Những ngày đầu tháng 10-2017 vừa qua, tình trạng mưa lớn do áp thấp nhiệt đới gây ra đã gây lụt tại một số địa phương trong tỉnh khiến cho mực nước các sông dâng cao, nhiều ao hồ nuôi cá của các hộ dân bị ngập, cá bị tràn ra ngoài sông, hồ, kênh mương gây thiệt hại về tài sản. Nhân cơ hội đó, nhiều người dân đã sử dụng bình ắc-quy điện để khai thác thủy sản, đánh bắt cá khiến nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
Người dân sử dụng bình ắc-quy điện để đánh bắt thủy sản tại xã Yên Phong (Ý Yên). |
Đi khắp các xã trên địa bàn các huyện những ngày gần đây, chúng tôi bắt gặp không ít người mang theo bình kích điện ra các cánh đồng ngập nước, dòng sông, kênh mương… để chích điện bắt cá tôm. Tại dòng sông xã Yên Phong (Ý Yên), chúng tôi thấy một đám người đang đánh bắt cá với dụng cụ đánh bắt được thiết kế khá đơn giản, chỉ với một bình ắc quy 12V, một bộ kích điện, mỗi đầu dây điện được nối với một đầu kim loại gắn vào một đầu cây sào dài. Nhờ bộ kích điện nên nguồn điện sẽ được nâng lên 220V, khi đánh bắt tôm cá, chỉ cần đưa hai đầu sào có điện xuống vùng nước thì hầu hết các loài động vật thủy sinh từ to cho đến nhỏ quanh khu vực đó đều bị điện giật gây tê liệt. Mỗi bộ kích điện chỉ có giá khoảng từ 1-2 triệu đồng nên nhiều người có thể dễ dàng mua để đi đánh bắt thủy sản. Những người đánh bắt cá bằng kích điện hoạt động công khai nhưng chẳng có ai kiểm tra, xử lý. Theo một người dân trên địa bàn xã Yên Phong: Việc đánh bắt cá bằng kích rất đơn giản, chỉ cần thọc hai cây sào xuống nước là nguồn điện từ dòng điện dẫn theo. Trúng điện, cá, tôm nhao loạn lên rồi lịm đi. Người dùng kích chỉ việc dùng vợt hoặc dùng tay bắt là xong… Ngoài ra, còn rất nhiều người dân vô tư dùng điện sinh hoạt kéo ra để đánh bắt, biết là nguy hiểm nhưng vì mục đích kiếm thêm thức ăn để cải thiện bữa ăn gia đình mà không biết được sự nguy hiểm đang rình rập ngay trước mắt. Theo các ngành chức năng, việc dùng điện bắt cá gây ra nhiều nguy hại. Bởi nước và đất là những môi trường rất dễ dẫn điện. Nên khi nguồn điện hở, cơ thể con người dễ bị nguồn điện phóng gây đột quỵ, suy tim… Nếu không được phát hiện kịp thời, tử vong rất dễ xảy ra. Đặc biệt trong lúc đánh bắt cá, người bắt đang chú tâm vào việc đánh bắt cá mà quên đi việc quan sát những thứ xung quanh. Chưa kể, khi dòng điện phóng xuống nước thì tất cả các loài thủy sinh có lợi đều bị tiêu diệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Đánh bắt thủy sản bằng xung điện không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra từ nhiều năm nay dù pháp luật đã có quy định rõ ràng. Theo Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 2-1-1998 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản. Điều 15 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12-9-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản thì hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng; đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng và bị tịch thu công cụ kích điện.
Hiện trên địa bàn tỉnh ta chưa có con số thống kê cụ thể về số người tham gia đánh bắt bằng xung điện. Bên cạnh đó, việc xử lý đánh bắt bằng kích điện là rất khó bởi lực lượng chức năng còn mỏng mà các đối tượng đánh bắt ngày càng tinh vi và hoạt động trên nhiều địa bàn, chủ yếu vào ban đêm. Các ngành chức năng của huyện, xã trên địa bàn chưa quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Vì vậy để bảo vệ môi trường sinh thái, các ngành chức năng cần vào cuộc ra quân xử lý triệt để, tránh tình trạng người dân ở địa bàn này sang địa bàn khác đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Chính quyền các cơ sở phải thành lập các tổ, đội hoặc nhóm thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương trong việc tăng cường công tác tuyên truyền ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vận động để những người hành nghề từ bỏ kiểu đánh bắt tận diệt này góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và mai sau./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh