Chấn chỉnh thị trường thuốc đông dược

09:12, 19/12/2017

Thực trạng thị trường dược liệu và chất lượng dược liệu hiện nay đang là nỗi lo của người dân. Mới đây, qua kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, đã phát hiện có tới trên dưới 60% dược liệu chưa đạt chất lượng; trong đó, 20% bị trộn lẫn tạp chất, thậm chí tẩm ướp cả hóa chất độc hại...

Người dân đến khám, cắt thuốc chữa bệnh tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền huyện Nghĩa Hưng.
Người dân đến khám, cắt thuốc chữa bệnh tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền huyện Nghĩa Hưng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 cơ sở bán buôn dược liệu, 14 cơ sở bán lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, trên 300 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Tìm hiểu tại một số cửa hàng dược liệu ở các phố: Hoàng Văn Thụ, Bắc Ninh (TP Nam Định) được biết có đủ loại dược liệu, từ cam thảo, ý dĩ, đẳng sơn... cho tới các loại sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo nhập khẩu, thậm chí, có nhiều loại rễ cây, cỏ được bày bán tràn lan nhưng trên bao bì không ghi rõ loại gì. Giá của những loại dược liệu tại đây cũng không khác gì “ma trận”. Tại một số cửa hàng bán dược liệu cạnh nhau trên phố Hoàng Văn Thụ, giá 1kg nấm linh chi Hàn Quốc cũng không thống nhất, có cửa hàng bán với giá trên 600 nghìn đồng/kg nhưng cũng có cửa hàng chỉ bán 380 nghìn đồng/kg. Cùng là đông trùng hạ thảo, có loại chỉ 8-12 triệu đồng/lạng, nhưng cũng có loại 70-80 triệu đồng/lạng. Hoặc viên “An cung ngưu hoàng hoàn” được xem là “thần dược” của bệnh nhân tai biến, có loại chỉ vài trăm nghìn nhưng cũng có loại vài triệu đồng. Có loại nấm lim xanh giá vài triệu đồng/kg nhưng cũng có không ít loại bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg. Tại một quầy thuốc y học cổ truyền trên phố Hoàng Văn Thụ, chúng tôi nhận thấy có nhiều bao thuốc lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau phía góc nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những bao thuốc có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, có nhiều bao không hề ghi nguồn gốc dược liệu mà cơ sở sử dụng. Rõ ràng thị trường kinh doanh dược liệu đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. Các đợt thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng cũng đã phát hiện lượng tồn dư chất hóa học trong một số loại nhân trần, sắn dây, rau má; một số dược liệu bị mốc được phơi sấy lại…; một số dược liệu giả mạo thường được dùng là các dược liệu có hình dáng giống nhau như giả củ mài - hoài sơn bằng củ cọc, củ cái; hà thủ ô giả bằng thân rễ các loài thuộc chi Dioscorea, Smilax; giả mạo thỏ ty tử bằng hạt chế từ xi măng; giả mạo ô dược bằng rễ sim, giả ý dĩ bằng hạt cao lương. Nhiều dược liệu không được bảo quản đúng nên bị kém chất lượng. Không ít dược liệu còn được nhuộm bằng thuốc nhuộm (như đan sâm, câu kỷ tử), sử dụng hóa chất độc hại hoặc dùng dược liệu có chứa hoạt chất độc hại (bằng sa, cây vòi voi)… Thực trạng dược liệu giả đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyềncũng như hiệu quả chữa bệnh của các chế phẩm từ dược liệu. Chưa kể với cách chiết xuất dược liệu bằng công nghệ cao như hiện nay, thì với những dược liệu có giá trị có thể bị rút hoạt chất và phần dược liệu đến tay người mua chỉ còn lại rất ít (khoảng 30-40%) như nấm linh chi, nấm lim xanh, hoặc củ sâm ngâm rượu...

Trước thực trạng trên, hằng năm, Sở Y tế đều thành lập đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược liệu và cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Qua kiểm tra, đã phát hiện một số thuốc còn độ ẩm cao, một số cơ sở chưa đầy đủ hóa đơn nhập thuốc cũng như sổ nhập thuốc; một số cơ sở kinh doanh kho thuốc chật chội, chưa đủ giá kệ, nhiều vị thuốc chưa ghi rõ tên thuốc. Đoàn thanh, kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở khắc phục, chấp hành các quy định về hành nghề dược tư nhân. Đoàn cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh và cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đảm bảo chất lượng thuốc theo quy định. Để khắc phục những hạn chế của thị trường thuốc đông dược, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu của tỉnh gắn với các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiếp tục triển khai quy hoạch các vùng nuôi trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng dược liệu”. Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các quy định của Nhà nước, tăng cường công tác thanh, kiểm tra đảm bảo chất lượng thuốc y học cổ truyền. Các ngành chức năng cũng tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan để thực hiện tốt việc quản lý chất lượng dược liệu và thuốc đông dược. Về chuyên môn, xây dựng các bộ mẫu chuẩn trong kiểm nghiệm, gồm mẫu dược liệu, các chất chuẩn có nguồn gốc dược liệu. Xây dựng hệ thống tổ chức kiểm nghiệm dược liệu phù hợp, có các tiêu chuẩn theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng để kiểm nghiệm dược liệu trong y học cổ truyền và trong sản xuất các chế phẩm. Thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật về tình trạng chất lượng dược liệu, về những tiến bộ, những quy định mới trong kiểm nghiệm dược liệu. Bổ sung một số chỉ tiêu về chất lượng như hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản, nấm mốc… để góp phần tăng chất lượng dược liệu và thành phẩm thuốc từ dược liệu. Để giải quyết triệt để tình trạng thật giả lẫn lộn trong lĩnh vực kinh doanh dược liệu, ngoài nỗ lực của các ngành chức năng, phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc khống chế nguyên liệu và thuốc dược liệu thành phẩm nhập lậu./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com