Phát triển vùng trồng cây ngưu tất ở xã Đại Thắng

08:12, 15/12/2017

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, đi dọc những cánh đồng, khu vườn trồng ngưu tất xanh tươi, mỡ màng của xã Đại Thắng (Vụ Bản), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một vùng quê khi phát triển cây dược liệu truyền thống đã tạo cho người dân nơi đây nguồn thu nhập ổn định.

Nông dân xã Đại Thắng chăm sóc cây ngưu tất.
Nông dân xã Đại Thắng chăm sóc cây ngưu tất.

Với truyền thống từ những năm 70 của thế kỷ trước đã trồng những loại cây như: sinh địa, huyền sâm, ngưu tất, đương quy, bạch chỉ, trạch tả…, người dân xã Đại Thắng có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng cây dược liệu. Có thời điểm, riêng HTX Nhất Trí đã thành lập đội sản xuất chuyên trồng các loại cây dược liệu, trong đó chủ đạo là huyền sâm, ngưu tất... Gần đây do nhiều cây dược liệu trồng khó và do biến động của thị trường, chỉ duy nhất cây ngưu tất vẫn được người dân trong xã duy trì trồng trong vụ đông. Ngưu tất là loại cây dược liệu lấy củ, có rất nhiều công dụng trong y học cổ truyền như trị cổ họng sưng đau, chấn thương tụ máu, viêm khớp, trừ cơn sốt… Theo nhận xét của nhiều người dân địa phương, ngưu tất dễ trồng, dễ chăm sóc, sinh trưởng, phát triển mạnh, phù hợp với nhiều loại đất trồng, chi phí đầu tư không cao, 1kg hạt giống giá dao động khoảng 300 nghìn đồng, có thể gieo được 2,5-3 sào, công chăm bón cũng không nhiều, khi thu hoạch thu lãi cao gấp nhiều lần so với cấy lúa, trồng lạc… Cây ngưu tất trồng tốt nhất từ giữa tháng 8, đầu tháng 9 (âm lịch), sau 4 tháng (khoảng tháng 12 âm lịch) sẽ cho thu hoạch. Trước khi gieo hạt, ruộng, vườn phải được cày bừa, đập đất thật kỹ cho tơi xốp nhất định, đánh luống cao trên 0,4m, bón lót phân chuồng vào lưng chừng luống. Gieo hạt xong, hằng ngày tưới nước cho hạt nhanh nảy mầm, làm cỏ và vệ sinh ruộng, vườn. Khi cây mọc lên hạn chế tưới mặt mà bơm nước vào rãnh để cây lấy nước nuôi củ thẳng, dài. Khi cây ra tán tỉa bớt những chỗ quá dày, khi cây sinh trưởng mạnh, phải cắt ngọn để dinh dưỡng tập trung nuôi củ. Đến khi cây có nhiều lá vàng, lá gốc rụng dần, rễ mập, củ dài từ 20-30cm tiến hành thu hoạch, cắt bỏ phần lá và cành. Tuy nhiên, ngoài ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất trồng, phù hợp với thời tiết khô hanh của mùa đông, thì người trồng ngưu tất rất vất vả ở khâu thu hoạch. Sau khi đào củ mang về, phải chặt lấy củ rồi đem ngâm nước cho củ tươi lại sau khi bị héo trong thời gian thu hoạch, sau đó đem sấy để củ mềm ra rồi đem rửa sạch, phơi cho khô để lên màu. Trồng trong vụ đông, ngưu tất cho năng suất cao, trung bình mỗi sào cho khoảng 300kg củ tươi, sau khi sấy, phơi khô thì còn khoảng 100kg củ khô. Mỗi 1kg củ khô bán được 50-55 nghìn đồng. Tại xã Đại Thắng có 3 HTX trồng ngưu tất gồm: Quyết Thắng, Nhất Trí, Thiện Linh. Mỗi vụ đông, 3 HTX này trồng khoảng 150ha, trong đó riêng HTX Nhất Trí trồng 70-80ha trong tổng diện tích gieo trồng của toàn HTX là 260ha (chiếm khoảng 35% tổng diện tích gieo trồng của HTX). Vụ đông năm 2017, do điều kiện thời tiết mưa lụt, toàn xã thu hẹp diện tích trồng ngưu tất còn khoảng 130ha, với khoảng 800 hộ tham gia; trong đó riêng HTX Nhất Trí có tổng diện tích trồng ngưu tất là hơn 40ha với tổng số 500 hộ tham gia trồng, trung bình mỗi hộ trồng 1 sào. Hiện nay HTX Nhất Trí có khoảng 3.000 xã viên, trong đó số lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp khá cao (khoảng 886 người), vì vậy việc duy trì và sản xuất cây ngưu tất nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp là việc làm cần thiết. HTX Thiện Linh có khoảng 100 hộ trồng ngưu tất, HTX Quyết Thắng có khoảng 200 hộ trồng ngưu tất. Mấy năm trước, người dân trồng ngưu tất trên đất 2 lúa khá nhiều, nhưng hiện tại việc trồng trên đất 2 lúa khó khăn về nước tưới, tiêu nên người dân chuyển về trồng ngưu tất tại vườn nhà hoặc trên đất trồng màu để tiện chăm sóc và đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh công tác tuyên truyền lịch thời vụ, hướng dẫn các biện pháp, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, các HTX hỗ trợ bà con trông coi bảo vệ, phục vụ hệ thống tưới tiêu. Các hộ gia đình trồng ngưu tất nhiều như gia đình ông Vũ Văn Vinh, xóm Đồng Lân, trồng hơn 3ha; gia đình ông Vũ Văn Bắc, xóm Thống Nhất, trồng hơn 2ha… Với giá tiêu thụ hiện nay, trừ mọi chi phí mỗi sào cho thu nhập khoảng 2,5-3 triệu đồng. Nhờ thu nhập từ cây dược liệu vụ đông trong thời gian qua mà trọng điểm là cây ngưu tất, đời sống xã viên của 3 HTX: Nhất Trí, Thiện Linh, Quyết Thắng dần được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất, tiêu thụ cây ngưu tất vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa tìm được đầu ra ổn định. Sản phẩm thu hoạch chủ yếu bán cho các thương lái, các hộ thu mua cây dược liệu ở Thành phố Nam Định, Thái Bình và phần lớn bà con nông dân tự tìm đường tiêu thụ nên không chủ động được về giá. Ông Vũ Đức Huynh, người dân xóm Đồng Lân, xã Đại Thắng cho biết, ông đã có “thâm niên” trồng ngưu tất được khoảng 20 năm. Mỗi năm gia đình ông trồng khoảng 3-4 sào ngưu tất. So với mấy năm trước thì việc tiêu thụ cây dược liệu này hiện nay gặp nhiều khó khăn. Ông mong muốn có được những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, góp phần cải thiện thu nhập và phát triển nguồn cây dược liệu truyền thống.

Để khuyến khích, động viên nông dân phát triển trồng ngưu tất, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch, chính quyền cần xác định ngưu tất là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông của địa phương, nỗ lực cùng bà con nông dân tích cực tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần nghiên cứu, tìm những giải pháp thiết thực để đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định, bền vững, từng bước khẳng định thương hiệu ngưu tất Đại Thắng./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



Kỹ thuật chăm cây nguyệt quế giống

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com