cho biết, nếu mỗi người nông dân khi xịt thuốc trừ sâu bệnh cho lúa phải mang 1 bình xịt gần 50kg và mất hơn 30 phút mới xịt được một 1 bình thuốc trên 1 sào ruộng. Đó là chưa kể đến việc thuốc trừ sâu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong quá trình phun xịt nhưng với chiếc máy này, HTX đã tổ chức làm dịch vụ cho nông dân với chi phí giảm đi hẳn 1/2 và thời gian nhanh hơn, an toàn hơn. Với mong muốn làm sao để giảm công lao động, hỗ trợ nông dân trong việc phun thuốc trừ sâu, HTX đã chế tạo thành công 2 máy phun thuốc trừ sâu và đưa vào sử dụng từ vụ xuân năm 2015. Máy phun thuốc trừ sâu có giá trị đầu tư khoảng 22,5 triệu đồng/máy, được chế tạo bằng cách kết hợp các loại máy gồm: máy nổ Đông Phong, máy tạo áp và thùng phi loại 200 lít. Bình quân, máy phun thuốc trừ sâu của HTX có thể đạt công suất phun được trên 6ha/ngày, phun trên cây lúa ở tất cả các giai đoạn từ mạ đến trỗ đòng. Sau khi đầu tư và chế tạo thành công, HTX thành lập tổ bảo vệ thực vật (BVTV) trên cơ sở nhân lực của đội ngũ cán bộ thủy nông ở địa phương theo hướng tập trung và chuyên nghiệp và chia làm 2 đội. Mỗi đội có 1 đội trưởng và 3 thành viên. HTX ký kết nhận hợp đồng với các trưởng xóm kiêm đội trưởng sản xuất, thỏa thuận giá cả với các hộ nông dân là thành viên của HTX. Để mô hình hoạt động hiệu quả, HTX thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật phun và hướng dẫn sử dụng an toàn các loại hóa chất nông nghiệp cũng như thu gom, xử lý các bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Hiệu quả của việc phun thuốc bằng máy đã góp phần giảm được thời gian phun thuốc cho các hộ nông dân, giảm được chi phí thuốc BVTV không cần thiết, phun thuốc đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm.

Có thể thấy, chính những tâm huyết với nghề nông và những kinh nghiệm sản xuất lâu năm đã giúp người nông dân sáng tạo ra nhiều máy móc hữu ích, góp phần giúp nông dân làm giàu. Một mùa xuân nữa lại về, những thửa vườn, luống rau đang một màu xanh mơn mởn, tươi tốt… một phần nhờ vào những phát minh của những người nông dân chân chất. Bằng tình yêu quê hương, yêu lao động, những “kỹ sư nông dân” đã và đang không ngừng sáng tạo, cùng chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để đất được hồi sinh, để nhà nông không còn cực nhọc, lam lũ./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com