Chuyện nghề của thầy giáo hiệu trưởng trường mầm non

06:01, 26/01/2018

Chuyện giáo viên mầm non là nữ chẳng có gì lạ, bởi xưa nay nghề “cô nuôi dạy trẻ” được coi là nghề dành cho “phái yếu”. Song, gặp thầy giáo, lại là hiệu trưởng Trường Mầm non Phượng Hồng (TP Nam Định) đã khiến chúng tôi phải thay đổi quan niệm bởi những gì mà thầy đã và đang đóng góp cho sự nghiệp “gieo ươm những mầm xanh”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hội cùng các cháu Trường Mầm non Phượng Hồng (TP Nam Định).
Thầy giáo Nguyễn Văn Hội cùng các cháu Trường Mầm non Phượng Hồng (TP Nam Định).

Đến Trường Mầm non Phượng Hồng, chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến một thầy giáo đang vui vẻ trò chuyện cùng các em nhỏ, lúc lại nhẹ nhàng kéo cái khóa áo, buộc lại chiếc khăn cho những em đang tung tăng chạy nhảy giữa sân trường. Đó là thầy giáo Nguyễn Văn Hội, hiệu trưởng nhà trường, một thầy giáo hiếm hoi trong bậc học mầm non của tỉnh.

Tốt nghiệp Khoa Mầm non Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, năm 2002, thầy Hội về công tác tại Trường Mầm non Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng). Nhớ buổi đầu đến trường nhận nhiệm vụ, thầy Hội được các em ùa ra đón chào và ngắm nhìn như một sự kiện lạ khi lần đầu tiên trường có một thầy giáo. Còn các cô giáo vừa khâm phục vừa tò mò không hiểu vì động lực gì mà thầy Hội lại chọn nghề này. Sau nhiều lần “thăm dò”, các cô giáo đồng nghiệp đã hiểu, anh đến với nghề hoàn toàn là niềm đam mê, được ấp ủ từ những ngày tháng được trực tiếp xem mẹ - một cô giáo mầm non của xã Nghĩa Hồng chăm lo, dạy dỗ các em học sinh. Những ánh mắt vui mừng khi được nhận từ mẹ anh một món đồ chơi tự làm hay chỉ đơn giản là được học những bài hát, điệu múa mới đã khiến Hội “mê” lúc nào chẳng hay. Hiểu được nguyện vọng của con, bố mẹ rất ủng hộ khi Hội đăng ký dự thi để trở thành thầy giáo mầm non. Là một trong 4 sinh viên của khóa là nam nhưng cũng không khiến Hội nản chí khi xung quanh đều là các cô gái. Tất cả những khó khăn, kể cả trong học tập khi phải học múa, học đàn, học chăm sóc trẻ… đều đã được xua tan, nhường chỗ cho quyết tâm học tập để trở thành một người thầy giáo tốt. Khi mới về trường nhận nhiệm vụ giảng dạy, người dân trong làng, ngoài xã đều cảm thấy bỡ ngỡ vì từ trước đến nay duy nhất thầy là người đầu tiên làm giáo viên mầm non. Nhưng rồi thời gian thấm thoắt trôi đi, thầy giáo Hội âm thầm đứng lớp, tận tâm với công việc của mình. Chẳng dám nghĩ công việc của mình là sự cống hiến, thầy cho rằng, muốn đứng vững được với nghề này, trước hết phải có một tình yêu trẻ thơ, sự đam mê nghề nghiệp. Những buổi dạy đầu tiên đối với thầy giáo Hội cũng gặp không ít khó khăn như có phụ huynh chưa tin tưởng khi để cho thầy giáo vệ sinh, bón ăn cho trẻ. Hay khi dạy các em học múa, học hát, thầy cảm thấy mình còn ngượng ngùng và khô cứng. Tay không thể múa dẻo, giọng không thể mềm mại như các cô giáo… nhưng thầy đã cố gắng vượt qua để tạo cho lớp học có những buổi sinh hoạt thật sự vui vẻ. Rồi thầy cũng phải làm quen với công việc dỗ dành những em nhỏ hay nũng nịu, chỉ bảo cho những em hay quậy phá trong lớp và nhiều việc lặng thầm mà chỉ những người trong nghề mới hiểu. Chia sẻ về công việc của mình, thầy Hội cho rằng, nghề nào cũng vậy, nếu không kiên trì thì sẽ chẳng thể tồn tại lâu. Đối với nghề mầm non, chỉ nhiệt tình thôi cũng chưa đủ, nếu không có đủ kiến thức sư phạm đặc thù và tâm lý làm... mẹ thì khó có thể giải quyết những “sự cố” chẳng ngày nào không có… Mỗi khi lên lớp, thầy đều dành tâm huyết vào các bài giảng, chỉ dạy cho các em từng nét chữ, từng con số, dạy cho các em nói từng câu cho tròn vành, rõ tiếng, bảo ban các em những luân thường đạo lý khởi đầu của cuộc sống… Càng chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ, thầy Hội càng cảm thấy say mê công việc, hài lòng với bản thân và tự hào về nghề nghiệp của mình. Thầy luôn có tinh thần học hỏi, trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn và đã khẳng định được bản thân khi ngày càng được phụ huynh tin yêu, được mọi người mến mộ, khâm phục không chỉ trong nhà trường mà còn đối với giáo viên mầm non trong toàn huyện. Những tiết dạy chuyên đề của thầy Hội luôn gây được ấn tượng và khác biệt mà nhiều cô giáo thầm mơ ước. Sau hơn 5 năm vừa đứng lớp, vừa học tập, thầy đã hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó được phân công về làm Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng). Tại đây, thầy Hội đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà trường, trong đó có việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục