Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta có nhiều người, cơ quan do thiếu kinh nghiệm, sơ suất bị một số đối tượng dùng các chiêu trò để lừa bán sách. Điều đáng nói là sản phẩm sách được bán không đúng với nội dung quảng cáo ban đầu; hơn nữa các đối tượng còn giả danh một số cơ quan chức năng để ép các hộ kinh doanh, các cơ quan, đơn vị phải mua sách với giá cao...
Mới đây một người hàng xóm cầm một cuốn sách bìa đỏ chói sang phàn nàn với tôi: Hôm trước tôi nhận được một cuộc điện thoại của người đàn ông giới thiệu cùng họ và có nói đã xuất bản một cuốn gia phả của dòng họ tôi dày hơn 600 trang. Đây là cuốn sách bổ ích cung cấp thông tin đầy đủ về lịch sử lâu nhất của dòng họ và hướng dẫn ghi chép cây gia phả họ tộc. Cuốn sách có giá 350 nghìn đồng anh ta sẽ gửi qua đường bưu điện cho, khi nhận sách thanh toán tiền với nhân viên bưu điện, như vậy không phải ra hiệu sách tìm... Nghỉ hưu rồi có thời gian để đọc sách, nhất là tài liệu gia phả họ tộc thì quý quá nên tôi đồng ý luôn. Chỉ sau 1 tuần, nhân viên bưu điện mang sách đến, tôi nhanh chóng trả tiền theo yêu cầu và khấp khởi mừng vì có cơ sở để giúp các cụ trong họ hoàn thiện việc xây dựng gia phả họ tộc theo đúng sách hướng dẫn. Tuy nhiên khi nghiên cứu kỹ tôi rất thất vọng vì cuốn sách không viết riêng về dòng họ Đinh Việt Nam mà giới thiệu chung chung các dòng họ lớn trong toàn quốc. Phần hướng dẫn viết gia phả là tổng hợp sao chép những tài liệu viết về phong tục, tín ngưỡng đã xuất bản...; chỉ có 80 trang, rất đơn sơ, khái lược. Thậm chí, cuốn sách có hơn 100 trang giấy trắng, chỉ có các đề mục ở đầu trang, gọi là “Hướng dẫn cụ thể”… Khi phát hiện ra có quá nhiều lỗi trong cuốn sách này, tôi gọi điện cho người liên hệ bán sách thì không có ai nghe máy mặc dù chuông điện thoại vẫn đổ. Dùng số điện thoại khác để gọi thì chủ thuê bao nói là nhầm người, nhầm số...
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát các loại sách báo, văn hóa phẩm lưu thông trên địa bàn huyện Giao Thủy. |
Đây không phải là trường hợp đầu tiên gặp chuyện này. Thời gian qua có khá nhiều người ở độ tuổi trung niên trở lên, bị các đối tượng gạ bán sách gia phả dòng họ. Nắm bắt được tâm lý chung là ở tuổi này, hầu hết các ông muốn tìm hiểu về lịch sử dòng tộc…; trong khi giá mỗi cuốn sách chỉ dao động khoảng 400 nghìn đồng… nên rất nhiều người bị lừa một cách dễ dàng. Các sách thường được dùng để lừa bán là “Sổ tay hướng dẫn ghi chép gia phả, dòng tộc và phong tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt”, “Doanh nhân Việt Nam vàng”, “100 doanh nhân Việt Nam hàng đầu”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao”... Đa phần đó là những cuốn sách dày, khổ lớn, in ấn rất bắt mắt. Song về nội dung, thực ra đây là những sách đăng quảng cáo của các doanh nghiệp… Không dừng lại ở đây, các đối tượng này còn giả danh là cán bộ trực thuộc các cơ quan Công an, Y tế, NN và PTNT, Công thương, TN và MT, Thuế, Thanh tra… gọi điện đến các doanh nghiệp, trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh điều tra về thông tin doanh nghiệp, thông báo kế hoạch kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh, hành nghề của đơn vị đó và kèm theo việc ép mua sách chuyên ngành. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh biết chắc còn nhiều sai sót, vi phạm các điều kiện kinh doanh với tâm lý “mua để được yên thân” đã vội vàng chấp nhận mua sách, đặc biệt là sách tập hợp các văn bản pháp luật chuyên ngành. Một số cơ sở còn bị ép mua hồ sơ khai báo hoàn thiện đăng ký kinh doanh hay chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ… Phòng Công thương huyện đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ lừa đảo bán sách giả, hóa đơn chứng từ giả quy mô lớn. Lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật và kiến nghị với các ngành chức năng, Ban chỉ đạo 389 của huyện có phương án xử lý.
Từ phản ánh của người dân về tình trạng này, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kịp thời thông báo rộng rãi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân về những thủ đoạn, cách thức của đối tượng lừa đảo để tránh “tiền mất, tật mang” và khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ gặp trường hợp như trên cần thông báo ngay với chính quyền địa phương, công an hoặc gọi điện qua đường dây nóng của Ban chỉ đạo 389 địa phương, các cơ quản quản lý chuyên ngành lĩnh vực đơn vị mình sản xuất, kinh doanh để phối hợp các ngành chức năng có biện pháp xử lý, làm rõ hành vi lừa đảo. Ngoài việc báo thông tin cho cơ quan chức năng, chủ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, tổ chức dịch vụ cần làm đúng các quy định của ngành chức năng; đồng thời, thường xuyên vào trang thông tin điện tử của các ngành chức năng để cập nhật thông tin liên quan nhằm không để nhóm người này lợi dụng, hù dọa. Ngoài ra người dân cũng nên thận trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân lên mạng vì thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp các đối tượng xấu theo dõi tìm kiếm thông tin cá nhân qua mạng để thực hiện hành vi phạm pháp./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương