Đảm bảo an toàn thực phẩm thủy sản dịp cuối năm

09:12, 22/12/2017

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nói chung và thực phẩm thủy sản nói riêng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và đời sống con người. Vào thời điểm Tết Dương lịch, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng cao, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã kết hợp với các cơ quan chức năng tích cực triển khai các hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng.

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản kiểm tra cơ sở sản xuất cá bống bớp tại huyện Nghĩa Hưng.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản kiểm tra cơ sở sản xuất cá bống bớp tại huyện Nghĩa Hưng.

Để đảm bảo ATVSTP thủy sản thì tất cả các điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn, không gây hại đến sức khỏe con người. Sở NN và PTNT đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức ATVSTP thủy sản đối với các cơ sở nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản và người tiêu dùng; không mua bán, sử dụng thủy sản không rõ nguồn gốc, thực phẩm thủy sản trôi nổi. Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP thủy sản để nâng cao trách nhiệm, lương tâm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Phổ biến công khai, kịp thời đến người tiêu dùng kết quả kiểm tra về ATVSTP thủy sản, trong đó nêu rõ tên các cơ sở, sản phẩm không đảm bảo ATVSTP; các cơ sở có sản phẩm bảo đảm ATVSTP. Qua đó, phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATVSTP thủy sản. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm thủy sản không rõ nguồn gốc, không nhãn mác hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện ATVSTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Việc tăng cường quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý đã giúp nhiều cơ sở chế biến thủy sản nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong quá trình sản xuất. Tại làng nghề Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), các cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm đủ loại đang được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Dương lịch sắp tới. Dù lượng hàng để phục vụ thị trường rất lớn, ai ai cũng tất bật, luôn chân luôn tay nhưng các cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm luôn đặt việc ATVSTP lên hàng đầu. Gia đình ông Lê Văn Quang ở xóm 7 đã có 5 đời làm nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm. Bởi luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, mắm được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất bảo quản nên sản phẩm của cơ sở ông luôn được mọi người tin dùng. Nhiều khách quen năm nào cũng tìm về nhà ông Quang đặt mua hàng chục lít nước mắm làm quà biếu. Ông Quang cho biết: “Cơ sở tôi xác định làm hàng để bán cho khách cũng phải đảm bảo sạch, ngon như làm cho mình ăn. Nguyên liệu được chọn phải tươi ngon, đảm bảo về VSATTP”. Hay cơ sở chuyên sản xuất cá mai khô, cá đù của ông Đỗ Chí Công, xã Hải Lý (Hải Hậu) những ngày cuối năm cũng đang gấp rút đẩy mạnh sản xuất. Cơ sở được đầu tư đầy đủ kho chứa, kho cấp đông, kho bảo quản, được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tập trung giám sát các cơ sở cung ứng chính cho những bếp ăn tập thể trong KCN, trường học và vùng đăng ký sản xuất thủy sản an toàn. Sở NN và PTNT tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc chứng nhận xuất xứ sản phẩm thủy sản nuôi nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phục vụ cho việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Xây dựng và triển khai chương trình nuôi có kiểm soát theo các tiêu chuẩn: GaqP, GMP, GlobalGAP đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao… Nhân rộng việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, GMP, SSOP… trong sơ chế, chế biến, bảo quản thủy sản nhằm tăng giá trị sản phẩm thủy sản. Ngoài các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú tập trung trọng điểm như Giao Thiện, Bạch Long (Giao Thủy); Nghĩa Thắng, Nam Điền (Nghĩa Hưng); Hải Lý, Hải Triều, Hải Đông (Hải Hậu)… thì hiện trên địa bàn tỉnh đã có 11 cơ sở nuôi nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo sản xuất thực phẩm an toàn. Nhiều chủ cơ sở nuôi thủy sản đã chủ động tham gia các lớp tập huấn về ATVSTP thủy sản để trang bị những kiến thức cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất của mình; thực hành thả giống theo đúng lịch thời vụ, chỉ thả những con giống đã được kiểm dịch đầy đủ. Đặc biệt, hầu hết người nuôi đã chú trọng không sử dụng các hóa chất, kháng sinh chế phẩm sinh học không có trong danh mục được Bộ NN và PTNT cho phép sử dụng. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát chất lượng thủy sản sau thu hoạch, ngăn chặn, phát hiện việc sử dụng các chất bảo quản, thuốc kháng sinh, chất độc hại.

Đảm bảo ATVSTP nói chung và thực phẩm thủy sản nói riêng đang là vấn đề bức thiết được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là trong những dịp lễ, Tết. Chính vì vậy nên từ nay đến cuối năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tập trung tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thủy sản về điều kiện kinh doanh cũng như chất lượng hàng hóa, cơ sở vật chất nhà xưởng chế biến và vấn đề ATVSTP thủy sản, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com