mầm non và đặc biệt là công tác bồi dưỡng tay nghề cho giáo viên. Thầy đã tham gia hội thi giáo viên giỏi cấp huyện và đạt danh hiệu giáo viên giỏi xuất sắc. Đến năm 2010, thầy Hội được điều chuyển về Trường Mầm non 8-3 (TP Nam Định). Tại đây, thầy đã có những sáng kiến kinh nghiệm được UBND thành phố công nhận, xếp loại, trong đó sáng kiến “Một số biện pháp tổ chức giáo dục bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp cho trẻ trong Trường Mầm non 8-3” được xếp loại xuất sắc và triển khai hiệu quả trong nhà trường. Năm 2012 thầy tiếp tục được phân công về làm Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Thắng Lợi (TP Nam Định) và từ năm 2013 đến nay thầy được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Mầm non Phượng Hồng. Là một ngôi trường mới vừa được xây dựng tại khu tái định cư Đồng Quýt, trường lớp khang trang sạch đẹp nhưng trang thiết bị còn thiếu thốn, năm đầu tiên tuyển sinh chỉ có vỏn vẹn 70 trẻ với 7 giáo viên. Nhiều lúc nhìn những đứa trẻ chạy nhảy nô đùa trong một không gian rộng lớn với 6 phòng học cao tầng và các công trình phụ trợ, thầy Hội luôn trăn trở để làm sao tất cả các phòng học đều có đủ học sinh, trường lớp được trang trí sạch đẹp, cuốn hút với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Thầy Hội đã tích cực tham mưu và được các cấp lãnh đạo quan tâm, được nhân dân ủng hộ trong việc tiếp tục chuẩn hóa cơ sở vật chất nhà trường. Đặc biệt, thầy luôn nhắc nhở giáo viên quan tâm chăm sóc sức khỏe của trẻ mới nhập trường và trẻ suy dinh dưỡng, chú trọng tới các cháu nhóm nhỏ; hằng tháng, hằng quý đều phải có đánh giá sức khỏe các cháu, tạo sự yên tâm cho phụ huynh. Bên cạnh đó, thầy Hội chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non mới do Bộ GD và ĐT quy định, nhất là các chuyên đề giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời luôn chủ động, sáng tạo, ổn định tổ chức nội bộ và tích lũy được kinh nghiệm trong công việc, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng cũng như xây dựng được nền nếp, kỷ cương trong mọi hoạt động, động viên giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động ăn, nghỉ tại trường của các cháu. Với hệ thống bếp ăn thoáng mát, sạch sẽ, trường ký kết hợp đồng ngay từ đầu năm với cơ sở bán rau xanh, thực phẩm và hằng ngày tổ chức kiểm tra việc xuất, nhập thực phẩm, chất lượng chế biến, định lượng, thực đơn và thực tế bữa ăn của các cháu một cách chu đáo, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, các cháu đều hay ăn, khoẻ mạnh và tăng cân. Việc giáo dục vệ sinh và phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ luôn luôn được thực hiện nghiêm túc với 100% số cháu được tiêm chủng, khám sức khoẻ định kỳ và được theo dõi sức khoẻ bằng biểu đồ tăng trưởng. Nhà trường thường xuyên tổ chức thông báo sức khoẻ của các cháu đến các bậc phụ huynh qua bảng tuyên truyền và sổ liên lạc với gia đình. Do làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ nên số trẻ đến trường ngày càng tăng. Ngay trong năm học 2013-2014, nhà trường đã đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến và đến năm học 2014-2015, Trường Mầm non Phượng Hồng đã được UBND tỉnh công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Đến nay, nhà trường đã ổn định 9 nhóm lớp với 450 trẻ. Dưới sự chỉ đạo của ban giám hiệu, các tiết  học đều thực hiện phương pháp “lấy học sinh làm trung tâm”, phát huy tính tích cực của các cháu. Với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, nhiều tiết học được tổ chức dưới hình thức trò chơi phù hợp tâm, sinh lý của trẻ. Thầy Hội còn khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực làm thêm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ và trang trí lớp học theo chủ điểm, tổ chức các hoạt động theo thời gian biểu, được học sinh yêu thích và qua đó kích thích sự phát triển trí tuệ và óc sáng tạo của các em. Các hoạt động hướng dẫn tạo hình, làm quen với chữ viết, văn học và toán đã phát huy tối đa khả năng sáng tạo của bé, giúp bé phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Với những đóng góp tích cực cho ngành giáo dục mầm non, trong dịp 20-11 vừa qua, thầy giáo Nguyễn Văn Hội đã được UBND, Phòng GD và ĐT Thành phố Nam Định trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú Thành Nam”. Phần thưởng đó sẽ tiếp thêm động lực để người thầy “đặc biệt” tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp ươm trồng những mầm xanh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



Khám phá web đọc sách phong phúTìm hiểu mbti và cách áp dụng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com