Nặng lòng với cổ vật

06:02, 23/02/2018

“Trước đây nghề chính của tôi là buôn bán ô tô, xe máy. Vì yêu văn hóa dân tộc cùng bản tính thích phiêu lưu, mạo hiểm, tôi đã bỏ nghề để thành “thợ săn” cổ vật”, ông Trần Văn Hinh, Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường (Nam Định) chia sẻ. Thế rồi, kẻ ngoại đạo trong cái nghề đòi hỏi “thông kim bác cổ” là ông lại làm người khác phải bất ngờ với “vốn liếng” đồ sộ về những cổ vật quý mà ông sưu tầm được. Trong đó có nhiều món xứng đáng vào hàng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Bộ sưu tầm lá đề của ông là một ví dụ.

Ông Trần Văn Hinh, Chủ tịch Hội Cổ vật Thiên Trường cùng các cổ vật quý sưu tầm được.
Ông Trần Văn Hinh, Chủ tịch Hội Cổ vật Thiên Trường cùng các cổ vật quý sưu tầm được.

Trong giới chơi cổ vật khắp cả nước, nói đến “Hinh Thiên Trường”, nhiều người biết mặt, biết tên ông. Người ta biết đến ông Hinh không chỉ bởi danh tiếng của một nhà sưu tầm có hạng mà còn phục ông bởi tâm hồn phóng khoáng, sẵn sàng cho đi hoặc hiến tặng cổ vật quý. Sinh năm 1963, vốn người xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, quê hương của trống đồng huyền thoại, vì cuộc sống mưu sinh, cơ duyên với đất Nam Định, ông Hinh đến Thành Nam lập nghiệp. Khởi nghiệp từ nghề buôn xe máy, đang làm ăn phát đạt, vào một ngày, ông chuyển phắt sang sưu tầm đồ cổ. Lý do rất đơn giản: tìm hiểu văn hóa dân tộc in dấu thời gian trên các cổ vật rồi bị “hút”, hơn nữa thú chơi này cũng mang lại thu nhập cho ông và gia đình. Từ đó ông lao vào sưu tầm cổ vật, không tiếc công sức, thời gian để mang được những cổ vật quý về nhà. Những ngày đầu, trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông Hinh rong ruổi khắp nhiều miền quê để “săn” cổ vật. Đối với ông, quá trình tìm kiếm cổ vật không khác gì những trận đánh du kích “trường kỳ kháng chiến”. “Nghe nói ở đâu có cổ vật quý là tôi đến nhưng không phải chỗ nào người ta cũng đồng ý bán ngay, có những món đồ tôi mất vài năm, thậm chí hơn chục năm để thuyết phục. Trời không phụ công người chịu khó, sau 25 năm lặn lội với nghề săn cổ vật, ông Hinh đã mang về cho mình khoảng 5.000 cổ vật, trong đó có những món đồ đặc biệt quý giá, được đánh giá là “hàng độc, hàng hiếm” như: những hiện vật đầu rồng bằng đất nung thời Lý - Trần, ông gần như là người có số lượng đầy đủ nhất. Riêng bộ Long Sàng (giường vua nằm) mà ông Hinh đang giữ được đánh giá là "độc nhất vô nhị". Long Sàng dài 3,43m, rộng 2,56m, cao 2,68m được giới sưu tầm đặt cả đống tiền nhưng ông Hinh không chịu bán: “Đã quyết giữ làm kỷ niệm thì cũng quyết không vì nhiều tiền mà bán. Đấy cũng là một cái đạo của người chơi cổ vật”, ông Hinh khẳng định. Ngoài ra ông còn có 12 sản phẩm đầu đao rồng đời Lý - Trần; 2 sản phẩm đầu đao phượng cũng đời Lý - Trần; 5 viên gạch vuông hoa văn rồng đời Lý - Trần; 3 viên gạch hình tam giác hoa văn rồng đời Trần; tháp đời Trần 10 cái;  4 con khỉ đá đời Lý; 1 đôi uyên ương men vàng đời Trần; uyên ương không men 15 đôi; cổ vật “mình người, đầu chim” thời Lý - Trần… Đặc biệt, giới chơi đồ cổ không khỏi trầm trồ trước bộ sưu tập lá đề của ông. Trong đó, ông Hinh sưu tầm được 16 lá đề đời Trần có màu men vàng và lục; 10 lá đề 2 con rồng chầu đất; 20 lá đề rồng không men; 25 lá đề phượng không men; lá đề hình búp sen; lá đề uyên ương… Chia sẻ về việc “nặng lòng” với bộ sưu tầm lá đề, ông Hinh cho biết thêm: “tôi yêu thích lá đề trang trí trên các cổ vật bởi sự mạnh mẽ nhưng cũng vô cùng mềm mại, phóng khoáng trong cách thể hiện của người xưa. Theo dòng lịch sử, mỗi triều đại, người thợ thủ công lại có cách biểu hiện lá đề khác nhau trên các sản phẩm. Các lá đề hầu như được “thiết kế” với những màu sắc trang trí như vàng, lục hoặc nâu. Khác với nhiều họa tiết trang trí khác, họa tiết lá đề thể hiện sự vương giả, quyền uy”.

