Tăng cường quản lý sản xuất và tiêu thụ rau an toàn

08:11, 07/11/2017

Trước nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch ngày càng cao, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh rau áp dụng theo các mô hình tiên tiến. Tuy nhiên diện tích trồng rau an toàn của tỉnh vẫn ở quy mô nhỏ; chủ yếu trong các chương trình, dự án liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc phát triển và mở rộng diện tích trồng rau an toàn và quá trình tiêu thụ rau còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh), bắt đầu triển khai vùng trồng rau công nghệ cao từ tháng 10-2016 tại xóm 11, xã Trực Hùng. Hiện nay tổng diện tích trồng rau của Cty là 5,4ha, trong đó 1ha trồng rau thủy canh và hữu cơ trong nhà màng, diện tích còn lại, Cty trồng rau theo công nghệ VietGAP. Hầu hết sản phẩm của Cty là các loại rau ăn lá, rau, cây ăn quả như: 11 loại xà lách, cải bó xôi, cải ngọt, cải chíp, rau muống, mồng tơi, rau đay, cải làn, cải bắp, su hào, cải thảo, bầu, bí, mướp, dưa chuột, cà chua… Thị trường cung cấp là Hà Nội gồm hệ thống siêu thị Vinmax của tập đoàn Vingroup, 4 siêu thị của Đức Thành, hệ thống siêu thị của Big C và 3 cửa hàng rau sạch trên địa bàn Thành phố Nam Định. Khi bắt tay vào sản xuất, Cty gặp khó khăn do đội ngũ nhân viên kỹ thuật và người lao động chưa quen với công nghệ sản xuất rau theo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Để khắc phục tình trạng này Cty đã liên kết với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ngắn ngày để đội ngũ nhân viên và người lao động nắm vững kỹ năng, kỹ thuật cơ bản về trồng và chăm sóc rau an toàn. Quá trình triển khai, Cty được UBND tỉnh và địa phương tạo điều kiện cho chuyển đổi từ diện tích trồng lúa sang trồng hoa màu, được khách hàng về tham quan và sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Do đó, từ khi bắt tay vào sản xuất, Cty chưa bao giờ bị ế hàng, chỉ lo thiếu hàng. Tuy vậy, khó khăn mà Cty đang gặp phải là chi phí cho quá trình sản xuất rất tốn kém, trong khi doanh nghiệp chủ yếu đầu tư trên đất thuê của bà con nông dân và đất đấu thầu của Nhà nước nên khó khăn cho người đầu tư về vốn, về tài sản để có thể thế chấp ngân hàng để mở rộng, phát triển quy mô sản xuất…

Sản xuất rau, củ, quả bằng phương pháp thuỷ canh và theo công nghệ Ít-xra-en tại Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Sản xuất rau, củ, quả bằng phương pháp thuỷ canh và theo công nghệ Ít-xra-en tại Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Tại xã Yên Dương (Ý Yên), sản xuất rau vốn là “nghề” truyền thống nên việc quy hoạch vùng sản xuất rau thường sang sản xuất rau theo hướng an toàn được người dân luôn đồng tình ủng hộ. Từ những năm trước, xã đã được quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với khoảng 50 hộ sản xuất trên diện tích 2ha. Tham gia vùng quy hoạch, người nông dân được hướng dẫn các kỹ thuật làm đất, trồng rau theo đúng hướng dẫn kỹ thuật cũng như được hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thu hoạch sơ chế và bán sản phẩm. Tuy nhiên, do đầu ra cho sản phẩm còn ít, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ nên các sản phẩm rau an toàn của bà con nhiều khi được thu mua với giá cả chẳng khác gì các loại rau sản xuất theo phương thức truyền thống. Vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rau giữa người sản xuất và người kinh doanh theo hướng đôi bên cùng có lợi. Người dân tham gia sản xuất rau an toàn tại Yên Dương mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện để tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tại trang trại trồng rau hữu cơ của anh Trần Đức Tuệ, Giám đốc Cty TNHH Tuệ Hương nằm trên địa bàn xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc), với diện tích 4.500m2, anh trồng các loại rau như rau muống, mồng tơi, các loại rau họ cải, đỗ, dưa chuột, củ dền, xà lách, su hào... Theo anh Tuệ, khó khăn nhất là năm nay thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng nhiều đến sản lượng rau. Đợt mưa lũ vừa qua, 3/4 sản lượng rau của trang trại bị hỏng do ngập nước nên Cty phải trồng lại, trồng mới, ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng rau và việc cung ứng rau ra thị trường do giá thành bị đẩy lên cao. Theo anh Tuệ, người sản xuất, kinh doanh muốn giữ giá ổn định nhưng khi giữ giá ổn định sẽ không đủ chi phí cho sản xuất…

Bà Lê Thị Thơm, xóm Đào, xã Hiển Khánh (Vụ Bản), đã chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng rau theo công nghệ Nhật Bản trên diện tích 3 sào, gồm các loại rau cải thìa, cải ngọt, dưa chuột, cà chua… cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ rau phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Bên cạnh đó kinh phí đầu tư sản xuất rau cũng khá cao do đất phải khử vôi, không dùng phân đạm mà dùng phân chuồng ủ mục, nên thời gian sinh trưởng, phát triển chậm. Việc phun thuốc trừ sâu cho rau được gia đình dùng hoàn toàn bằng dung dịch tỏi, ớt pha loãng nên chi phí sản xuất rau khá cao, giá thành tăng, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm.

Việc phát triển các vùng trồng rau an toàn ở tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều khó khăn còn do đặc thù canh tác của người dân nhỏ lẻ, manh mún; nhiều khu vực sản xuất rau an toàn nằm xen lẫn với diện tích trồng lúa, ngô… nên dễ dẫn đến tình trạng nguồn nước tưới bị nhiễm vi sinh vật, không đảm bảo yêu cầu cho sản xuất rau an toàn. Để rau an toàn có được “chỗ đứng” trên thị trường, đặc biệt là tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cũng như có thể cạnh tranh với các sản phẩm rau khác trên thị trường, trước hết phải hạ giá thành sản phẩm, làm tốt khâu liên kết tiêu thụ trước khi sản xuất đại trà, để tránh tình trạng sản xuất ra nhưng lại không có thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó người dân các vùng chuyên canh rau an toàn cũng cần trăn trở trong việc phát triển vùng rau và giữ thương hiệu rau an toàn khi được công nhận. Ngoài ra, để rau an toàn phát triển bền vững, ổn định đầu ra cho người sản xuất, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào lĩnh vực này và tăng cường công tác kiểm tra, hỗ trợ cấp chứng nhận cho mô hình rau an toàn./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com