Cứ vào dịp Tết Trung thu, trẻ em lại mong chờ được người lớn tặng đồ chơi. Bởi vậy trên các tuyến phố Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Điện Biên, Chợ Rồng… của Thành phố Nam Định đã hình thành thị trường các mặt hàng đồ chơi Trung thu đủ loại từ truyền thống đến hiện đại. Những mặt hàng đồ chơi được các cửa hàng chọn bán trong dịp này là những sản phẩm truyền thống đặc trưng của Tết Trung thu như đèn ông sao, trống cơm, đèn cù, đầu sư tử, mặt nạ… Bên cạnh đó là các mặt hàng đồ chơi hiện đại với hình dáng, mẫu mã phong phú, đa dạng như ô tô, búp bê, lego và các loại đồ chơi lắp ghép, xếp hình, siêu nhân, đèn lồng bằng nhựa, áo cánh tiên, áo thiên thần, gậy phát sáng… với kiểu dáng đa dạng. Giá thành của những loại đồ chơi này dao động ở mức từ 25-70 nghìn đồng/sản phẩm.
Người dân chọn mua đồ chơi Trung thu trên phố Lê Hồng Phong (TP Nam Định). |
Nét mới của thị trường đồ chơi Tết Trung thu năm nay là do có sự “vào cuộc” của cơ quan chức năng nên các mặt hàng đồ chơi mang tính bạo lực như súng, đao, kiếm… trên địa bàn Thành phố Nam Định vắng bóng. Tuy nhiên ở các cửa hàng bán đồ chơi ở các chợ khu vực nông thôn, nhiều loại đồ chơi đã bị cấm như đao, kiếm, súng ống bằng nhựa vẫn được bày bán. Và, bất chấp những cảnh báo về việc đồ chơi Trung Quốc chứa chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng, năm nay, thị trường đồ chơi Trung thu có nguồn gốc Trung Quốc lại tiếp tục được bán tràn lan. Các loại đồ chơi này đều không in tem mác, địa chỉ sản xuất. Khi được hỏi thì cả người bán hàng và người mua hàng cũng chỉ hiểu mập mờ. Chị Trần Thị Vui, chủ một ki-ốt đồ chơi khu vực chợ Rồng cho biết: “Đồ chơi trong nước năm nay tuy tốc độ bán có khả quan hơn nhưng các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc vẫn được người mua ưa chuộng nên tôi vẫn nhập về bởi mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả hợp lý và lại bán được quanh năm. Còn với mặt hàng đồ chơi Trung thu truyền thống, giá cao hơn mọi năm, trong khi mẫu mã lại không thay đổi so với những năm trước nên khách hàng ít lựa chọn”. Chị Bùi Thị Hạnh, khách hàng mua đồ chơi Trung thu tại một ki-ốt ở chợ Rồng chia sẻ: Tôi vẫn nghe thông tin một số đồ chơi Trung Quốc chứa chất độc hại nhưng vì chiều các cháu nên tôi cũng đành mua. Nhưng phải công nhận là đồ chơi Trung Quốc bắt mắt hơn, giống thật và cập nhật xu hướng, sở thích của trẻ em cực nhanh, trong khi đồ chơi truyền thống của mình lại quá đơn giản, không có nhiều tính năng, không gắn với sở thích của trẻ em nên khi chơi các cháu rất nhanh chán”. Tuy nhiên khi đề cập đến vấn đề an toàn cho trẻ nhỏ khi sử dụng đồ chơi Trung thu nếu không có địa chỉ, tem kiểm định chất lượng sản phẩm, thì cả người mua và người bán đều không có câu trả lời xác đáng. Chị Thu Hiền, trú tại đường Trần Thánh Tông, phường Thống Nhất (TP Nam Định) có con nhỏ học tiểu học cho biết: Trước thông tin nhiều mẫu đồ chơi Trung Quốc bị nhiễm độc, gây hại tới sức khỏe, khi chọn đồ chơi cho con, tôi thường dựa vào cảm quan. Theo tôi, đồ chơi được làm bằng nhựa tốt thì màu nhựa phải sáng bóng, chất nhựa trong, dẻo, dai, không dễ gẫy, hỏng và giá cả cũng không rẻ quá.
Thị trường đồ chơi Trung thu đang tồn tại khá nhiều vấn đề bất ổn. Theo thống kê của ngành chức năng, có khoảng 80-90% đồ chơi lưu thông trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc; trong đó, phần lớn theo đường tiểu ngạch, nhập lậu không được cơ quan chức năng kiểm tra đánh giá chất lượng. Nhiều trường hợp nhà nhập khẩu, phân phối in sẵn nhãn hàng hóa và dấu hợp quy rồi giao cho cơ sở bán lẻ tự dán dẫn đến dán nhầm lẫn các loại đồ chơi. Mặt khác, việc kiểm soát nhãn hàng hóa và dấu hợp quy đồ chơi trẻ em như hiện nay là rất khó do quá nhiều hộ buôn bán nhỏ lẻ, nhiều chủng loại, mẫu mã... Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra để phát hiện và thu hồi kịp thời những sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ, kết hợp với tích cực vận động các hộ kinh doanh đồ chơi thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh các mặt hàng đồ chơi./.
Bài và ảnh: Minh Thuận