Chơi cổ vật, nặng lòng với cổ vật, tuy nhiên không vì thế mà ông Hinh tìm cách giữ những món đồ quý cho riêng mình. Vốn là người phóng khoáng, ông đã mang tặng cổ vật quý cho nhiều nơi. Ông đã tặng 86 cổ vật đời Hán, Đông Sơn, Trần, Lê, Nguyễn… cho Bảo tàng Nam Định. Ông cũng tặng 2 tháp đất nung cho Bảo tàng Thanh Hóa, tặng Bảo tàng Trung ương hoa văn lá đề uyên ương… Nhiều bảo tàng khác cũng đang mượn ông Hinh số lượng cổ vật lớn để trưng bày, chuyển tải thông điệp lịch sử đến với người dân và giới mộ điệu. Nhiều năm chơi, gắn bó với cổ vật, theo ông Hinh, quá trình ông sưu tầm được các món đồ cổ quý giá một phần do cái duyên, phần còn lại do học hỏi để có nhãn quan nhận biết được đồ vật sưu tầm. Thông thạo Hán văn, Pháp văn, am tường lịch sử nên với bất cứ cổ vật nào chỉ cần xem qua là ông biết thật hay giả, giá trị hay không. Bởi vậy, sau nhiều năm làm nghề, tích cóp được nhiều kinh nghiệm, ông Hinh trở thành chuyên gia cổ vật. Mỗi tháng ông Hinh dành một nửa thời gian cùng đồng nghiệp đi sưu tầm. Ở đâu nghe nói có đồ cổ là ông tìm đến, ở đâu gọi là ông có mặt, bất kể là những miền Trung xa xôi hay nơi địa đầu Tổ quốc. Thường thì giới chơi cổ vật chỉ chuyên tâm đến một món đồ, có người chuyên gốm, có người chuyên đồ kim khí. Ông Hinh thì khác, ông sưu tầm đa dạng các món đồ, từ gốm, gỗ, kim khí đến đá. Mỗi cổ vật, loại hình, theo ông đều có tiếng nói riêng, vị trí riêng phản ánh về một thời kỳ văn hóa của lịch sử, cuộc sống, thói quen sinh hoạt của giai đoạn lịch sử đó. Vấn đề của người chơi cổ vật là tìm ra được thông điệp ấy, minh chứng được cho một thời kỳ đã qua của đất nước. Với những nhận định, tâm huyết đó, ông muốn đi nhiều nơi hơn nữa để làm người kết nối giữa hiện tại với quá khứ và tương lai thông qua cổ vật lịch sử.

Là một người sưu tầm đa dạng nhưng ông Hinh tuyệt đối nặng lòng với văn hóa Việt. Chính vì vậy, mặc dù sưu tầm được khá nhiều những món đồ Tàu, đồ Tây nhưng ông hầu như không giữ lại các cổ vật “ngoại”. Trân quý hồn xưa cốt cũ trong những món đồ cổ của người Việt, ông Hinh dành vô vàn tình cảm, mến trọng. Chính vì thế, đối với ông việc hiến tặng cũng là cơ hội giúp nhiều người được chiêm ngưỡng, tìm hiểu, biết tới những giá trị văn hóa tinh thần của người xưa. Từ đó mà góp nhặt thêm niềm tự hào, nhân lên cái “đạo” của người chơi cổ vật./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com